Quảng Nam:
Bỏ việc nghìn đô la, kỹ sư về làm bonsai "bất tử" bán cho đại gia
(Dân trí) - Đang làm kỹ sư xây dựng với mức lương hơn 1.000 USD nhưng anh Lê Hồng Thái vẫn quyết tâm bỏ việc để theo đuổi đam mê sản phẩm mỹ nghệ "độc lạ".
Kỹ sư về nhà làm mộc
Chúng tôi biết đến anh Lê Hồng Thái (quê gốc Hà Tĩnh) trong chợ phiên du lịch ở TP Hội An vào cuối tháng 3. Nhưng phải tới giữa tháng 4, chúng tôi mới có dịp ghé thăm cơ sở sản xuất bonsai trầm hương của anh tại TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.
Năm 2010, anh tốt nghiệp Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng với tấm bằng kỹ sư xây dựng và được nhận vào làm cho một công ty chuyên xây dựng các công trình dân dụng, cầu đường trên khắp cả nước.
"Lúc đó, có thời điểm mức thu nhập của tôi hơn 1.000 USD/tháng (khoảng gần 30 triệu đồng). Khi làm các công trình ở miền núi, đi ven đường thấy những gốc cây rất đẹp, nên đã khơi dậy đam mê gỗ nghệ thuật trong tôi, cứ thế sau những giờ làm việc tôi lại làm bạn với các gốc cây đó", anh Thái chia sẻ.
Năm 2012, vừa công tác ở miền núi, anh Thái vừa mở thêm cơ sở chế tác gốc cây thành đồ mỹ nghệ. Những sản phẩm "độc nhất vô nhị" của anh nhanh chóng được thị trường đón nhận, đặc biệt là các đại gia muốn sưu tầm hàng độc.
Đến năm 2018, anh quyết định nghỉ hẳn ở công ty để chuyên tâm hơn cho việc chế tác các sản phẩm gỗ mỹ nghệ. Sau 3 năm lăn lộn với nghề, anh Thái vô tình được người bạn tặng một tác phẩm bonsai làm từ kim loại trông rất lạ mắt.
Nhận thấy tiềm năng phát triển từ sản phẩm này, anh Thái đã lên mạng tìm hiểu để làm thử nghiệm. Thời gian đầu, bonsai kim loại chỉ đứng một mình nên sản phẩm rất đơn điệu và chưa mang lại nét riêng, rất khó tiếp cận khách hàng.
"Lúc đó tôi đã nhiều đêm mất ngủ để suy nghĩ hướng đi phù hợp hơn. Sau vài ngày thì tình cờ thấy được một phôi trầm hương có dáng "dị" đang được rao bán. Lúc đó tôi mới nảy ra ý tưởng chọn trầm để nâng tầm các tác phẩm nghệ thuật này", anh Thái nhớ lại.
Nghĩ là làm, anh đã lặn lội lên thủ phủ trầm Tiên Phước để tìm nguồn phôi phù hợp. Khi tìm được nguồn hàng, anh bắt tay vào công việc sản xuất những sản phẩm đầu tiên.
Đến nay, sau gần 3 tháng làm bonsai "bất tử" trên phôi trầm hương, anh Thái đã tạo ra hơn 100 tác phẩm. Mỗi tác phẩm tùy thuộc vào từng loại trầm, khối lượng sẽ có những giá thành từ 3-20 triệu đồng, một số lên đến hàng trăm triệu đồng vì phôi trầm đó có thế "độc".
Cây đại gia săn lùng
Theo anh Thái, việc tạo tác ra một tác phẩm bonsai bằng dây kim loại trên phôi trầm không chỉ cần sự tỉ mỉ, khéo tay, mà còn đòi hỏi tính nghệ thuật, khả năng thẩm mỹ và cả lòng đam mê.
Tùy kích thước, mẫu mã, mỗi sản phẩm có thể mất 4-18 giờ để hoàn thiện, riêng với những sản phẩm lớn và có thiết kế độc đáo hơn thì mất 2-3 ngày mới hoàn thành.
Một sản phẩm khi ra đời phải đáp ứng đúng yêu cầu kỹ thuật của bonsai về chi tán, bộ đế, thân. Các dáng cơ bản phải tuân thủ là dáng trực, dáng xiên, dáng hoành, dáng huyền…
Đặc biệt, giá trị của tác phẩm nằm ở phôi trầm hương, phôi càng khủng và được tạo hình "dị" thì giá trị càng cao. Đơn cử như tác phẩm mới nhất của anh được ghép trên phôi trầm "song sinh" có một không hai, được anh định giá trên 100 triệu đồng.
"Muốn sản phẩm đẹp và gây được chú ý thì phải bắt được dáng của phôi trầm, rồi thêm các tiểu tiết vào để mỗi sản phẩm đều mang một ý nghĩa riêng. Chẳng hạn chi tiết người chèo thuyền là thuận buồm xuôi gió", anh Thái giải thích.
Nhờ sự mới lạ, kích thước nhỏ gọn, sống động và "bất tử" nên sản phẩm của anh Thái rất được ưa chuộng để trang trí trong nhà, phòng làm việc.
"Mỗi tháng, tôi bán tầm 10-15 sản phẩm, thu được hơn 100 triệu đồng. Trừ hết chi phí tôi thu lãi 10-30 triệu đồng. Sắp tới tôi sẽ đưa 50 tác phẩm ra trưng bày tại hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2022 tại Hạ Long, sau đó là Festival làng nghề truyền thống ở Hội An. Tôi hy vọng sản phẩm này sẽ góp phần tạo được sức hút với du khách trong năm du lịch Quốc gia Quảng Nam 2022", anh Thái bày tỏ.