1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Công nhân trắng đêm làm thêm kiếm tiền nuôi con

Xuân Hinh

(Dân trí) - Ngoài công việc chính ở công ty, nhiều công nhân phải làm thêm vào ban đêm để kiếm thêm thu nhập nuôi gia đình, bất chấp sức khỏe giảm sút.

Không được phép nghỉ ngơi

Công nhân trắng đêm làm thêm kiếm tiền nuôi con - 1

Sau giờ tan ca, chị Lý lại lao vội ra chợ để bán quần áo kiếm tiền nuôi gia đình (Ảnh: Linh Sơn).

Chị Nguyễn Thị Lý quê Thanh Hóa (50 tuổi) vào TP HCM lập nghiệp đã 22 năm. Sau 15 năm vào làm công nhân ở KCX Linh Trung 1, TP Thủ Đức, thu nhập của chị vẫn ở mức thấp, chẳng đủ chi tiêu. Từ khi sinh con, gia đình chị lúc nào cũng trong cảnh "thiếu trước hụt sau", lương chỉ đủ dùng trong nửa tháng. 

Để lo cho con, ngoài giờ làm tại công ty, chị Lý ra chợ Tân Lập, Dĩ An (Bình Dương) bán quần áo để tăng thu nhập. Mấy năm trước, khi chưa có dịch Covid-19, nhờ sạp quần áo ở chợ, gia đình chị sống khỏe dù chị phải làm việc mỗi ngày hơn 15 giờ. 

"Khi chưa có dịch bệnh, hàng bán thích lắm, có tối, tôi bán được cả triệu đồng. Còn bây giờ, mỗi buổi chỉ được 200.000 đồng, có hôm chỉ được vài chục nghìn. Không đi bán thì chán vì ở nhà nghỉ cũng không biết làm gì, công ty không tăng ca nên tôi đi bán kiếm đồng mua rau, mua đồ cho con", chị Lý chia sẻ.

Công nhân trắng đêm làm thêm kiếm tiền nuôi con - 2

Thu nhập của chị Lý giờ chỉ còn 1/5 so với trước dịch khiến đời sống gia đình ngày càng khó khăn (Ảnh: Linh Sơn).

Chị Lý bán quần áo dành cho phụ nữ với giá rất "công nhân", chỉ khoảng 15.000 - 35.000 đồng/sản phẩm. Những ngày này, chị ngồi từ 17h chiều đến 20h tối, có khi đến 23-24h đêm mới trở về phòng trọ. 

Mỗi tháng chị Lý phải trả cho chủ thuê chỗ ngồi ở chợ 800.000 đồng (dịch bệnh nên được giảm còn 600.000 đồng). Tháng vừa rồi, buôn bán kém, chị Lý cho hay, tiền lãi chỉ đủ đóng chỗ ngồi. 

Thức đêm nhiều, sức khỏe chị Lý giảm sút nghiêm trọng, thường xuyên mệt mỏi và thiếu ngủ. Tuy vậy, chị cho rằng, điều quan trọng nhất của chị lúc này là kiếm tiền nuôi con, sức khỏe có suy giảm cũng phải chấp nhận. 

Công nhân trắng đêm làm thêm kiếm tiền nuôi con - 3

Chị Lý tâm sự, 22 năm trụ lại TPHCM, chị chẳng dám nghỉ ngơi vì áp lực cơm áo gạo tiền (Ảnh: Linh Sơn).

Trắng đêm giao hàng để kiếm tiền nuôi con

Anh Dương Văn Linh (29 tuổi, quê Kiên Giang) làm việc tại Khu công nghệ cao TP Thủ Đức, hơn 2 năm nay luôn tranh thủ giờ nghỉ, ngày nghỉ để bán hải sản online. Tận dụng lợi thế ở quê có nhiều loại hải sản nên anh đã nhập hàng và giao bán trên mạng xã hội. Khách hàng mua chủ yếu là đồng nghiệp tại công ty, bạn bè và những người cùng khu trọ.

Công nhân trắng đêm làm thêm kiếm tiền nuôi con - 4

Chàng công nhân trẻ tận dụng mạng xã hội để kiếm tiền, dành dụm để sinh con (Ảnh: Linh Sơn).

Mỗi tháng, anh Linh cũng có thêm 3 triệu đồng để đóng tiền nhà trọ, hay trang trải chi phí sinh hoạt của gia đình. Vợ chồng anh Linh làm cùng công ty. Lương của hai người, nếu chi tiêu tiết kiệm cũng có đồng dư. Tuy nhiên đợt dịch Covid -19 vừa qua, vợ chồng anh ở nhà 4 tháng liền nên đã mang tiền tích lũy ra tiêu gần hết. Ở thời điểm hiện tại giá cả lên cao, anh chị làm chỉ vừa đủ nuôi gia đình nhỏ.

"Vợ chồng tôi đang có dự định sinh em bé nên tôi cần kiếm được nhiều tiền hơn để nuôi con. Bây giờ, hai vợ chồng đi làm, tổng thu nhập mỗi tháng là 14 triệu. Trừ hết các khoản chi phí tiền ăn uống, sinh hoạt, tiền nhà trọ, điện nước… chỉ để dư được 2 triệu đồng. Cho nên đợt này tôi đẩy mạnh lấy hàng dưới quê lên để bán. Có như vậy, vợ chồng mới có tiền để nuôi con", anh Linh bộc bạch.

Công nhân trắng đêm làm thêm kiếm tiền nuôi con - 5

Có những đêm, Linh phải trắng đêm giao hàng cho khách (Ảnh: Linh Sơn).

Làm ca 12 tiếng mỗi ngày, anh Linh vẫn tranh thủ đăng bài trên mạng xã hội để bán hàng online, sau đó tận dụng ngày nghỉ, sau giờ tan ca để đi giao hàng cho khách.

"Cực nhất là lúc xe chở đồ từ quê lên vào giữa đêm. Tôi phải thức cả đêm đó để canh ra bến xe Miền Tây lấy hàng. Tôi trọ ở TP Thủ Đức chạy ra bến xe cũng hơn 20km. Cả đi và về là bốn chục cây số. Nhiều lúc nghĩ cũng cực, nhưng cuộc sống mình còn nghèo khó nên phải cố gắng chắt chiu, kiếm tiền lo cho tương lai", anh Linh kể.

Tại phiên họp lần hai ngày 12/4, Hội đồng tiền lương quốc gia thống nhất tăng lương tối thiểu 6% từ ngày 1/7, tức thêm 180.000 - 260.000 đồng so với hiện nay. Nếu được Chính phủ thông qua, lương tối thiểu vùng 1 sẽ là 4,68 triệu đồng; vùng 2 lên 4,16 triệu; vùng 3 đạt 3,64 triệu và vùng 4 là 3,25 triệu đồng.

Linh Sơn