Thanh Hoá: Lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp bộc lộ nhiều hạn chế

(Dân trí) - Bên cạnh những mặt đạt được, thời gian qua, các đơn vị trong lĩnh vực giáo dục thường xuyên (GDTX) và dạy nghề (DN) trên địa bàn các huyện, thị, thành phố của tỉnh Thanh Hoá còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Đây cũng là điều được các ngành chức năng rà soát, đánh giá.

Theo đánh giá của tỉnh Thanh Hóa, công tác GDTX và DN trên địa bàn các huyện, thị, thành phố (gọi chung là cấp huyện) đang giữ một vị trí quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng, nâng cao trình độ dân trí của người dân và đã tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động...

Trung tâm dạy nghề huyện Thường Xuân, Thanh Hóa được đầu tư hàng chục tỷ đồng nhưng vắng như Chùa Bà Đanh
Trung tâm dạy nghề huyện Thường Xuân, Thanh Hóa được đầu tư hàng chục tỷ đồng nhưng "vắng như Chùa Bà Đanh"

Tuy nhiên, qua rà soát, đánh giá về tổ chức và hoạt động của các đơn vị trong lĩnh vực GDTX và DN trên địa bàn cấp huyện, đang bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập như: Hệ thống cơ cấu, tổ chức và hoạt động của các trung tâm chưa thống nhất, tồn tại nhiều mô hình; nhiều đầu mối tổ chức giáo dục, đào tạo và DN.

Đồng thời, còn phân tán nguồn lực, nơi thừa, nơi thiếu; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dàn trải, gây tốn kém, lãng phí.

Ngoài ra, chưa huy động được số lượng học viên tham gia đào tạo nghề đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; chưa kiện toàn được tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên...

Để đảm bảo phù hợp với quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp và HN, đáp ứng nhu cầu đào tạo nghề nghiệp và tổ chức thực hiện các chương trình GDTX trên địa bàn cấp huyện... việc đổi tên, sáp nhập và bổ sung chức năng, nhiệm vụ cho các trung tâm GDTX, trung tâm GDTX và DN, trung tâm DN, trung tâm kỹ thuật tổng hợp - HN là phù hợp và rất cần thiết.


Máy móc, thiết bị dường của Trung tâm dạy nghề huyện Thường Xuân đã lâu không được dùng tới

Máy móc, thiết bị dường của Trung tâm dạy nghề huyện Thường Xuân đã lâu không được dùng tới

Từ đó, UBND tỉnh Thanh Hóa đã quyết định phê duyệt Đề án đổi tên, sáp nhập, bổ sung chức năng, nhiệm vụ các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND các huyện hoạt động trong lĩnh vực GDTX, DN, HN.

Theo đó, các trường hợp đổi tên và bổ sung chức năng, nhiệm vụ như: Quan Sơn, Bá Thước, Lang Chánh, Hà Trung, Hoằng Hóa, Như Thanh và thành phố Sầm Sơn; đối với 3 huyện: Quan Hóa, Ngọc Lặc, Tĩnh Gia chỉ có trung tâm GDTX, không có đơn vị hoạt động DN công lập trực thuộc UBND cấp huyện.

Thực hiện đổi tên trung tâm của 10 huyện thành trung tâm giáo dục nghề nghiệp - GDTX; đồng thời bổ sung chức năng, nhiệm vụ cho các trung tâm để đảm bảo mỗi trung tâm có đủ 3 chức năng: Đào tạo nghề nghiệp, GDTX và HN.

Đề án được thực hiện trên nguyên tắc giữ nguyên trạng về cơ sở vật chất, trang thiết bị, tổ chức bộ máy, biên chế, công chức, viên chức, lao động hơp đồng, tài chính, tài sản và các hồ sơ, tài liệu có liên quan.

Đối với trung tâm có từ 2 địa điểm đặt trụ sở trở lên, hoặc sử dụng chung diện tích đất với đơn vị khác, yêu cầu cần xác định rõ việc xử lý các vấn về sử dụng đất đai, trụ sở chính làm việc, nhằm đảm bảo các điều kiện thuận lợi cho tổ chức, hoạt động của trung tâm sau khi đổi tên; phần diện tích đất, trụ sở làm việc còn lại được UBND các huyện bố trí sử dụng phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Theo đề án này, tỉnh Thanh Hóa thực hiện sáp nhập 2 trung tâm trên địa bàn 11 huyện thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - GDTX.

Đối với các đơn vị vừa có trung tâm GDTX, vừa có trường trung cấp nghề, các đơn vị liên quan đánh giá thực trạng tổ chức, hoạt động của các trung tâm, trường trung cấp nghề, báo cáo Bộ LĐ-TB&XH, Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ cho ý kiến chỉ đạo về việc sáp nhập đối với trung tâm GDTX và trường trung cấp nghề nói trên, để bảo đảm mỗi huyện chỉ có một đầu mối tổ chức thực hiện.

Duy Tuyên