“Mỗi giờ, cả nước có 1 người bị tai nạn lao động trong ngành xây dựng”

(Dân trí) - “Theo phân tích của 238 biên bản điều tra tai nạn lao động chết người trong năm 2015, số tai nạn trong lĩnh vực xây dựng đứng hàng đầu với 35,2%. Trong khi đó, tình hình chấp hành quy định an toàn lao động còn hạn chế. Chính vì vậy, công tác thanh tra trong lĩnh vực xây dựng cần được đẩy mạnh hơn”.


Buổi lễ phát động tại Hưng Yên

Buổi lễ phát động tại Hưng Yên

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân phát biểu tại buổi lễ phát động Chiến dịch thanh tra lao động 2016. Chương trình do Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Chính phủ Hà Lan, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cùng phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 21/3 tại Hưng Yên.

Theo Thứ trưởng Phạm Minh Huân, Chiến dịch thanh tra lao động năm nay triển khai ở 63 tỉnh, thành với chủ đề về khảo sát tình hình an toàn lao động trong lĩnh vực xây dựng. Thời gian thực hiện từ tháng 3-11/2016.

Phân tích về nguyên nhân của các vụ tai nạn lao động ngành xây dựng, Thứ trưởng Phạm Minh Huân nói: “Ngoài trách nhiệm của phía người sử dụng lao động và người lao động, nguyên nhân của tình hình trên cũng bắt nguồn từ công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật lao động còn hạn chế và sự vào cuộc của các ngành, các cấp còn chưa phát huy hiệu quả”.

Theo Thứ trưởng Phạm Minh Huân, chiến dịch thanh tra lao động là một cách làm mới, đòi hỏi sự tham gia của toàn xã hội, bao gồm cả thanh tra lao động, tổ chức công đoàn, tổ chức đại diện của người sử dụng lao động cùng với sự vào cuộc của truyền thông đại chúng.

Theo Giám đốc ILO Việt Nam, TS Chang-Hee Lee: “Cũng như ở mọi nơi trên thế giới, trách nhiệm đảm bảo sức khỏe và an toàn cho người lao động trước hết thuộc về người sử dụng lao động. Vì lẽ đó, thanh tra lao động còn có thêm vai trò tư vấn để giúp người sử dụng lao động, cùng với người lao động, hiểu rõ hơn về quyền và nghĩa vụ của họ theo pháp luật và đưa ra những lời khuyên để có cách tốt nhất tuân thủ pháp luật”.

Được biết, lĩnh vực xây dựng là một trong những nguồn tạo việc làm chính tại Việt Nam với hơn 3,3 triệu người lao động.

Theo ông Nguyễn Tiến Tùng, Chánh thanh tra Bộ LĐ-TBX&XH, Chiến dịch chọn ngành xây dựng để thanh tra bởi trong năm 2015, ngành xây dựng có số vụ tai nạn lao động chết người nhiều nhất. “Thống kê chưa đầy đủ, cả nước có khoảng 7.000 người bị nạn trong năm 2015. Điều này tức là có hơn 500 người bị nạn theo người/tháng, hơn 130 người/tuần, 27 người/ngày và khoảng 3,4 người bị nạn/giờ (tính theo 8 giờ làm việc). Trong đó, ngành xây dựng chiếm 1/3, tức là tối thiểu 1 giờ có 1 người bị nạn” - ông Nguyễn Tiến Tùng nói.

Trong số 6 vụ tai nạn lao động nghiêm trọng nhiều thương vong nhất của năm 2015, đã có tới 4 vụ xảy ra tại các công trường xây dựng.

Bộ LĐ-TB&XH định hướng, Chiến dịch thanh tra sẽ ưu tiên cho các công trình xây dựng, sau đó mới ở các công ty lĩnh vực xây dựng với 3 mục tiêu: Tăng cường tuân thủ pháp luật an toàn lao động trong ngành xây dựng. Cải thiện điều kiện làm việc. Giảm thiểu ngay tình trạng tai nạn trong xây dựng.

Theo ông Rene Robert - chuyên gia cao cấp của Văn phòng ILO ở Băngkok, chiến dịch là cơ hội để thanh tra lao động tại Việt Nam tăng cường vai trò tư vấn này, và cùng hợp tác với đại diện của người sử dụng lao động và người lao động, nhằm đạt được sự tuân thủ pháp luật và điều kiện làm việc đảm bảo cho người lao động tại các công trường xây dựng.

Theo Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH, các nội dung thanh tra trọng điểm sẽ bao gồm thời giờ làm việc, làm thêm giờ; tiền lương; xây dựng nội quy và đào tạo về an toàn vệ sinh lao động; phương tiện bảo vệ cá nhân; tổ chức mặt bằng; sử dụng xe, máy, giàn giáo, giá đỡ, điện và thiết bị điện; công tác cốp pha, cốt thép và bê tông; công tác hàn; và công tác hoàn thiện.

Hoàng Mạnh