Cả nước có 629 vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, làm chết 666 người

(Dân trí) - “Các địa phương báo cáo có 629 vụ tai nạn lao động làm chết người. Ngoài một số vụ tai nạn nghiệm trong đang trong quá trình điều tra, mới có 5 vụ được chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát để đề nghị khởi tố, trong đó có 1 vụ đã xét xử”.


Hiện trường vụ sập giàn giáo tại Hà Tĩnh trong năm 2015, khiến 2 người chết. (Ảnh: Văn Dũng)

Hiện trường vụ sập giàn giáo tại Hà Tĩnh trong năm 2015, khiến 2 người chết. (Ảnh: Văn Dũng)

Ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB&XH), trao đổi với báo giới về tình hình tai nạn lao động năm 2015 tại buổi Họp báo về Tuần lễ Quốc gia về ATVSLĐ và Phòng chống cháy nổ lần thứ 18 năm 2016. Chương trình do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức sáng 4/3 tại Hà Nội.

Theo báo cáo của 63 tỉnh và thành phố, năm 2015, trên toàn quốc đã xảy ra 7.620 vụ tai nạn lao động làm 7.785 người bị nạn. Số vụ tai nạn lao động chết người là 629 vụ, làm 666 người chết. Số người bị thương nặng do tai nạn lao động là 1.704 người.

Giải thích thực tế còn ít vụ tai nạn lao động bị khởi tố, ông Hà Tất Thắng cho biết, việc xử lý các vụ tai nạn gây chết người thuộc quy trình xử lý riêng. Theo đó, trưởng đoàn điều tra chỉ có quyền đưa ra kết luật về quá trình điều tra tai nạn lao động.

“Còn việc khởi tố hay không phải còn do thẩm quyền của Viện kiểm sát và cơ quan công an. Chính vì vậy, hơn 629 vụ tai nạn lao động gây chết người trong năm 2015, các địa phương báo cáo có 283 vụ có biên bản kịp thời và chỉ có 5 vụ được đề nghị khởi tố, 1 vụ xét xử” - ông Hà Tất Thắng nói.

Đại diện Cục An toàn lao động cho biết thêm, Bộ LĐ-TB&XH đã có nhiều văn bản đề nghị. Nhưng theo quy định tố tụng đòi hỏi quy trình điều tra kéo dài tới 6 tháng hoặc 1 năm. Cơ quan quản lý lao động phải chờ vào kết quả đó mới ra được kết luận. Điều này khiến thời gian chậm chễ.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, trong năm 2015, các vụ tai nạn làm thiệt hại 153,97 tỉ đồng tiền chi phí tiền thuốc, mai táng, tiền bồi thường cho gia đình người chết và những người bị thương; thiệt hại về tài sản là 21,96 tỉ đồng; tổng số ngày nghỉ do tai nạn lao động là 99.679 ngày.

Được biết, ngành LĐ-TB&XH đang cùng cơ quan công an và Viện kiểm sát xây dựng một dự thảo nghị định trình Chính phủ, trong đó có quy trình kết luật mới khi điều tra tai nạn lao động.

“Khi xảy ra tai nạn lao động chết người, đoàn điều tra vụ tai nạn sẽ chủ động kết luận về nguyên nhân và lỗi để xảy ra tai nạn lao động. Ngoài ra, việc có khởi tố các đối tượng liên quan hay không là phần việc sau của cơ quan công an. Có như vậy, kết luận điều tra các vụ tai nạn lao động mới kịp thời” - ông Hà Tất Thắng nói.

Nhằm khắc phục việc báo cáo chậm và chưa có tính thực tế, Cục An toàn lao động đang nghiên cứu hướng sẽ tách hệ thống báo cáo theo hướng: Tập trung vào nhóm các doanh nghiệp có nhiều nguy cơ tai nạn xảy ra, có tính sản xuất cao hơn.

Thời gian tới, việc thống kê số liệu tai nạn lao động sẽ dần thực chất hơn. “Từ 1/7, Luật ATVSLĐ sẽ có hiệu lực. Luật đòi hỏi báo cáo thêm tình hình khu vực ngoài quan hệ lao động (cấp xã, phường cũng phải báo cáo). Điều này chắc chắn khiến con số người bị chết hoặc bị thương vì tai nạn lao động tăng lên, có thể ngày càng tiệm cận tới con số thật. Điều này càng giúp các cơ quan quản lý điều chỉnh và ban hành những chính sách thực tế hơn” - ông Hà Tất Thắng dự đoán.

Được biết, Tuần lễ quốc gia An toàn vệ sinh lao động -Phòng chống cháy nổ quốc gia lần thứ 18 năm 2016 sẽ được diễn ra từ 20-26/3 tại tỉnh Hưng Yên với với chủ đề: “Doanh nghiệp và người lao động tích cực chủ động thực hiện các quyền và trách nhiệm của mình theo luật An toàn, vệ sinh lao động”.

Tỉ lệ tai nạn: Lĩnh vực xây dựng chiếm 35,2% tổng số vụ tai nạn chết người và 37,9% tổng số người chết, tiếp đến là các lĩnh vực cơ khí chế tạo, lĩnh vực khai thác khoáng sản, lĩnh vực sản xuất nông lâm nghiệp.

Nguyên nhân tai nạn: Do người sử dụng lao động chiếm 52,8%; nguyên nhân người lao động chiếm 18,9; nguyên nhân còn lại, chiếm 28,3% .

Một số vụ tai nạn gây tử vong nhiều: Thống kê của các cơ quan chức năng trong năm 2015 cho thấy một số vụ tai nạn làm chết nhiều người, như: Vụ sập giàn giáo tại Dự án Formusa khu kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh ngày 25/3 làm 13 người chết, 29 bị thương; Vụ tai nạn do bục nước tại lò khai thác than xóm Xiềng, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình ngày 18/11 làm 3 người chết; Vụ tai nạn do sập lò vôi tư nhân thuộc xã Lại Xuân, Huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng ngày 20/11 làm 3 người chết; Vụ tai nạn do rơi vận thăng lồng tại Công trình xây dựng Văn phòng làm việc, trung tâm thương mại và nhà ở hỗn hợp, 52 Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội ngày 4/12 làm 3 người chết.

Hoàng Mạnh