Thế giới có nguy cơ không hoàn thành mục tiêu về chấm dứt lao động trẻ
Báo cáo chỉ ra nguy cơ sử dụng lao động trẻ em ở mức cao đặc biệt tại 27 quốc gia, trong đó Somalia, Nam Sudan, Eritrea và CH Trung Phi thuộc nhóm 5 quốc gia đứng đầu về nguy cơ này.
Cứ 10 quốc gia trên thế giới thì lại có một quốc gia có nguy cơ "nghiêm trọng" về sử dụng lao động trẻ em. Đây là đánh giá được đưa ra trong báo cáo Chỉ số lao động trẻ em của Công ty nghiên cứu tư vấn Verisk Maplecroft (Anh).
Báo cáo chỉ ra nguy cơ sử dụng lao động trẻ em ở mức cao đặc biệt tại 27 quốc gia, trong đó Somalia, Nam Sudan, Eritrea và CH Trung Phi thuộc nhóm 5 quốc gia đứng đầu về nguy cơ này.
Các quốc gia được coi là "công xưởng sản xuất" của thế giới như Ấn Độ và Trung Quốc lần lượt xếp ở các vị trí số 47 và 98 trên tổng số 198 quốc gia trong báo cáo của Verisk Maplecroft.
Báo cáo Chỉ số lao động trẻ em được thực hiện nhằm giúp các doanh nghiệp xác định và loại bỏ tình trạng sử dụng lao động trẻ em trong các chuỗi cung ứng quốc tế phức tạp của mình.
Kết quả báo cáo được tính dựa trên các tiêu chí đánh giá như hệ thống luật ngăn chặn lao động trẻ em và tần suất cũng như mức độ nghiêm trọng của các vụ bóc lột lao động trẻ em được báo cáo.
Các vấn đề sử dụng lao động trẻ em thường rất khó phát hiện khi thiếu sự giám sát trực tiếp và hợp đồng lao động thường được ký kết qua nhiều lớp hợp đồng phụ, cùng với đó là tâm lý e ngại rà soát toàn bộ chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp với lý do quy trình phức tạp.
Nhà phân tích dữ liệu nhân quyền của Verisk Maplecroft Oscar Larsson cho rằng tình trạng sử dụng lao động trẻ em vẫn phổ biến trong nhiều lĩnh vực và nếu như các quốc gia chưa hành động thì các công ty cần phải đảm bảo có những công cụ cần thiết để ngăn chặn điều này xảy ra trong chuỗi cung ứng của họ.
Theo báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), thế giới có khoảng 150 triệu lao động trẻ em. Phần lớn trong số này làm việc trên các nông trại tại châu Phi hoặc châu Á.
ILO cũng cảnh báo thế giới sẽ không thể hoàn thành mục tiêu chấm dứt lao động trẻ em dưới mọi hình thức vào năm 2025, một trong số 17 mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu được các quốc gia Liên hợp quốc thống nhất năm 2015./.
Theo Lê Ánh (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/the-gioi-co-nguy-co-khong-hoan-thanh-muc-tieu-ve-cham-dut-lao-dong-tre/572055.vnp