Thanh Hóa:
Kiếm trăm triệu đồng mỗi năm nhờ nuôi cá ở lòng hồ thủy điện
(Dân trí) - Từ khi hồ thủy điện Trung Xuân (huyện Quan Sơn, Thanh Hóa) tích nước, bà con sống bên cạnh đã tận dụng để nuôi cá lồng, cá bè, mỗi năm cho thu nhập 80-100 triệu đồng.
Những năm trước đây, cuộc sống của người dân sống quanh hồ thủy điện Trung Xuân, xã Trung Xuân, huyện miền núi Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, khó khăn chồng chất khó khăn.
Hai năm nay, tận dụng các vị trí có diện tích bề mặt rộng từ 1-2km, mực nước sâu, nguồn nước sạch, nhiều bà con tham gia nuôi thả, với cả trăm ô, lồng cá và đã dần có cuộc sống khá giả, thoát khỏi đói nghèo.
Ban đầu chỉ 2-3 hộ mạnh dạn vay vốn đầu tư, sau đó bà con xung quanh thấy được hiệu quả từ mô hình này, đến nay đã có gần 100 hộ tham gia.
Gia đình anh Đinh Công Khẩn ở bản Pụn, xã Trung Xuân là một trong những hộ đầu tiên tham gia nuôi cá lồng. Anh Khẩn cho biết, trước đây cuộc sống vô cùng khó khăn, từ ngày có nghề nuôi cá lồng đã mang lại thu nhập cho gia đình, không còn là hộ nghèo nữa.
"Gia đình tôi nuôi chủ yếu là cá trắm, với giá bán ra thị trường 100.000 đồng/kg, mỗi vụ cũng thu về 30-40 triệu đồng", anh Khẩn nói.
Gia đình ông Phạm Bá Trọng, một trong những hộ tiêu biểu trong phát triển nghề nuôi cá lồng trên địa bàn. Hiện ông Trọng đã phát triển được 4 lồng nuôi các loại cá trắm, chép, lăng, leo...
Ông Trọng cho biết: "Dù nuôi cá lồng đã lâu, song trước đây, hệ thống lồng, bè được làm bằng những vật liệu tạm bợ như tre, nứa... lại chưa có kinh nghiệm và kỹ thuật nên chất lượng, sản lượng chưa cao, việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm chưa tốt dẫn tới việc tiêu thụ khó. Sau thời gian nuôi, chúng tôi đã có kinh nghiệm chú trọng đến chất lượng con giống, lồng, bè, sản xuất theo nhiều thời điểm trong năm gắn với bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm".
Với đặc thù nguồn nước mặt có diện tích lớn, mực nước sâu, nguồn nước sạch, các hộ gia đình tập trung phát triển các loại cá như: Lăng, trắm, rô phi đơn tính, chép…
Cá lồng nuôi trên lòng hồ thủy điện được đánh giá có chất lượng tốt, thịt chắc, thơm ngon nên rất được ưa chuộng, đến vụ thu hoạch là các nhà hàng đã đặt trước.
Mỗi năm, bà con thu hoạch 2 vụ, với giá các loại cá có mức dao động từ 60.000-100.000 đồng/kg, mỗi gia đình thu nhập ổn định 80-100 triệu đồng/năm.
Từ những hộ tiên phong ban đầu đến với nghề cho hiệu quả, huyện Quan Sơn đã định hướng, khuyến khích, hỗ trợ kỹ thuật người dân nhân rộng, phát triển mô hình theo tiêu chuẩn VietGAP. Trong đó, chú trọng hỗ trợ phát triển nghề nuôi cá lồng theo hướng an toàn sinh học.
Ông Cao Minh Tú, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Xuân cho biết, đây là một trong những mô hình hiệu quả, là hướng đi giúp cho người dân nâng cao thu nhập, từng bước thoát nghèo.
"Thời gian tới, để tiếp tục mở rộng mô hình, chính quyền địa phương sẽ tập trung ưu tiên các nguồn từ các chương trình hỗ trợ để bà con có vốn đầu tư hơn nữa vào nghề nuôi cá lồng. Bên cạnh đó, chính quyền xã cũng sẽ vận động bà con tham gia vào hợp tác xã, từ đó nuôi cá theo tiêu chuẩn VietGAP và hình thành chuỗi sản xuất, cung ứng, có đầu ra bền vững", ông Tú cho biết thêm.
Theo UBND huyện Quan Sơn, phát triển nuôi cá lồng trên lòng hồ không chỉ là mô hình sinh kế cho người dân mà còn góp phần phát triển nông nghiệp, gắn với du lịch tại địa phương.
Để nhân rộng, thời gian tới, huyện Quan Sơn chú trọng gắn nuôi thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa với nuôi truyền thống, ưu tiên các nguồn hỗ trợ từ những chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và nguồn kinh phí sự nghiệp nông thôn mới, để bà con có vốn đầu tư nuôi cá lồng...