Nữ giáo viên về hưu với "cú lội ngược dòng" sau biến cố trắng tay

Minh Hậu.

(Dân trí) - Trồng rau xà lách thủy canh, cung cấp cho các siêu thị, mỗi ngày nữ giáo viên về hưu Phạm Thị Thu Cúc (Lạc Dương, Lâm Đồng) thu về khoảng 20 triệu đồng.

Chuyến tham quan ở nước ngoài

Ở tuổi 70, bà Phạm Thị Thu Cúc (trú tại thôn Đạ Nghịt, xã Lát, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng) vẫn miệt mài sản xuất rau cung ứng ra thị trường.

Sinh ra và lớn lên tại Phù Mỹ (Bình Định), năm 1975, bà Cúc theo học sư phạm tại một ngôi trường ở thành phố Đà Lạt sau đó về quê dạy học. Đến khoảng cuối năm 1980, cuộc sống ở quê gặp nhiều khó khăn, vợ chồng bà khăn gói lên Đà Lạt lập nghiệp. Tại đây, cùng với việc dạy học, bà Cúc và chồng cuốc đất trồng rau để cải thiện thu nhập.

Nữ giáo viên về hưu với cú lội ngược dòng sau biến cố trắng tay - 1

Ở tuổi 70, bà Phạm Thị Thu Cúc vẫn miệt mài với mô hình sản xuất rau thủy canh (Ảnh: Minh Hậu).

Chủ nông trại 70 tuổi kể lại: "Khoảng cuối những năm 1990, khi nghỉ dạy học, tôi cùng chồng làm nông, buôn bán bất động sản, thuê khách sạn làm du lịch… Việc làm ăn thời gian đó khá thuận lợi nên tôi có nhiều tài sản giá trị ở khu trung tâm thành phố Đà Lạt".

Đến khoảng đầu năm 2000, việc buôn bán bất động sản rơi vào thua lỗ nên nhà cửa, khách sạn của gia đình bà Cúc ở khu trung tâm Đà Lạt buộc phải bán hoặc bị ngân hàng tịch biên, phát mãi thu hồi nợ.

Để vực lại cơ đồ, bà Cúc đi đến quyết định bán nốt mảnh vườn rộng 1ha còn lại ở phường 8, Đà Lạt rồi vào thôn Đạ Nghịt (xã Lát, Lạc Dương) mua đất, thuê đất trồng rau.

"Đó là khoảng thời gian có biến cố lớn trong gia đình. Chồng, con đau ốm, bản thân tôi bị lừa gạt mất trắng, kinh tế khó khăn trăm bề", nữ giáo viên về hưu rùng mình nghĩ lại.

Năm 2014, bà Phạm Thị Thu Cúc được một doanh nghiệp cung cấp hạt giống của Hà Lan đưa qua Malaysia tham gia chương trình tập huấn, tham quan mô hình sản xuất rau an toàn. Tại quốc gia này, khi bước vào nông trại, bà bị choáng ngợp bởi hệ thống sản xuất hiện đại, khác biệt so với những gì bà từng thấy ở Việt Nam.

Bà Cúc kể: "Toàn bộ rau xà lách được trồng trong hệ thống ống nước và việc chăm bón cũng được thực hiện vô cùng khoa học. Đặc biệt, nông trại có đến hàng nghìn, hàng vạn cây mà sự phát triển đồng đều đến kỳ lạ, hiếm thấy cây nào to hơn hay bé hơn và khó để tìm ra cây rau bị bệnh, bị sâu hại".

Nữ giáo viên về hưu với cú lội ngược dòng sau biến cố trắng tay - 2

Từ 1.000m2 rau xà lách thủy canh ban đầu, đến nay gia đình bà Cúc đã mở rộng khu sản xuất lên gần 2ha (Ảnh: Minh Hậu).

Sau chuyến tham quan ấy, một vườn rau hiện đại mang lại sự an toàn cho người tiêu dùng luôn hiển hiện trong tâm trí nữ giáo viên về hưu.

