Thanh Hóa: Cả làng thi nhau lên núi hái "lộc rừng"

Bình Minh

(Dân trí) - Năm nào cũng vậy, cứ vào tháng 7-8, người nông dân thôn Trà La (xã Hoằng Xuân, huyện Hoằng Hóa) lại lên núi hái sim về bán, mang lại nguồn thu từ 150.000-200.000 đồng/ngày.

Thôn Trà La, xã Hoằng Xuân là địa bàn xa nhất của huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa). Ở khắp các quả núi của địa phương này như: Đồng Bằng, núi Bái Thánh, núi Phượng, núi Ổ Gà, núi Đá Bạc..., sim tự nhiên mọc bạt ngàn.

Cứ vào khoảng tháng 4-5, cây sim bắt đầu ra quả và đến tháng 7 thì chín rộ khắp các cánh đồi. Thời điểm này, người dân trong thôn bắt đầu đổ xô đi hái "lộc rừng". Dù chỉ là công việc thời vụ, lúc nông nhàn, thế nhưng mỗi gia đình cũng có thu nhập trung bình 5-6 triệu đồng/vụ.

Thanh Hóa: Cả làng thi nhau lên núi hái lộc rừng - 1

Để hái được sim, người nông dân phải leo lên những quả núi cao, rậm rạp.

Quả sim chín được sử dụng để ngâm rượu, hoặc phơi khô sắc uống. Mấy năm gần đây, nhu cầu sử dụng quả sim tăng cao, nhiều người dân tận dụng thời gian rảnh rỗi, lên rừng kiếm thêm thu nhập. Để tránh nắng, họ sẽ đi thu hoạch sim từ 5-9h, buổi chiều từ 16-18h.

Thanh Hóa: Cả làng thi nhau lên núi hái lộc rừng - 2

Cứ đến vụ là cả làng Trà La đổ xô đi hái sim.

Gần một tháng nay, do đang được nghỉ hè, em Lê Thị Phương cùng mẹ lên đồi hái sim về bán. Cả 2 mẹ con hái được khoảng 8-9 kg mỗi ngày. Dù số tiền bán sim không nhiều nhưng cũng đủ để em mua đồ dùng học tập trong năm học mới.

Đôi bàn tay vừa thoăn thoắt hái sim, vừa kể chuyện, thế nhưng chỉ mới hơn 1 giờ đồng hồ, bà Lê Thị Chuyên đã hái đầy một túi sim. Theo bà Chuyên, trước đây ít người hái sim để bán, mấy năm trở lại đây, quả sim mới được nhiều người biết đến về công dụng nên mới tìm mua.

Thanh Hóa: Cả làng thi nhau lên núi hái lộc rừng - 3

Tranh thủ ngày nghỉ hè, các em học sinh cũng theo bố mẹ lên núi hái sim về bán.

"Thương lái họ tìm về hỏi mua nhiều lắm nên dân mới đổ xô đi hái. Hái về đến đâu người ta lấy đi đến đó", bà Chuyên nói.

Là một người phụ nữ lớn tuổi, sinh ra, lớn lên và gắn bó với vùng núi, bà Chuyên không ngờ rằng, thứ quả này bây giờ lại trở thành hàng hóa rất được ưa chuộng.

Đây đang là dịp nghỉ hè nên nhiều gia đình, ngoài bố mẹ còn có con cái cùng lên núi hái sim về bán. Nhiều chị em làm công nhân, tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần cũng leo núi hái thứ "lộc rừng" này.

Thanh Hóa: Cả làng thi nhau lên núi hái lộc rừng - 4

Trung bình mỗi ngày, người nông dân có thể hái được 7-8 kg sim.

Chị Nguyễn Thị Oanh, cũng là người nhiều năm leo núi hái sim bán, chia sẻ: "Hái sim rất vất vả, phải leo lên những quả núi dốc trong cái nắng gay gắt. Đặc biệt, bây giờ người đi hái rất đông, để hái được nhiều phải leo cao và đi xa. Thế nhưng, ở quê cũng không biết làm gì kiếm ra tiền nên mỗi năm được hơn một tháng vào vụ sim thì ai cũng cố gắng kiếm thêm để trang trải cuộc sống".

Theo người dân địa phương, muốn hái được nhiều sim phải leo lên tận vùng "bái sim" - nơi sim mọc dày, nhưng nằm trên đỉnh núi. Song lên được đến nơi cũng khá xa và vất vả, không có đường đi, núi dốc, lại dễ bị ong rừng đốt nên chỉ một số người khỏe mạnh, nhanh nhẹn và có kinh nghiệm mới đủ sức leo.

Thanh Hóa: Cả làng thi nhau lên núi hái lộc rừng - 5

Những năm gần đây, quả sim lại trở thành thứ hàng hóa được ưa chuộng.

Thanh Hóa: Cả làng thi nhau lên núi hái lộc rừng - 6

Sim ngay sau khi mang về nhà sẽ được thương lái đến tận nơi lấy đi.

Vì vậy, một số phụ nữ lớn tuổi và học sinh chỉ loanh quanh ở vùng thấp để nhặt nhạnh sim trong những bụi cây nằm rải rác ven chân núi.

Sim hái về được một số thương lái trong xã đến tận thôn thu mua. Hái được bao nhiêu, thương lái mua hết bấy nhiêu, bà con thu ngay "tiền tươi" sau mỗi buổi hái sim nên ai cũng phấn khởi.