Công nhân vay nặng lãi, chủ doanh nghiệp nhận khủng bố
(Dân trí) - Không đòi nợ được công nhân, nhóm cho vay nặng lãi nhiều lần gọi đến các doanh nghiệp để "khủng bố" điện thoại, "xâm nhập" vào trang thông tin để lại bình luận "táo tợn" làm ảnh hưởng đến nhà máy.
Nhà máy "đau đầu" vì cuộc gọi đòi nợ
Một công ty ở Khu chế xuất Linh Trung II, TPHCM liên tục nhận được các cuộc điện thoại xưng là người của công ty mua bán nợ. Họ gọi điện yêu cầu nhà máy hợp tác đưa công nhân vay tiền ra gặp, "hỗ trợ" trả cả gốc lãi. Nếu không phối hợp, bên đòi nợ sẽ đăng thông tin nhà máy, chủ doanh nghiệp lên diễn đàn, mạng xã hội và cho người đến quấy phá.
Điều đáng nói, tình trạng này diễn ra ngang nhiên, làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của nhà máy.
Tại Công ty cổ phần thực phẩm Cholimex (Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh, TPHCM) cũng xảy ra tình trạng này. Nhà máy thiếu hơn 500 lao động nên đăng tin tuyển dụng lao động và rất mong ứng viên liên lạc.
Tuy nhiên, điều bất ngờ là công nhân ứng tuyển không thấy mà hàng loạt số điện thoại lạ gọi đến để "đòi nợ". Giờ đây thấy số điện thoại lạ gọi đến công đoàn và nhà tuyển dụng là không ai dám bắt máy vì sợ gặp bên đòi nợ công nhân.
Theo ông Phạm Thế Toàn, Giám đốc nhân sự công ty, nhóm đòi nợ không chỉ quấy phá điện thoại mà họ còn lấy hình của ông Toàn, lãnh đạo công ty đăng lên các diễn đàn, mạng xã hội vu khống là "trùm" giật nợ, lừa đảo, với lý do là bao che cho lao động vay tiền.
Theo tìm hiểu của PV Dân trí, công nhân chủ yếu vay tín dụng qua app, qua lời giới thiệu trên mạng xã hội nên đã vay khoảng 10 đến 50 triệu. Ban đầu, công nhân được nhân viên tín dụng giới thiệu mức lãi suất khá thấp.
Ví dụ như khi vay khoảng vài chục triệu, công nhân chỉ phải trả 1,5 - 2 triệu/tháng trong vòng 12 đến 36 tháng. Nghĩ số tiền trả khá thấp, những người được mời gọi đúng lúc khó khăn thường đồng ý vay. Sau đó, họ mới tá hỏa khi lãi mẹ, đẻ lãi con, rồi bao nhiêu khoản khác... tiền lương không đủ trả.
Lúc này, bên cho vay mới tìm đến nơi làm việc của công nhân, "tấn công" bằng chiêu bình luận hạ nhục, ghép hình ảnh rồi đăng trên trang thông tin của công ty. Các cuộc gọi từ phía đòi nợ ngày một nhiều hơn, làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp.
Giúp công nhân vay vốn
Ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH MTV Kỹ thuật Đại Dũng cho biết, tại doanh nghiệp có trường hợp người lao động vay tiền tín dụng đen qua app. Khi công nhân không trả nợ đúng hạn, bên đòi nợ đã nhắn tin, gọi điện, bình luận với những lời lẽ không hay trên trang mạng xã hội như fanpage của công đoàn. Điều này làm ảnh hưởng đến người lao động, môi trường làm việc tại công ty…
Theo ông Hùng, chuyện vay lãi bên ngoài của công nhân là thực tế vẫn đang diễn ra. Để hạn chế mức thấp nhất những rủi ro cho người lao động, công ty hướng dẫn người lao động vay tiền từ quỹ CEP (Quỹ Trợ vốn người lao động nghèo tự tạo việc làm).
Chỉ trong tháng 5/2022, công nhân thuộc công ty đã vay khoảng 2,1 tỷ đồng. Hằng năm, công ty cũng tổ chức các đợt tuyên truyền đến người lao động về hiểm họa khi vay tín dụng đen để công nhân lao động phòng tránh.
Ông Trần Đoàn Trung , Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM cho biết, vay tín dụng đen, vay nặng lãi của công nhân lao động vẫn diễn ra mặc dù công đoàn thành phố đã phối hợp tuyên truyền thường xuyên. Nguyên nhân của tình trạng này có thể do quy trình vay vốn dễ dàng, công nhân chỉ cần tải app là vay được tiền hoặc vay qua chứng minh thư… Một bộ phận lớn người lao động còn chưa nhận thức được hết những hệ lụy khó lường khi vay nặng lãi mà không trả đúng thời gian.
Bên cạnh đó, công đoàn thành phố cũng hỗ trợ người lao động vay vốn từ Tổ chức tài chính vi mô CEP. Tại đây sẽ hỗ trợ các khoản vay tín chấp lãi suất rất thấp cho người lao động. Trong các trường hợp như công nhân gặp các tình huống khẩn cấp như đau ốm, tai nạn... cần tiền có thể liên hệ công đoàn cơ sở tại nơi làm việc.
"Nhất là các dịp cuối năm, công đoàn thành phố đẩy mạnh tuyên truyền đến người lao động. Vì thời gian này, người lao động vay vốn để mua sắm, chăm lo Tết nhiều hơn. Đây là dịp để tín dụng đen, vay nặng lãi gia tăng", ông Trung cho hay.
Tại buổi đối thoại giữa Thủ tướng với công nhân ngày 12/6, Thượng tướng Lương Tam Quang - Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, nhiều tổ chức tín dụng đen núp dưới vỏ bọc huy động vốn, góp tài sản kinh doanh, cho công nhân vay lãi suất đến 1.000%/tháng. Ba năm qua, Bộ Công an đã phát hiện xử lý 2.740 vụ việc, trong đó hơn 1.000 vụ cho vay nặng lãi với nhiều bị hại là công nhân lao động.
Nguyễn Nga