Thanh Hóa:
Doanh nghiệp vận tải hy vọng sớm nhận được hỗ trợ từ gói 26.000 tỷ đồng
(Dân trí) - Chưa kịp phục hồi sau 3 đợt dịch Covid-19 liên tiếp thì đợt dịch thứ 4 ập đến khiến các doanh nghiệp vận tải tại Thanh Hóa gần như "kiệt sức", hàng loạt lao động mất việc làm.
Xe "đắp chiếu", người lao động mất việc
Công ty TNHH và TMDL Hải Định (Công ty Hải Định) ở huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) có 18 xe khách chạy các tuyến đường dài. Đã nhiều tháng nay, hầu hết xe của công ty đều trong tình trạng "đắp chiếu" do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Theo bà Trần Thị Hải - Giám đốc Công ty, nếu không có dịch, mỗi ngày có 2-3 chuyến/tuyến thế nhưng từ năm ngoái đến nay, hàng loạt xe của công ty đều hoạt động cầm chừng, liên tục phải nghỉ do dịch.
"Đặc biệt, năm nay, hầu hết các xe nghỉ từ 30/4 đến giờ, nhúc nhắc được vài xe chạy đến hết tháng 5 rồi nghỉ hẳn. Lúc chưa cấm xe thì nhiều tuyến xe cũng phải nghỉ do không có khách hoặc khách quá ít mà không đủ tiền dầu", bà Trần Thị Hải cho biết.
Xe nghỉ đồng nghĩa với hàng loạt lao động mất việc làm. "Công ty có 94 lao động, đến giờ chỉ còn 6 lao động. Lao động được giữ lại là kế toán, một số thợ sơn, thợ bảo dưỡng, sửa chữa xe", bà Trần Thị Hải nói.
Cùng cảnh ngộ như Công ty Hải Định, Công ty TNHH TMDV Vận tải và Du lịch Bình Hoài (Công ty Bình Hoài) cũng có 17 xe với hơn 20 lao động, thế nhưng dịch Covid-19 khiến toàn bộ lao động của công ty bị mất việc.
"Dù biết người lao động phải nghỉ, không có thu nhập, cuộc sống khó khăn, thế nhưng công ty cũng không thể hỗ trợ được gì vì chúng tôi cũng thật sự rất khó khăn", bà Trịnh Thị Bình - Giám đốc Công ty Bình Hoài chia sẻ.
Mặc dù, tìm đủ mọi cách để giúp người lao động không bị mất việc, thế nhưng Công ty cổ phần vận tải ô tô Thanh Hóa (TP Thanh Hóa) vẫn buộc phải cắt giảm 20% nhân sự. Khi chưa dịch, công ty có 97 lao động thì chỉ còn 70 lao động.
Công ty cổ phần vận tải ô tô Thanh Hóa hoạt động trong lĩnh vực xe bus. Dịch Covid-19 khiến hành khách giảm đáng kể.
"Thời điểm chưa dịch, công ty có 25 xe bus hoạt động, hiện nay chỉ hoạt động 50%, cắt giảm cả số xe và tần suất các chuyến. Doanh thu mang lại chỉ đủ tiền dầu, không đủ chi trả lương cho các lao động và chi phí khác. Để tạo điều kiện cho người lao động không bị mất việc, chúng tôi phải sử dụng phương án luân phiên lái xe để họ vẫn có thu nhập trong mùa dịch", ông Lê Xuân Long - Giám đốc Công ty cổ phần vận tải ô tô Thanh Hóa cho biết.
"Hi vọng gói hỗ trợ của Chính phủ sẽ là phao cứu sinh"
Phải ngừng hoạt động do dịch, không có nguồn thu thế nhưng mỗi tháng Công ty Hải Định vẫn phải chi phí cả trăm triệu đồng cho việc tu bổ xe, bảo dưỡng, trả lương cho 6 lao động…
"Xe nằm một chỗ lâu ngày dẫn đến xuống cấp, hư hỏng buộc phải liên tục có thợ bảo dưỡng, sửa chữa… chi phí cả trăm triệu đồng, đó là chưa kể đến tiền lãi suất hàng tháng", bà Trần Thị Hải cho biết.
Đại diện Công ty Hải Định cũng như Công ty Bình Hoài đều mong muốn sớm được tiếp cận gói hỗ trợ của Chính phủ để doanh nghiệp phần nào bớt khó khăn hơn.
Theo ông Lê Xuân Long - Giám đốc công ty cổ phần vận tải ô tô Thanh Hóa, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Thanh Hóa, dịch Covid-19 kéo dài gần 2 năm qua khiến cho ngành vận tải thiệt hại nặng nề, nhiều doanh nghiệp đứng trên bờ vực phá sản khi hàng trăm phương tiện buộc phải ngừng hoạt động.
Với cương vị là Chủ tịch hiệp hội vận tải ô tô Thanh Hóa, ông Lê Xuân Long mong muốn: "Nhà nước có chính sách cơ cấu lại vốn vay, vốn nợ của các doanh nghiệp vận tải để không bị nhảy nhóm nợ, tránh nợ xấu; hỗ trợ cho doanh nghiệp giãn nợ bảo hiểm đến tháng 12/2021. Đồng thời, mong muốn các ngân hàng cho vay các gói chính sách với lãi suất đặc biệt để các đơn vị vận tải khôi phục sản xuất kinh doanh…".
Nói về gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ông Lê Xuân Long cho rằng, doanh nghiệp rất vui mừng vì Chính phủ đã có những chính sách kịp thời động viên, hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
"Doanh nghiệp rất mong được tiếp cận gói hỗ trợ của Chính phủ với hi vọng sẽ là phao cứu sinh cho các doanh nghiệp đang trên đà phá sản. Ngành chức năng nên có những đánh giá khách quan, thực tế về thiệt hại của các đơn vị vận tải để có những hỗ trợ thiết thực, cứu lấy doanh nghiệp khỏi cơn nguy khó này", Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Thanh Hóa nêu quan điểm.