"Thợ chăn trâu thịt, 365 ngày/năm đều ở ngoài đồng..."
(Dân trí) - "Nghề đòi hỏi thợ làm đủ 365 ngày ở ngoài đồng, kể cả mùng 1 Tết. Chỉ cần vài hôm kém ăn là trâu hao cả chục cân thịt" - ông Vũ Văn Vận, người nuôi trâu ở Tri Trung (Phú Xuyên, Hà Nội) cho hay.
Vốn lớn
Trao đổi với PV, anh Tạ Văn Toan trú tại Mỹ Hưng (Thanh Oai, Hà Nội), làm nghề nuôi trâu đã gần 10 năm qua. Anh đang sở hữu hơn 30 con trâu trị giá khoảng 1 tỷ đồng. Đàn trâu được về từ các tỉnh miền núi phía bắc, ngoài ra anh còn nhân giống để bán trong mỗi dịp Tết Nguyên đán.
Anh Tạ Văn Toan cho biết: "Trước kia, con trâu được nuôi ở Việt Nam chủ yếu để lấy sức kéo nên tiềm năng sản xuất trâu thịt hầu như không được chú ý đến. Những năm trở lại đây, nhu cầu sử dụng thịt trâu ngày một tăng nên nghề nuôi trâu thương phẩm phát triển hơn".
Các hộ gia đình chăn nuôi trâu ngày nay thường "cải tạo" trâu theo hướng nuôi thịt là nâng cao tầm vóc, tăng tốc độ sinh trưởng, rút ngắn thời gian nuôi. Đồng thời, người nuôi tăng năng suất thịt trên một đầu trâu.
Anh cho rằng, muốn coi nghề chăn trâu làm kinh tế chính trong gia đình cần phải chăn nhiều cùng một lúc mới sớm cho thu hồi vốn. Giá trâu dao động từ 15 - 40 triệu/con. Nên để có được một đàn trâu, nhiều hộ gia đình phải bỏ vốn ra hàng trăm triệu đồng.
Từng làm nghề mộc chuyển sang nuôi trâu, anh Tạ Văn Suốt ở Ninh Sở (Thường Tín, Hà Nội), chủ sở hữu của đàn trâu với 19 con lớn nhỏ. Dự kiến bán hết đàn trâu anh có thể thu lời khoảng 300 triệu đồng.
"Tôi làm nghề này đã 8 năm. Đến với nghề tuy có nhọc nhằn dãi nắng dầm mưa nhưng thu nhập cũng khá ổn định. Con trâu không bị ảnh hưởng nhiều về thị trường, suốt nhiều năm qua giá bán trâu luôn tăng chứ không giảm" - anh Tạ Văn Suốt cho hay.
Để có được đàn trâu như bây giờ, anh đã phải bỏ ra 100 triệu đồng mua 5 con trâu giống lúc ban đầu. Tận dụng đồng cỏ của quê hương để chăn dắt.
"Lúc tôi đến với nghề này, nhiều bà con làng xóm đàm tiếu, tiền bỏ ra mua trâu thì nhiều, chẳng may nó chết thì mất khối tiền. Khi nghe những lời nói không hay từ bà con trong xóm, tôi đều bỏ ngoài tai và lặng lẽ làm công việc mà mình cho là đúng hướng. Đến thời điểm hiện tại, phải có tiền mới mua được trâu để chăn" - anh Tạ Văn Suốt tâm sự.
Nghề vất vả
Cũng Theo anh Tạ Văn Toan, nghề chăn trâu không khó, nhưng nhọc nhằn. Ngày nắng cũng như ngày mưa, không bao giờ anh vắng mặt ngoài cánh đồng.
Như thường lệ, đúng 7 giờ sáng trâu được anh lùa ra đồng. Đến trưa, lúc trâu đã chén no bụng cỏ, anh nhờ vợ hoặc con cái ra trông nom để tranh thủ về ăn cơm. Tầm 18h, anh lại lùa trâu về chuồng.
"Chăn ít thì đỡ vất vả nhưng thu nhập lại không cao, chăn nhiều thì vất vả lắm. Những tháng hanh khô, đồng thiếu cỏ, tôi phải đi bộ theo đàn trâu cả chục km để tìm bãi cỏ" - anh Tạ Văn toản tâm sự.
Cũng theo anh, nghề chăn trâu cũng nhiều những rủi ro khi mà năm 2019 anh bị chết mất 8 con với tổng giá trị khoảng 300 triệu đồng. Anh cho rằng, trâu chết chủ yếu do không quen môi trường sống dẫn đến các bệnh về đường ruột. Tuy nhiên năm nay, trâu được giá, hơn một nửa đàn trâu của gia đình anh Tạ văn Toan đã được thương lái đặt cọc.
Là một người có kinh nghiệm hàng chục năm làm nghề chăn trâu, ông Vũ Văn Vận trú tại Tri Trung (Phú Xuyên, Hà Nội) cho hay: "Nghề đòi hỏi phải làm đủ 365 ngày ở ngoài đồng, kể cả mùng 1 Tết. Trâu gầy rất nhanh, chỉ cần vài hôm kém ăn là hao cả chục cân thịt nên người làm nghề phải thật chịu khó".
Ngoài chịu khó, theo ông Vũ Văn Vận, người chăn trâu phải có sức khỏe để chống trọi lại nắng mưa ngoài đồng. Đồng thời, việc giữ được bình tĩnh cũng là yếu tố quan trọng. Vì có những con trâu hiền lành nhưng nhiều con bản chất hung dữ sẵn sàng tấn công đồng loại thậm chí là cả người chăn. Đây là nỗi nguy hiểm lớn nhất của người làm nghề.