1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Thanh Hóa: Chuyện trồng ngô thoát nghèo ở nơi ...một năm chơi 8 tháng

(Dân trí) - Bản Khẹo - một địa danh sát biên giới với nước bạn Lào - thuộc xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) từ lâu được mệnh danh là bản “nghèo bền vững”. Do thời tiết khắc nghiệt, người dân ở đây chỉ trồng đúng 1 vụ lúa còn lại 8 tháng trong năm là đất "ngủ".

Chúng tôi khởi hành chuyến đi từ TP. Thanh Hóa lên đến xã Bát Mọt của huyện Thường Xuân cũng mất 4 tiếng đồng hồ. Từ trung tâm huyện phải đi trên con đường dốc ngoằn ngoèo, gấp khúc thêm hơn 50 km nữa mới đến được xã vùng biên này. Cái lạnh cắt da cắt thịt miền biên viễn những ngày cuối năm lại càng làm cho lòng người trở nên ấm áp hơn bao giờ hết bởi được thấy bản Khẹo đang dần thoát nghèo.

Lần đầu tiên người dân biết trồng ngô

Dù rét tới 10 độ C thế nhưng vợ chồng chị Lang Thị Mai vẫn cần mẫn nhổ cỏ, tưới nước cho những thửa ngô và mấy luống bắp cải đang mơn mởn cuộn lá. “Chỉ còn khoảng 1 tháng nữa là được thu hoạch ngô thôi cán bộ ạ, rau thì đã cho thu hoạch rồi. Trước đây muốn mua ngô, chúng tôi phải sang tận Lào, giờ thì không phải đi xa thế nữa” – người phụ nữ người Thái này chia sẻ.

Lần đầu tiên cánh đồng bản Khẹo được phủ màu xanh của ngô.
Lần đầu tiên cánh đồng bản Khẹo được phủ màu xanh của ngô.

Lần đầu tiên chị Mai và những người dân bản Khẹo này biết trồng ngô và những thứ rau, củ vụ đông. Việc trồng ngô xưa nay vốn chẳng có gì xa lạ nhưng đối với đồng bào Thái ở xã vùng biên này thì đúng là cả một cuộc “cách mạng”.

Gặp chúng tôi, Trưởng bản Khẹo - Lang Đình Thuyên hồ hởi: “Bộ đội biên phòng đến tận từng nhà dân vận động, hướng dẫn tận tình cách trồng, cách gieo hạt…nên bà con ai cũng hăng hái tham gia. Cán bộ biên phòng, đoàn từ thiện còn treo giải nhà nào làm năng suất cao sẽ có thưởng nên bà con phấn khởi lắm. Nhà nhà đua nhau gieo giống, trồng cây, chăm sóc. Bây giờ trong bản, nhà nào cũng có rau ăn, có ngô sắp được thu hoạch. Nhiều gia đình còn có rau bán cho dân bản bên cạnh”.

Từng lời trưởng bản tôi cảm nhận thấy lấp lánh những niềm vui khôn tả. Bà con không phấn khởi sao được khi mà bao lâu nay do mảnh đất này hứng chịu thời tiết vô cùng khắc nghiệt. Mùa khô thì lạnh giá, sương mù, sương muối dày đặc, mùa mưa thường xảy ra lũ ống, lũ quét gây sạt lở đất. Bà con chỉ trồng được một vụ lúa duy nhất, còn lại 8 tháng trong năm là đất để không, dân chỉ chơi không có việc làm. Được mùa còn khó khăn, mất mùa xem như đói nghèo lại bủa vây, người dân phải vào rừng khai thác lâm sản trái phép.

Đoàn phật tử chùa Long Nhương lên thăm lại cánh đồng sau 3 tháng cho bà con bản Khẹo chiếc cần câu.
Đoàn phật tử chùa Long Nhương lên thăm lại cánh đồng sau 3 tháng cho bà con bản Khẹo chiếc "cần câu".

Số liệu năm ngoái cho thấy, toàn xã với hơn 50% hộ nghèo, riêng bản Khẹo dù chỉ có 58 hộ dân/250 nhân khẩu nhưng có tới 31 hộ nghèo.

Đứng trước tình trạng “nghèo bền vững” của bản Khẹo, Đồn Biên phòng Bát Mọt cùng với chính quyền địa phương đã kêu gọi hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân thoát nghèo. Vào giữa năm 2018, chùa Long Nhương (Thanh Hóa) cùng đoàn phật tử đã hỗ trợ người dân bản Khẹo hơn 100 cái cuốc, hơn 4 tấn phân các loại, ngô giống, hạt rau…với tổng số tiền hơn 60 triệu đồng.

