1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Sửa Luật Lao động: Đề xuất phương án tăng tuổi hưu từ năm 2021

(Dân trí) - “Dự thảo Bộ luật Lao động lần 2 sẽ giữ nguyên và phát huy theo hướng có lợi hơn cho người lao động nói chung và lao động nữ nói riêng. Quan điểm của Bộ LĐ-TB&XH khi soạn thảo sẽ tiếp tục tìm thêm những ưu việt cho phụ nữ”.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung - Trưởng Ban soạn thảo dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật lao động, đánh giá về những thông tin cho rằng sẽ điều chỉnh một số quyền lợi của lao động nữ trong dự thảo lần 1 về sửa đổi Luật lao động.

Trước đó, nhiều ý kiến lo ngại việc dự thảo lần 1 đã không đề cập tới quy định: Cho lao động nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ mỗi ngày 30 phút, trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi, được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc.


Quy định có lợi và ưu việt cho lao động nữ vẫn được giữ nguyên trong dự thảo sửa đổi Luật lao động tới đây.

Quy định có lợi và ưu việt cho lao động nữ vẫn được giữ nguyên trong dự thảo sửa đổi Luật lao động tới đây.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, trong dự thảo lần 2, những yếu tố có lợi cho người lao động nữ vẫn sẽ được giữ nguyên như trong Luật Lao động hiện hành,thậm chí sẽ được bổ sung thêm những yếu tố có lợi nếu phù hợp.

Theo ông Hà Đình Bốn, Tổ trưởng tổ biên tập, Vụ trưởng vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH), kể từ tháng 5/2016 tới hết tháng 3/2017, Bộ LĐ-TB&XH đã nhận được báo cáo đánh giá, tổng kết 3 năm thi hành Bộ luật Lao động của 53 sở LĐ-TB&XH, 20 Ban quản lý, 13 Tập đoàn, tổng công ty, hiệp hội và 10 Bộ, ngành.

Cũng theo Ban soạn thảo dự án Luật sửa đổi một số điều của Luật lao động, nhiều nội dung của dự thảo đang tiếp tục xin ý kiến của dư luận xã hội cũng như các thành viên Ban soạn thảo.

Một số nội dung thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội như: Xác định lương tối thiểu, nhu cầu sống tối thiểu, điều chỉnh tuổi hưu, giờ làm thêm…

Được biết, trong tháng 4, dự thảo lần 2 sửa đổi luật lao động dự kiến sẽ tiếp tục được đăng tải và lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớn nhân dân trong xã hội.

Về Khoản 1 Điều 91 Bộ luật Lao động quy định về mức lương tối thiểu, ông Hà Đình Bốn cho rằng: Việc xác định nhu cầu sống tối thiểu là điều rất khó định lượng. Các khảo sát về nhu cầu sống thường khó cho kết quả chính xác vì người được khảo sát có xu hướng kê khai cao hơn với nhu cầu thật của họ, ngoài ra nhu cầu sống có sự khác nhau giữa nhiều đối tượng.

Trong khi đó, khảo sát về mức sống của hộ gia đình thường dễ xác định hơn và đưa ra kết quả tin cậy hơn việc định lượng mức sống tối thiểu của một người. Do có thể định lượng vào giá thị trường các dịch vụ thiết yếu về thực phẩm, y tế cơ bản…

“Do đó, Tổ biên tập đề xuất sửa đổi quy định mức lương tối thiểu theo hướng đảm bảo mức sống tối thiểu (thay cho nhu cầu tối thiểu) của người lao động và gia đình họ, nhằm đảm bảo tính khả thi khi thực hiện” - ông Hà Đình Bốn cho biết.

Về thời gian làm thêm, đại diện Tổ biên tập nhận định, qua khảo sát ở nhiều địa phương, một bộ phận không nhỏ người lao động cũng mong muốn được làm thêm giờ để nâng cao thu nhập. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn đề xuất bỏ giới hạn làm thêm giờ theo tháng vì cứng nhắc, không phù hợp với chu kỳ sản xuất kinh doanh.

Sau khi nghiên cứu và so sánh với các quốc gia khu vực, Tổ biên tập đang đưa vào Điều 78 của dự thảo Luật Lao động theo hướng: Tổng thời gian làm việc bình thường và làm thêm giờ tối đa không quá 12 giờ/ngày và tổng số giờ làm thêm không vượt quá 400 giờ/năm.

Một số điểm mới trong dự thảo lần tới là đề cập tới thời điểm điều chỉnh tuổi hưu là năm 2021, tăng thời gian làm thêm lên 400 giờ/năm...

Liên quan tới tuổi nghỉ hưu, Tổ soạn thảo cho biết có 2 luồng ý kiến khác nhau về việc điều chỉnh tuổi hưu. Nhóm đồng ý tăng tuổi hưu nhằm đảm bảo cân đối quỹ BHXH, đáp ứng việc tuổi thọ người VN tăng, thực tiễn còn nhiều người nghỉ hưu vẫn tham gia vào thị trường lao động, nguy cơ dân số chuyển sang già hoá dân số, xu hướng tăng tuổi hưu trên thế giới.

Tuy nhiên, nhiều quan điểm cũng cho rằng không nên tăng tuổi hưu vì thực tế còn nhiều người lao động không muốn kéo dài thời gian làm công việc lao động trực tiếp. Thống kê của BHXH VN cho thấy, tuổi hưu trung bình của VN hiện là 54,1. Tuy nhiên, người lao động ở nhiều ngành nghề độc hại, nặng nhọc chỉ có tuổi hưu trung bình là 43 (công nhân cạo mủ cao su, cầu đường, dệt may, da giầy…).

Ngoài ra, việc kéo dài tuổi hưu ảnh hưởng tới chính sách cán bộ hành chính nhà nước, công tác quy hoạch; nhiều người dân cho rằng kéo dài tuổi hưu chỉ có lợi cho cán bộ, công chức khu vực hành chính, “tham quyền cố vị”.

“Chính vì vậy, dự thảo Luật đang thể hiện 2 phương án tại Điều 145, như sau: Phương án 1 là giữ nguyên tuổi hưu hiện hành, nam nghỉ hưu ở tuổi 60, nữ là 55 tuổi. Phương án 2: Tăng tuổi hưu kể từ ngày 1/1/2021 theo lộ trình: Từ ngày 1/1/2021, cứ mỗi năm tăng thêm 6 tháng cho đến khi nam đủ 62 tuổi và nữ đủ 60 tuổi” - ông Hà Đình Bốn cho biết.

Hoàng Mạnh