"Đẹp, hiệu quả nhưng vốn đầu tư cho 1.000m2 trên 400 triệu đồng. Nghĩ đến khoản ấy, tôi lại tự nhắc mình: "Thôi! Quên đi! Lấy đâu ra tiền để làm!", bà Cúc chia sẻ.

Quyết định "lội ngược dòng"

Đến đầu năm 2015, khi không thể quên được giấc mơ về khu vườn xanh mướt, bà Cúc quyết định bắt tay thực hiện. Thời gian này, bà chuyển đổi diện tích 1.000m2 vườn cà chua sang làm thử.

Nữ giáo viên về hưu với cú lội ngược dòng sau biến cố trắng tay - 3

Nông trại của gia đình bà Cúc tạo công ăn việc làm cho 20 lao động là người đồng bào dân tộc thiểu số trong và ngoài tỉnh (Ảnh: Minh Hậu).

Bấy giờ, bà chấp nhận vay tiền với lãi suất cao để nhập khẩu trang thiết bị, công nghệ, hạt giống.

Bà Cúc cho biết, việc sản xuất rau thủy canh đối với bà khá thuận lợi. Kiến thức, kỹ thuật sản xuất, công thức dinh dưỡng cho cây trồng đều được các chuyên gia, kỹ sư của công ty giống hỗ trợ.

Khi xà lách trên các giàn thủy canh phát triển, gia đình bà Cúc đạt được hợp đồng bao tiêu từ một hệ thống siêu thị trong nước.

Thành công ở khu vườn 1.000m2 ban đầu, bà Cúc tiếp tục ký thêm hợp đồng cung ứng với đối tác và mở rộng diện tích lên 0,2ha, rồi 0,5ha và đến nay là gần 2ha. Chủ vườn 70 tuổi thổ lộ, phân bón và các thành phần dinh dưỡng cần thiết cho xà lách đều được pha trộn theo công thức, tỉ lệ xác định nên cây phát triển tốt, đều.

Thông thường, sau 30 ngày trồng, xà lách cho thu hoạch. Đặc biệt, cây trồng trên giàn thủy canh trong nhà kính nên các nguy cơ về sâu, bệnh hại được kiểm soát tốt. Chính điều này giúp chủ vườn hạn chế đến mức tối thiểu việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

"Trong trường hợp cây xảy ra sâu, bệnh hại, tôi sẽ dùng chế phẩm sinh học hoặc các loại thuốc chuyên dùng sản xuất hữu cơ để phòng, trừ", bà Cúc nói.

Nữ giáo viên về hưu với cú lội ngược dòng sau biến cố trắng tay - 4

Hiện nay, mỗi ngày nông trại bà Phạm Thị Thu Cúc cung ứng 400-500kg rau xà lách thủy canh cho các hệ thống siêu thị (Ảnh: Minh Hậu).

Hiện nay, bà Phạm Thị Thu Cúc đã thành lập doanh nghiệp, một lần nữa làm giám đốc, đứng mũi chịu sào.

Với diện tích gần 2ha, mỗi ngày nông trại của bà cung ứng cho các hệ thống siêu thị 400-500kg xà lách thủy canh với mức giá dao động 35.000-40.000 đồng/kg, thu về trên dưới 20 triệu đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí, nữ giám đốc có lợi nhuận khoảng 40% (tức thu lãi gần 10 triệu đồng/ngày).

Với gần 2ha vườn, gia đình bà Cúc tạo công ăn việc làm cho 20 nhân công lao động là người đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Lát và lao động một số tỉnh khác. Các lao động làm việc tại đây được hưởng mức lương 7-15 triệu đồng/người/tháng.

Ông Lê Hữu Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lát cho biết, nông trại sản xuất rau thủy canh của gia đình bà Phạm Thị Thu Cúc là một trong những mô hình nông nghiệp công nghệ cao hiệu quả ở địa phương. Đây là mô hình cần nhân rộng trong thời gian tới.