Sau khi nhận được sự hỗ trợ, đồn Biên Phòng Bát Mọt cùng chính quyền địa phương đã trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật giúp nhân dân canh tác, thâm canh tăng vụ, trồng đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp như: Ngô lai, ngô nếp, rau, bí các loại.

Đã có màu xanh hy vọng

Thật bất ngờ là sau khi triển khai, người dân nơi đây đã rất đồng thuận, nhiều hộ xung phong ngoài trồng trên đất của gia đình còn mượn thêm đất đẹp của gia đình khác trồng. Nhiều hộ ngoài cây ngô là chính còn mạnh dạn trồng đa dạng các loại cây như: Khoai tây, hành chăm, súp lơ.

Thanh Hóa: Chuyện trồng ngô thoát nghèo ở nơi ...một năm chơi 8 tháng - 3
Với đồng bào Thái thì trồng rau là cả một cuộc cách mạng.
Với đồng bào Thái thì trồng rau là cả một cuộc cách mạng.

Nhiều hộ đầu tư máy bơm, ô doa, thùng phi; ống dẫn nước, dụng cụ; thu gon phân ủ hoai mục, thuê mượn máy cày từ các thôn khác để giải phóng đất; mượn bà con họ hàng ở các thôn khác lên trồng cho kịp thời vụ.

Sau 3 tháng, những hạt ngô, những hạt giống rau được gieo xuống đã ban đầu cho thành quả. Trên cánh đồng 7 ha hàng năm là cỏ hoang đất cằn, hàng rào rệu rã năm nay đã có màu xanh với 4 ha ngô sắp cho thu hoạch và gần 1 ha rau, khoai các loại như cải bó xôi, cải bẹ, cải củ trắng, cải mẹo, su hào, súp lơ, cà chua, khoai tây và các loại rau gia vị như hành, tỏi.

Chị Lang Thị Mai kể: “Những năm trước, sau khi thu hoạch xong lúa, dân chẳng biết làm gì, tháng giáp hạt cả làng đói còn những tháng gần Tết thì chỉ biết vào rừng lấy măng, rau dại trong rừng làm thức ăn thôi”.

Nhà chị Mai năm nay đã có hơn 1 sào ngô và 1 sào rau bắp cải, súp lơ, xu hào. Chị Mai cũng là 1 trong 6 hộ được cán bộ chọn là gia đình trồng hoa màu cho năng suất cao và được đoàn từ thiện chùa Long Nhương trao phần quà trị giá 500 nghìn đồng.

Bà Đoanh phấn khởi ra đồng lấy rau về ăn.
Bà Đoanh phấn khởi ra đồng lấy rau về ăn.

Còn bà Vi Thị Doanh, (57 tuổi) phấn khởi: “Biết trồng cây tăng vụ thế này, chẳng mấy chốc mà dân thoát nghèo”.

Ông Vi Đình Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Bát Mọt chia sẻ: “Dù là bước khởi đầu, có những cái chưa được mĩ mãn nhưng cũng đáng ghi nhận. Nếu cứ theo đà này thì tôi tin rằng cuộc sống của người dân nơi đây sẽ được đổi thay, sẽ ấm no hơn”.

Trung tá Thịnh Văn Kiên, Chính trị viên Đồn Biên Phòng Bát Mọt cho biết: “Việc vận động đồng bào tham gia các mô hình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, thay đổi tư duy, thói quen sống dựa vào thiên nhiên không phải là điều đơn giản. Chúng tôi vẫn phải xắn tay xuống đồng cùng bà con, cứ phải vừa làm, vừa vận động, làm công tác tư tưởng. Bà con cũng dần thay đổi suy nghĩ và sau khi thấy những thành quả này, nhiều gia đình càng hăng hái tham gia”.

Bà con được nhận quà sau khi phấn đấu thoát nghèo bằng cách trồng cây ngô, hoa màu.
Bà con được nhận quà sau khi phấn đấu thoát nghèo bằng cách trồng cây ngô, hoa màu.

“Chúng tôi xác định chỉ hỗ trợ bà con cái cần câu chứ không thể cứ hỗ trợ con cá mãi được. Từ mô hình này, sẽ nhân ra những bản khác như Vịn, Đục… để cùng nhau thoát nghèo, không những năm nay mà còn những năm sau nữa” - Trung tá Kiên cho biết thêm.

Nhìn cánh đồng mênh mông màu xanh của ngô, hoa màu nơi bản Khẹo và nụ cười rạng rỡ của người dân nơi đây, tôi tin rằng no ấm sẽ thay cho đói nghèo chẳng còn xa đối với bà con vùng biên cương này.

Bình Minh