Tăng lương, công nhân đỡ lo "vay nóng", nhịn ăn sáng triền miên
(Dân trí) - Kinh tế dần hồi phục, công nhân được tăng ca nhiều hơn, lương cũng vừa được tăng từ 200.000 - 300.000 đồng. Với mức thu nhập 10 triệu đồng/tháng, công nhân tạm đủ lo sinh hoạt hàng ngày.
Lương tăng một đồng, bớt một nỗi lo
Chị Võ Thị Thanh Lan (quê Quảng Ngãi) gần 20 năm làm công nhân may tại TPHCM. Là mẹ đơn thân, nuôi hai con ăn học nên chi phí sinh hoạt với chị 10 năm qua luôn là gánh nặng. Những năm trước, thu nhập của chị chỉ khoảng 7 triệu đồng/tháng, chẳng đủ chi tiêu.
Thời gian gần đây, ngày nào chị cũng tăng ca đến 21h tối mới về lại phòng trọ chật chội ở Hóc Môn. Nhờ làm "quên ngày tháng", thu nhập của chị tăng thêm hơn 3 triệu đồng.
"Với 10 triệu đồng, tôi trả tiền thuê nhà bao gồm điện nước khoảng 2,2 triệu; tiền cho con trai thứ 2 đi học bán trú, thuê người đưa đón khoảng 4 triệu đồng. Con trai lớn năm nay đang học nghề, cũng tốn kém. Trừ chi phí "cứng", mỗi tháng tôi còn chưa đầy 4 triệu đồng để lo tiền ăn uống, sinh hoạt cho ba mẹ con", chị Lan kể.
Vì không biết đi xe máy, chị đã thuê nhà trọ gần công ty để tiện cho việc đi làm và tiết kiệm chi phí. Chỉ có một mình, con học trường xa, chị đành phải bỏ tiền thuê xe ôm chở con đi học và đón về. Dù tốn kém, nhưng một mình chị sống trong thành phố lớn không biết phải làm sao nên đành gồng gánh.
Chị Thanh kể, công ty hằng tháng vẫn hỗ trợ 200.000 đồng tiền thuê trọ. Mới đây, công ty có thông báo tăng 260.000 đồng tiền lương mỗi tháng, chị Lan mừng lắm. Dù số tiền này không thể lo cho con cái và tương lai của ba mẹ con nhưng cũng hỗ trợ được chị phần nào bớt khó khăn.
Hơn nữa, khi ký vào quyết định tăng lương, mọi chế độ về bảo hiểm của chị cũng được tăng theo. Chị Lan đã có gần 15 năm đóng bảo hiểm nên sau khi tăng lương đợt này, lương hưu cũng được tăng theo. Mặt khác, với mức thu nhập hiện tại, chị cũng đỡ phải lo vay nặng lãi mỗi khi gia đình cần tiền gấp.
Chị Nguyễn Thị Lý (quê Thanh Hóa) làm việc tại Khu chế xuất Linh Trung 1, TPHCM phấn khởi khi biết được công ty tăng lương thêm 200.000 đồng/tháng. Trước đó khoảng 2 tháng, công ty chị làm việc cũng đã tăng lương cho công nhân.
Mấy tháng nay, giá cả thị trường biến động, chị Lý cũng như nhiều công nhân khác phải thắt lưng buộc bụng để tiết kiệm tiền. Khi chưa có quyết định tăng lương ở công ty, chủ trọ chỗ chị Lý thuê phòng đã thông báo tăng 50.000 đồng/tháng, chưa kể tiền sinh hoạt phí của vợ chồng, con cái chị cũng tăng.
"Mới vài tháng trước, cầm 100.000 đồng đi chợ, tôi mua được thức ăn cho gia đình trong một ngày, bây giờ 200.000 đồng cũng chưa đủ. Nhiều khi tôi phải nhịn ăn sáng, đăng ký tăng ca để có thêm tiền và được ăn cơm ở công ty. Từ tháng 7 này, được tăng thêm 200.000 đồng tiền lương, tôi thấy cũng mừng. Bây giờ có được thêm đồng nào là hay từng ấy", chị Lý chia sẻ.
Thương lượng đảm bảo quyền lợi công nhân
Theo LĐLĐ quận Bình Tân, đến ngày 1/7, đã có 111/133 doanh nghiệp trên địa bàn có thông báo điều chỉnh lương tối thiểu cho người lao động. Mức tăng bình quân là 260.000 đồng/người/tháng. Trong đó, nhiều doanh nghiệp vẫn duy trì các khoản phụ cấp, trợ cấp nhằm giúp người lao động ổn định cuộc sống.
Tại các khu chế xuất, khu công nghiệp TPHCM, hầu hết doanh nghiệp đều điều chỉnh lương tối thiểu vùng từ 150.000 đồng - 300.000 đồng/người/tháng. Một số doanh nghiệp có mức lương cao hơn lương tối thiểu vùng hoặc vừa điều chỉnh trong 6 tháng đầu năm vẫn tăng lương cho người lao động từ 60.000 đồng - 150.000 đồng/người/tháng. Ngoài tăng lương tối thiểu các khoản như 5% độc hại, 7% qua đào tạo nghề, tiền nhà, hỗ trợ nuôi con nhỏ… vẫn được các doanh nghiệp bảo đảm cho người lao động.
Ông Lưu Kim Hồng - Chủ tịch Công đoàn Công ty Nidec Việt Nam cho biết, công ty đang trong quá trình thương lượng để đưa ra con số tăng lương phù hợp, đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Theo phía công ty đưa ra đề xuất tăng đồng loạt 260.000 đồng/người/tháng cho công nhân chính thức đang làm việc tại công ty. Tuy nhiên, phía công đoàn đưa ra ý kiến rằng, trong hệ số lương của công ty có đến 13 bậc, nên cần tăng lương phù hợp với từng đối tượng cụ thể. Có như thế mới đảm bảo được quyền và lợi ích của người lao động trong vấn đề tăng lương.
Ông Hồng cho biết thêm, trong trường hợp hết tháng 7, phía công ty vẫn chưa chốt được phương án tăng lương cụ thể. Tiền lương tăng thêm của công nhân trong tháng 7 sẽ được tính dồn trong tháng 8 để người lao động không thiệt thòi.
Theo ông Phạm Quang Anh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH May mặc Dony cho rằng doanh nghiệp tồn tại và phát triển tốt là nhờ người lao động. Chính vì thế, công ty có những chính sách trả lương cho người lao động phù hợp với năng lực đi kèm nhiều chế độ tốt. Bên cạnh đó mức lương của công nhân đa số cao hơn lương tối thiểu vùng do nhà nước quy định. Về các chế độ, chi phí đóng bảo hiểm cũng được doanh nghiệp thực hiện đầy đủ tuân thủ pháp luật.
Dương Thùy