Thanh Hoá: Các cụm công nghiệp tạo việc làm cho gần 40.000 lao động

(Dân trí) - Tính đến cuối tháng 7/2019, các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã giải quyết việc làm cho gần 40.000 lao động.

Thanh Hoá: Các cụm công nghiệp tạo việc làm cho gần 40.000 lao động - 1
Trung tâm dịch vụ việc làm Thanh Hóa thực hiện tốt công tác tư vấn, giới thiệu việc làm trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là cho người lao động thất nghiệp.

Thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Thanh Hóa, dân số trong độ tuổi lao động của tỉnh là hơn 2,4 triệu người (chiếm 66,7% tổng dân số).

Trong nhiều năm qua, Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa đã chỉ đạo Trung tâm dịch vụ việc làm (DVVL) thực hiện tốt công tác tư vấn, giới thiệu việc làm trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là cho người lao động (NLĐ) thất nghiệp.

Lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế là gần 2,3 triệu người (trong đó, lao động làm việc trong ngành nông - lâm - ngư nghiệp 40%; công nghiệp - xây dựng 32%, dịch vụ 28%). Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị là 3,3%; tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực nông thôn là 6,3%.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin thị trường lao động, trực tiếp liên hệ với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nhằm thu thập thông tin về tuyển dụng, việc làm trống để tư vấn, giới thiệu cho người thất nghiệp nhanh chóng tìm được việc làm, sớm quay trở lại thị trường lao động.

Cùng với đó, Trung tâm DVVL Thanh Hóa đã sử dụng nhiều hình thức tư vấn phù hợp với NLĐ như: Tư vấn trực tiếp chuyên sâu, tư vấn trực tuyến qua mạng Internet, thư điện tử, điện thoại,...

Nguồn dữ liệu việc làm được Trung tâm DVVL lấy từ các doanh nghiệp, người sử dụng lao động đến đăng ký tuyển dụng tại trung tâm, sàn giao dịch việc làm, đăng ký trực tuyến trên website, sau đó thống kê và lập bảng danh sách việc làm trống để giới thiệu đến NLĐ.

Thanh Hoá: Các cụm công nghiệp tạo việc làm cho gần 40.000 lao động - 2
Trung tâm DVVL theo dõi về việc thông báo tìm kiếm việc làm của NLĐ đang hưởng bảo hiểm thất nghiệp để tiếp tục tư vấn, giới thiệu việc làm, học nghề cho NLĐ.

Theo lãnh đạo Trung tâm, vào thứ 3 và thứ 5 hàng tuần, Trung tâm phối hợp mời các cơ sở đào tạo nghề, các doanh nghiệp tổ chức tư vấn tập thể, cung cấp thông tin về đào tạo nghề, thông tin về thị trường lao động, vị trí việc làm trống, nhu cầu tuyển dụng của các trường nghề và doanh nghiệp để NLĐ nắm bắt và lựa chọn.

Ngoài ra, Trung tâm còn tích cực tư vấn cho NLĐ thất nghiệp có đủ điều kiện về sức khỏe, học vấn, chuyên môn tham gia đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

Trong quá trình hưởng bảo hiểm thất nghiệp, hàng tháng, Trung tâm DVVL theo dõi về việc thông báo tìm kiếm việc làm của NLĐ đang hưởng bảo hiểm thất nghiệp để tiếp tục tư vấn, giới thiệu việc làm, học nghề cho NLĐ.

Trong thời gian qua, số người được tư vấn, giới thiệu việc làm tại Thanh Hóa ngày càng tăng theo từng năm và chiếm tỷ lệ khá cao so với số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Cụ thể, năm 2010, số người được tư vấn, giới thiệu việc làm là 1.943 người, đến năm 2018, số người được tư vấn, giới thiệu việc làm tăng lên 19.673 người (tăng 10,1 lần so với năm 2010).

Điều kiện kinh tế của tỉnh Thanh Hóa đang ngày một phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là đóng góp lớn từ các sản phẩm mới của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn.

Đồng thời, địa phương này có nhiều chính sách kêu gọi thu hút đầu tư hạ tầng vào các khu, cụm công nghiệp. Trong thời gian tới, địa phương này hứa hẹn sẽ tiếp tục giải quyết công ăn việc làm cho một lượng lớn lao động.

Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 1 khu kinh tế, 7 khu công nghiệp, 45 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động. Các khu, cụm công nghiệp đã thu hút được hơn 260 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký hơn 600.000 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho gần 40.000 lao động.

Duy Tuyên