Tết và chuyện “làm dâu trăm họ” của những người làm thương mại
Chuyện lo "cơm, áo, gạo, thịt" là nghề của những người làm thương mại, dù trong khó khăn của thời bao cấp hay đứng trước làn sóng hội nhập ngày càng sâu rộng thì với họ, mục đích chính vẫn là đem đến sự trọn vẹn và niềm vui của khách hàng.
Ký ức của một thời bao cấp
Những ngày rộn ràng nhất của mùa Xuân đang đến rất gần, trên các con phố tấp nập người mua, người bán, hàng hóa phục vụ Tết cũng vì thế mà nhộn nhịp hơn.
Nhìn dòng người đi mua sắm Tết, trong ký ức ông Vũ Vinh Phú (nguyên Phó Giám đốc Sở Thương Mại Hà Nội) vẫn không quên những ngày tháng tất bật cùng những cán bộ trong ngành chuẩn bị hàng hóa phục vụ người dân.
Đảm nhận trách nhiệm “người nội trợ” nên tất tật mọi công việc dự trữ và lo hàng hóa đều được các cán bộ trong ngành lên kế hoạch chuẩn bị chu đáo.
Ông kể, từ cuối quý 2, một bộ máy lớn gồm hàng nghìn cán bộ nhân viên ngành thương nghiệp, lương thực đã phải vào cuộc.
Trong đó các công ty như cửa hàng 12 Bờ Hồ, số 5 Nam Bộ, Thủy Tạ, Tông Đản, Thực phẩm Chợ Hôm, Nhà Thờ... phải tổ chức những chuyến thu mua hàng hóa ở miền xuôi và miền ngược như thịt lợn, gạo tẻ, gạo nếp ở các tỉnh Đồng bằng Bắc bộ; thu mua lá dong, rau quả tươi ở các tỉnh miền núi phía Bắc…
Bận rộn, vất vả là như vậy, song tinh thần của mọi người đều rất hăng hái, ông Phú nhớ lại, một khi hàng hóa đã tương đối đầy đủ, một số công ty lại lo đóng gói hàng, những mặt hàng khô như bóng bì, bánh đa nem, mỳ chính, hạt tiêu. Đảm nhiệm việc đó là cửa hàng bách hóa tổng hợp và công ty bách hóa bán lẻ thành phố, các công ty khác như thực phẩm, vải sợi, lương thực, chất đốt thì tổ chức bán ra theo tiêu chuẩn và ít phải đóng gói hơn.
"Thời bao cấp việc tổ chức bán ra cho nhân dân rất sớm và bán tận cùng đến ngày 30 Tết mới thôi, những ngày đó là những ngày phục vụ vô cùng vất vả, công đầu phục vụ là các công ty thực phẩm và bách hóa bán lẻ," ông Phú nói.
Trong thời bao cấp, thời mà "thứ gì cũng phân phát," thiếu thốn đủ thứ nhưng đối với nhiều người, chính sự thiếu thốn, khó khăn ấy lại khiến cho cái Tết thời bao cấp thực sự mang ý nghĩa trọn vẹn.
Cũng trưởng thành trong lĩnh vực phân phối, ngồi nghĩ lại thời kì bao cấp, ông Phạm Ngọc Thành, giờ là Giám đốc phụ trách hệ thống phân phối công ty thương mại Phúc Lâm vẫn dâng trào nhiều kỷ niệm.
Ông kể, thời bao cấp, đi mua hàng Tết là cực hình với nhiều người dân vì đủ kiểu xếp hàng, chen lấn, xô đẩy cả ngày mới mua được suất hàng.
Với khách hàng là vậy, còn với những người làm thương nghiệp, thực phẩm mỗi dịp Tết đến là những ngày bận rộn và vất vả nhất, tất cả chỉ là để đảm bảo hai chữ “ấm no.”
"Nếu trên mâm cỗ ngày Tết có bát măng, bát bóng, thậm chí gia chủ có bình rượu sắn, rượu ngô là sang lắm rồi," ông Thành nghĩ lại.
Áp lực của kinh tế thị trường
Tết thời bao cấp là như vậy, nhiều khó khăn phức tạp trong phục vụ song đối với những người “làm dâu trăm họ” vẫn luôn cảm thấy tự hào, vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ.
Những kỷ niệm của thời bao cấp đã lùi xa trong quá khứ, còn thời đại ngày nay, “vạn người bán, trăm người mua,” chính vì vậy để kinh doanh thành công, không phân biệt tư nhân hay nhà nước, các công ty phải xây dựng được thương hiệu của mình, chăm lo chữ tín trong kinh doanh, thu mua hàng hóa với chất lượng tốt và giá cả cạnh tranh, đặc biệt lưu ý vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo ông Phú, thời bây giờ người tiêu dùng có nhiều quyền hơn, ngày thường cũng như ngày Tết, họ không phải mua tích góp sớm mà đàng hoàng mua bán, mua có lựa chọn với những địa chỉ đáng tin cậy.
Đối với những gia đình có thu nhập trung bình khá trở lên, chủ yếu mọi người đi siêu thị, trung tâm thương mại để mua hàng, đi một buổi họ mua đủ hàng Tết. Còn những gia đình thu nhập thấp hơn, gia đình nghèo thì mua sắm chủ yếu ở cửa hàng lẻ, chợ, thậm chí cả hàng rong.
Chính vì vậy, mọi bước chuẩn bị Tết đều được đơn giản hóa để người phụ nữ đỡ vất vả hơn và cũng là áp lực lớn đối với doanh nghiệp thương mại.
Tuy nhiên, hàng hóa dù dồi dào và giá cả cạnh tranh hơn nhưng điều mà ông Vũ Vinh Phú băn khoăn nhất chính là những hành vi cạnh tranh không lành mạnh, thậm chí là nạn hàng lậu, hàng giả, kém phẩm chất vẫn là hiểm họa rình rập người tiêu dùng.
Theo ông, lời dạy của Bác Hồ về sự công bằng vẫn còn nguyên giá trị, đó là chúng ta phải phấn đấu ngày thường cũng như ngày Tết đảm bảo sự công bằng giữa người mua và người bán, giữa người sản xuất ra của cải vật chất cho xã hội và hệ thống phân phối.
Quan trọng là đảm bảo bằng được lợi nhuận hợp lý cho người sản xuất, có như vậy, quỹ hàng hóa phục vụ nhân dân luôn luôn dồi dào, có chất lượng, giá cả tương đối ổn định và đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng. Tết ngày nay là như vậy, khác với Tết xưa nhiều lắm,” ông Phú trầm ngâm nghĩ lại những kỷ niệm trong nghề.
Theo Vietnamplus.vn
http://www.vietnamplus.vn/tet-va-chuyen-lam-dau-tram-ho-cua-nhung-nguoi-lam-thuong-mai/369895.vnp