Thanh Hóa: 28 người tử vong từ 18 vụ tai nạn lao động
(Dân trí) - Trong năm 2016, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa mặc dù giảm về số vụ, nhưng tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng tăng đã khiến cho số người chết tăng cao. Trong đó, chỉ tính riêng 3 vụ tai nạn lao động đã cướp đi sinh mạng của 20 người.
Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa, năm 2016, trên địa bàn tỉnh này xảy ra 18 vụ tai nạn lao động làm chết 28 người, bị thương 9 người. Trong đó 3 vụ nghiêm trọng trong lĩnh vực khai thác đá, sản xuất vật liệu xây dựng và xây lắp làm chết 20 người.
Điển hình như vụ tai nạn lao động tại lò vôi xã Hoàng Giang, huyện Nông Cống làm chết 8 người; vụ tai nạn tại cầu Suối Quanh, huyện Quan Hóa làm chết 4 người; vụ tai nạn lao động tại mỏ đá Tuấn Hùng, xã Yên Lâm, huyện Yên Định làm 8 người chết. Ngoài ra còn có 22 vụ tai nạn giao thông qua điều tra được xem là tai nạn lao động làm 16 người chết, 8 người bị thương.
Số vụ tai nạn lao động năm 2016 giảm 4 vụ so với cùng kỳ năm 2015, nhưng số vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng tăng đã làm cho số người chết tăng 16 người (28/12 người). Số vụ tai nạn giao thông năm 2016 được xem là tai nạn lao động tăng 8 vụ, tăng 12 người chết so với năm 2015.
Theo đánh giá của Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa thì nguyên nhân khách quan của tình trạng trên là với việc cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tỉnh Thanh Hóa đã thu hút được một khối lượng lớn vốn đầu tư vào phát triển sản xuất kinh doanh và xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.
Đồng thời, số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp may mặc, da giày, đã tạo ra sự chuyển dịch một lượng lớn lao động từ khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp, xây dựng với trình độ tay nghề còn thấp, chưa có tác phong công nghiệp làm tăng nguy cơ xảy ra tai nạn lao động.
Bên cạnh đó, qua thanh kiểm tra thì công tác quản lý Nhà nước về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) chưa đáp ứng yêu cầu, công tác tuyên truyền pháp luật về ATVSLĐ chưa đầy đủ, chưa hiệu quả...Chưa tổ chức được việc tuyên truyền, huấn luyện cho người lao động làm nghề, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động trong khu vực không có quan hệ lao động (lao động tự do làm nghề khai thác đá, sản xuất vật liệu xây dựng, thi công các công trình xây dựng...).
Các cấp, các ngành chưa có sự phối hợp thường xuyên trong công tác thanh kiểm tra, hướng dẫn chưa thường xuyên; mức xử phạt các doanh nghiệp vi phạm về ATVSLĐ còn nhẹ; một số vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng xảy ra đã được khởi tố, nhưng chưa truy tố trách nhiệm hình sự đối với tổ chức và cá nhân.
Bên cạnh đó, người sử dụng lao động không tuân thủ các quy định về ATVSLĐ; người lao động nhận thức chưa đầy đủ về ATVSLĐ, chủ quan, ý thức chấp hành kỷ luật lao động và các quy định của Nhà nước về ATVSLĐ còn kém.
Xảy ra tình trạng nêu trên, trách nhiệm của Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa là chưa chủ động trong tham mưu cho UBND tỉnh Thanh Hóa thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về ATVSLĐ; công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về ATVSLĐ còn nhiều hạn chế, chưa bao quát hết đối tượng cần phải tuyên truyền, nhất là lao động tự do. Công tác thanh kiểm tra, hướng dẫn về ATVSLĐ cho doanh nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu (mỗi năm chỉ thanh kiểm tra, hướng dẫn được 70 - 80 doanh nghiệp)...
Đối với các cơ quan chuyên môn các sở, ban, ngành chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình trong công tác đảm bảo ATVSLĐ; để kéo dài tình trạng các doanh nghiệp khai thác mỏ không đúng thiết kế đã được thẩm định. UBND cấp huyện, cấp xã chưa thực hiện đầy đủ vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác ATVSLĐ, nhiều nơ còn buông lỏng, chưa tổ chức tuyên truyền để người sử dụng lao động và người lao động thấy rõ được vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác đảm bảo ATVSLĐ.
Duy Tuyên