Cận Tết, làng rèn Đa Sỹ rộn tiếng đe, búa

Sơn Kim

(Dân trí) - Tết Tân Sửu chỉ còn vào ngày. Trong khi nhiều nhà đang lo sắm sửa đón Tết thì những người thợ làng rèn Đa Sỹ (Hà Đông, Hà Nội) vẫn bận rộn sản xuất ra các mặt hàng dao kéo phục vụ khách hàng.

Cận Tết, làng rèn Đa Sỹ rộn tiếng đe, búa - 1
Cận Tết, làng rèn Đa Sỹ rộn tiếng đe, búa.

Tất bật "đỏ lửa" cả ngày đêm

Ông Mai Ngọc Thắng - người làm nghề lâu năm tại thôn Đa Sỹ - cho biết: "Cuối năm, nhiều khách hàng xa đặt mua số lượng dao lớn về để bán buôn. Hai vợ chồng tôi phải tăng công suất lên gấp 3 lần ngày thường để kịp tiến độ trước khi Tết đến".

Cũng giống hầu như các hộ có quy mô nhỏ lẻ khác, gia đình ông Thắng phải đầu tư máy móc vào sản xuất để tăng năng suất lao động. Do nhu cầu nhiều, lò rèn nhà ông mấy hôm nay lúc nào cũng đỏ lửa từ sáng sớm đến chiều muộn.

Chia sẻ về đặc thù công việc, ông Thắng cho biết người thợ rèn luôn luôn vẫn phải đảm bảo tính kỹ thuật ở nhiều khâu bắt buộc phải theo phương pháp thủ công.

Cận Tết, làng rèn Đa Sỹ rộn tiếng đe, búa - 2
Ông Mai Ngọc Thắng đang thực hiện công đoạn làm cán dao.

"Để tạo phôi, chúng tôi phải chọn mua thép đảm bảo chất lượng. Kinh nghiệm cho thấy, thép không nên quá cứng hoặc quá non. Thêm nữa, kỹ thuật lò lại không khéo rất có thể sẽ nổ mẻ khiến sản phẩm bị nứt, vỡ", ông Thắng cho hay.

Chia sẻ về thu nhập, ông Thắng cho biết những tháng bình thường trong năm, vợ chồng ông Thắng chỉ làm túc tắc 4 ngày/tuần. Tháng cuối năm, công việc bận rộn gần như kín tuần đem lại cho gia đình thu nhập lên đến 15-20 triệu đồng/tháng.

Cách đó vài trăm mét, hộ sản xuất của gia đình anh Hoàng Mạnh Đạt cũng đang tất bật chạy đua với thời gian sản xuất hàng trăm mặt hàng dao chặt. Khác với ông Thắng, cơ sở của anh Đạt gần như hoàn toàn làm bằng phương pháp thủ công truyền thống.

Cận Tết, làng rèn Đa Sỹ rộn tiếng đe, búa - 3
Hai cha con anh Hoàng Mạnh Đạt chạy đua với thời gian sản xuất hàng trăm con dao chặt.

Để làm ra 1 con dao chặt đạt chất lượng tốt, anh Hoàng Mạnh Đạt cho biết cần mất tới trên dưới 20 công đoạn. Vì thế, người thợ làm thủ công cần tỉ mỉ từng khâu, đôi khi phải mất cả ngày mới cho ra lò một sản phẩm hoàn thiện.

Cũng theo anh Đạt, làm nghề thợ rèn rất vất vả vì bụi bặm, nóng bức - nhất là vào thời điểm mùa hè. Tuy nhiên nghề này cho thu nhập ổn định, không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi tác động bên ngoài như dịch Covid-19 đang hoành hành hiện nay.

Trăn trở

Theo nghề rèn đã nhiều năm, ông Mai Ngọc Thắng cho biết hiện nay có khoảng 2000 hộ tham gia sản xuất. Tuy nhiên người dân chủ yếu làm theo mùa vụ, số hộ duy trì sinh kế bằng nghề này hiện tại chỉ khoảng 20%.

Cận Tết, làng rèn Đa Sỹ rộn tiếng đe, búa - 4
Nghề thợ rèn rất vất vả bởi bụi bặm và nóng bức.

"Các hộ gia đình hiện nay chủ yếu sản xuất theo quy mô nhỏ lẻ, manh mún. Bên cạnh đó, sản phẩm các loại dao kéo nhiều khi bị nhái nhiều, ảnh hưởng đến thương hiệu của làng nghề", ông Thắng trăn trở.

Bàn về sự phát triển làng nghề tương lai, ông Thắng mong muốn có khu tập trung quy mô lớn để người dân yên tâm sản xuất trong một môi trường sạch sẽ, rộng rãi hơn. Qua đó mở rộng được thị trường, thêm động lực tiếp tục giữ gìn nghề cổ truyển từ bao đời của ông cha.

Cận Tết, làng rèn Đa Sỹ rộn tiếng đe, búa - 5
Hiện nay, đa phần các hộ sản xuất đều đầu tư máy móc để tăng năng suất lao động.

Sau khi tốt nghiệp ở một trường Cao đẳng nghề ở Hà Nội, anh Hoàng Mạnh Đạt đã từng thử sức đi làm nhiều nghề khác nhau để sinh sống. Sau khi lập gia đình, anh quyết tâm trở về quê nhà theo đuổi nghề "tay đe, tay búa".

Anh Đạt là 1 số ít thanh niên trẻ tiếp tục nối nghiệp cha mình - nghệ nhân Hoàng Văn Cung. Hàng năm, anh Đạt tích cực tham gia các khóa học nâng cao; thăm các các mô hình sản xuất của địa phương khác do Hiệp hội làng nghề tổ chức để trau dồi thêm kinh nghiệm.