Thợ cơ khí bỏ nghề lên núi trồng xà lách, mỗi năm thu... chục tỷ đồng

Minh Hậu

(Dân trí) - Với phương thức canh tác hiện đại, mỗi năm, gia đình anh Dũng ở Lâm Đồng trồng liên tiếp được 11 vụ rau, thu về cả chục tỷ đồng.

Cú rẽ ngang của anh thợ cơ khí

Ở xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng, anh Tô Quang Dũng được biết đến là một trong những người tiên phong phát triển rau thủy canh xuất khẩu.

Anh Dũng sinh ra và lớn lên tại Hà Tĩnh. Năm 1992, anh cùng cha mẹ vào thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng sinh sống. Do hoàn cảnh khó khăn nên sau khi học hết cấp 3, anh phải lăn lộn cùng người thân làm nhiều việc để mưu sinh.

Thợ cơ khí bỏ nghề lên núi trồng xà lách, mỗi năm thu... chục tỷ đồng - 1

Anh Tô Quang Dũng bén duyên với việc sản xuất rau xà lách thủy canh từ năm 2016 (Ảnh: Minh Hậu).

Năm 2004, anh Tô Quang Dũng học nghề cơ khí tại một trường cao đẳng ở tỉnh Lâm Đồng. Năm 2008, sau khi tốt nghiệp, anh vay mượn tiền mở xưởng cơ khí tại Đà Lạt. Tuy nhiên, xưởng cơ khí không mang lại kết quả như kỳ vọng nên anh quyết định chuyển hướng làm ăn.

"Năm 2011, sau khi đóng cửa xưởng cơ khí, tôi vay mượn thêm tiền để thuê đất làm vườn. Lúc bấy giờ, với diện tích nhỏ ở xã Lát, huyện Lạc Dương, tôi trồng rau ăn lá để bán", anh Dũng kể.

Đến năm 2014, sau nhiều năm tích góp, gia đình anh Dũng đã mua được khu vườn rộng hơn 2ha tại xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương. Một năm sau, anh được qua Malaysia tham gia hội nghị khách hàng, tham quan các mô hình sản xuất rau. Trong chuyến đi, anh Dũng nhận thấy mô hình trồng rau thủy canh có nhiều ưu điểm, mang lại hiệu quả kinh tế cao nên ấp ủ dự định thực hiện tại Đà Lạt.

Thợ cơ khí bỏ nghề lên núi trồng xà lách, mỗi năm thu... chục tỷ đồng - 2

Mỗi năm, gia đình anh Tô Quang Dũng trồng 11 vụ rau cung ứng cho thị trường (Ảnh: Minh Hậu).

"Trong năm 2015, tôi đầu tư sản xuất rau thủy canh trên tổng diện tích 0,5ha. Lúc đó, sản xuất thủy canh là mô hình mới, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Các vật tư như hệ thống máng trồng, phân bón, giống... đều phải nhập khẩu từ nước ngoài. Năm 2018, gia đình tôi thua lỗ 2 tỷ đồng vì rau nhiễm bệnh, chết hàng loạt. Về sau, tôi phải tìm đến các trung tâm nghiên cứu, chuyên gia để học hỏi", anh Dũng nói.

"Ông trùm" xuất khẩu

Anh Tô Quang Dũng cho biết, hiện nay gia đình sản xuất xà lách Crispenya và Crispyano (người dân Đà Lạt thường gọi là xà lách thủy tinh). Cây giống sau khi đặt lên giàn thủy canh được cung cấp các dưỡng chất thiết yếu thông qua hệ thống tưới công nghệ cao. Với quy trình này, cây rau cho thu hoạch sau 30-35 ngày.

Thợ cơ khí bỏ nghề lên núi trồng xà lách, mỗi năm thu... chục tỷ đồng - 3

Trang trại sản xuất rau của gia đình anh Tô Quang Dũng tạo công ăn việc làm cho 18 lao động (Ảnh: Minh Hậu).

Việc trồng rau thủy canh trong nhà kính công nghệ cao ít bị tác động bởi thời tiết, sâu bệnh. Trung bình, mỗi năm anh Tô Quang Dũng sản xuất 10-11 vụ rau thủy canh, đáp ứng nguồn hàng liên tục cho thị trường.

Việc sản xuất mang lại hiệu quả nên gia đình anh Dũng đã mở rộng khu sản xuất lên 4ha. Trong đó, anh sử dụng 2ha sản xuất rau thủy canh, 2ha còn lại trồng các loại rau, củ quả theo quy trình thổ canh.

Với quy mô hiện tại, mỗi ngày gia đình anh Dũng cung cấp hàng cho các hệ thống siêu thị trong nước 4-5 tấn rau. "Cùng với việc phát triển thị trường trong nước, chúng tôi cũng hợp đồng với đối tác Hàn Quốc. Mỗi tháng lượng rau xuất sang quốc gia này khoảng 50 tấn", anh Dũng chia sẻ.

Về kế hoạch phát triển trong thời gian tới, theo anh Dũng, các đối tác ở Đài Loan (Trung Quốc), Singapore cũng đã tới tham quan trang trại và quan tâm đến sản phẩm rau thủy canh của gia đình. Thời gian tới, anh dự định mở rộng khu sản xuất lên 4ha và liên kết với các nông hộ trong vùng để nâng quy mô sản xuất, phục vụ thị trường.

Trồng rau thủy canh, nông dân thu tiền tỷ (Video: Minh Hậu).

Chị Mai Thị Hiệp, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lạc Dương, Lâm Đồng xác nhận, mô hình sản xuất rau thủy canh của gia đình anh Dũng là điển hình trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao ở địa phương. Với quy trình sản xuất và thị trường ổn định, mỗi năm gia đình anh thu về 10-12 tỷ đồng.

Theo chị Mai Thị Hiệp, mô hình sản xuất rau thủy canh tăng cao hiệu suất sử dụng đất và gia tăng giá trị nông sản. Khác với xà lách trồng đất 3 vụ/năm, rau thủy canh có thể đẩy lên đến 11 vụ/năm, giúp chủ vườn tăng lợi nhuận.

Trang trại của gia đình anh Tô Quang Dũng đang tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 18 lao động với mức lương 6,5-8,5 triệu đồng/người/tháng. Trong đó nhiều lao động là con em vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương.