1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Tăng tuổi hưu: Công đoàn không đồng ý điều chỉnh ở nhóm lao động trực tiếp

(Dân trí) - “Việc nâng tuổi hưu chỉ nên áp dụng trong khu vực hành chính sự nghiệp, với lộ trình nhằm tránh ảnh hưởng tới nhóm lao động trẻ. Còn với khu vực sản xuất trực tiếp, nên giữ nguyên tuổi hưu như hiện nay: Nam nghỉ hưu ở tuổi 60, nữ nghỉ hưu ở tuổi 55”.

Ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ VN) trao đổi quan điểm về việc điều chỉnh tuổi hưu trong Dự thảo luật Lao động sửa đổi lần 2, mới được công bố trên website của Bộ LĐ-TB&XH để lấy ý kiến dư luận xã hội từ ngày 21/4-21/6.

Trước đó, Dân trí đã đưa thông tin về việc điều chỉnh tuổi hưu trong dự thảo sửa đổi Luật lao động lần 2, với nhiều quy định mới. Đây là vấn đề tác động trực tiếp tới hàng chục triệu người lao động cũng như sự quan tâm của nhiều ngành liên quan, trong đó có hệ thống công đoàn.

“Quan điểm của Tổng LĐLĐ VN là khu vực hành chính sự nghiệp có thể xem xét để nâng tuổi nghỉ hưu. Nhưng cần có lộ trình tăng thích hợp để giảm thiểu ảnh hưởng đến cơ hội có việc làm cho nhóm lao động trẻ và đảm bảo ổn định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước” - ông Lê Đình Quảng nói.

Trường hợp cán bộ quản lý hoặc những người có học hàm, học vị có thể được kéo dài tuổi nghỉ hưu nhưng phải thôi làm quản lý.


Ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ VN)

Ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ VN)

Giải thích cụ thể về đề xuất trên, ông Lê Đình Quảng cho rằng có nhiều lý do để việc điều chỉnh tuổi hưu là điều cần được tính toán kỹ lưỡng ở bài toán vĩ mô cũng như vi mô.

Căn cứ đầu tiên là cần xem xét việc tăng tuổi hưu trong điều kiện lao động và tình hình sức khỏe của người lao động.

“Theo đó, việc tăng tuổi nghỉ hưu là không phù hợp với người lao động làm việc trong các ngành nghề lao động trực tiếp. Thực tế hiện nay rất nhiều lao động nữ đang làm việc trong các ngành dệt may, da giày, chế biến thủy sản, lắp ráp điện tử, v.v… bị người sử dụng lao động cho nghỉ việc ở tuổi 30 đến 35 với lý do sức khỏe không đáp ứng yêu cầu sản xuất” - ông Lê Đình Quảng nói.

Cũng theo Ban quan hệ lao động, báo cáo của các cấp công đoàn cho thấy hầu như tất cả người lao động khu vực trực tiếp sản xuất, các ngành nghề lao động chân tay đều về hưu với mức lương thấp hơn (chế độ hưu khi suy giảm khả năng lao động theo điều 55 Luật BHXH 2014).

"Thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy tuổi nghỉ hưu bình quân của nước ta là 53,4 trong đó nam giới là 55,2 tuổi, nữ giới là 51,7 tuổi, những ngành nghề nặng nhọc, độc hại nguy hiểm thì tuổi nghỉ hưu bình quân chỉ khoảng 43 tuổi (công nhân cạo mủ cao su, làm đường, dệt may, da giầy…)" - ông Lê Đình Quảng nói.

“Những người lao động này không thể tham gia lao động đến lúc đủ tuổi (nam 60, nữ 55) để được hưởng chế độ hưu đầy đủ. Nếu tuổi nghỉ hưu tăng, đồng nghĩa người lao động sẽ về hưu với tiền lương rất thấp và sẽ là gánh nặng cho chính người lao động và gia đình họ, cũng như cho xã hội (một số sẽ hưởng thấp hơn chuẩn nghèo)” – ông Lê Đình Quảng nói.

Căn cứ thứ 2 được ông Lê Đình Quảng nhắc tới là cần cân đối với tỉ lệ thất nghiệp thời gian qua. Cụ thể, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên nước ta trong những năm vừa qua luôn cao hơn khoảng 3 lần so với tỷ lệ thất nghiệp chung toàn quốc. Mỗi năm có khoảng 1 triệu người bước vào thị trường lao động.

Ông Lê Đình Quảng phân tích: Cơ cấu dân số của nước ta hiện đang trong thời kỳ "cơ cấu dân số vàng" và thời kỳ này còn kéo dài trên 1 thập kỷ nữa. Mô hình kinh tế của Việt Nam đang chuyển đổi từ mô hình thâm dụng lao động, phát triển theo chiều rộng sang mô hình phát triển theo chiều sâu.

Tất cả những yếu tố trên làm cho vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động trẻ vẫn là một trong những áp lực lớn trong những năm tới đây. Vì vậy việc tăng tuổi nghỉ hưu đồng nghĩa với cơ hội có việc làm của lao động trẻ bị suy giảm, tình trạng thất nghiệp sẽ gia tăng.

Căn cứ thứ 3, theo ông Lê Đình Quảng, Quỹ BHXH nói chung và Quỹ hưu trí - tử tuất nói riêng đã được xác lập theo nguyên tắc đóng - hưởng và đã được điều chỉnh (qua Luật BHXH 2014).

Các quỹ này tăng dần tuổi hưởng lương hưu đối với người bị suy giảm khả năng lao động cũng như tăng dần thời gian đóng bảo hiểm xã hội để đạt tỷ lệ hương lương hưu tối đa 75% đảm bảo khả năng cân đối Quỹ hưu trí - tử tuất.

Theo ông Lê Đình Quảng, bên cạnh việc điều chỉnh tuổi hưu, cơ quan chức năng cần cải cách thủ tục hành chính, tăng cường công nghệ thông tin, tiết kiệm chi phí quản lý quỹ BHXH; sử dụng các hình thức đầu tư tăng trưởng quỹ BHXH có hiệu quả; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử phạt doanh nghiệp vi phạm pháp luật về BHXH, giảm thiểu tình trạng doanh nghiệp nợ BHXH...

Cho rằng việc nâng tuổi hưu không phải là giải pháp duy nhất để cân đối quỹ BHXH, ông Lê Đình Quảng nói: “Để giải quyết nguy cơ mất cân đối quỹ hưu trí - tử tuất chúng ta phải sử dụng nhiều giải pháp khác như: Mở rộng đối tượng tham gia BHXH trong đó tập trung đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; chống thất thu quỹ BHXH thông qua việc liên thông số liệu giữa cơ quan thuế và cơ quan BHXH, tăng cường công tác quản lý, sử dụng có hiệu quả quỹ BHXH…”.

Căn cứ cuối cùng, ông Lê Đình Quảng cho rằng việc kéo dài tuổi nghỉ hưu còn ảnh hưởng đến công tác quy hoạch cán bộ, công chức cũng như các chính sách liên quan đến cán bộ công chức.

“Tình trạng cán bộ, công chức không đáp ứng yêu cầu tiếp tục được “giữ ghế” vừa tăng chi Ngân sách (lương của cán bộ công chức không đáp ứng yêu cầu nếu được kéo dài thì Ngân sách phải chi từ 2,5-3 lần so với lương của lao động trẻ) vừa cản trở sự phát triển chung của đất nước” - ông Lê Đình Quảng nói.

Cũng theo đánh giá của Ban Quan hệ lao động, nhiều nước trên thế giới có quy định tuổi nghỉ hưu cao (trên 60 tuổi), nhưng chủ yếu là các nước phát triển, môi trường, điều kiện làm việc được cải thiện.

Ông Lê Đình Quảng dẫn chứng: “Còn nhiều nước có điều kiện tương đồng Việt Nam có tuổi nghỉ hưu bằng hoặc thấp hơn chúng ta như: Trung Quốc 60 -55 tuổi; Indonexia 55 tuổi; Malaixia 55 tuổi; Thái Lan 55 tuổi”.

Dự thảo sửa đổi Bộ Luật lao động (lần 2)

Điều 148. Tuổi nghỉ hưu

1. Phương án 1 (hiện hành): Tuổi nghỉ hưu của người lao động bình thường làm việc trong điều kiện lao động bình thường là: nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi.

Phương án 2 (tăng tuổi nghỉ hưu kể từ 01/1/2021 và theo lộ trình): Tuổi nghỉ hưu của người lao động bình thường làm việc trong điều kiện lao động bình thường là nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi. Từ 01/01/2021 cứ mỗi năm tăng thêm 06 tháng cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

2. Người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm công việc, nghề nghiệp đặc thù có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn so với quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 05 năm so với quy định tại khoản 1 Điều này.

Chính phủ quy định chi tiết Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3 Điều này.

(Nguồn: Molisa.gov.vn)

Hoàng Mạnh