Tăng giờ làm thêm: Giải bài toán ngắn hạn, "cấp cứu" do dịch bệnh
(Dân trí) - Tăng giờ làm thêm trong bối cảnh dịch bệnh khiến lao động phải nghỉ giãn cách, doanh nghiệp dừng hoạt động là có cơ sở. Việc tăng giờ làm thêm, theo đó, chỉ áp dụng trong thời gian ngắn.
Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến năng suất, sản lượng của nhiều doanh nghiệp suy giảm vì những thời điểm thiếu hụt lao động. Trước thực tế đó, Chính phủ đề xuất Quốc hội xem xét điều chỉnh số giờ làm thêm, "nới trần" từ 40 giờ lên 70 giờ/tháng, mở rộng mức trần 300 giờ/năm cho tất cả các ngành nghề, lĩnh vực.
Cơ sở của đề xuất này là tình trạng khó khăn về nhân lực của doanh nghiệp do dịch bệnh. Doanh nghiệp, theo đó, muốn có thỏa thuận tăng thời lượng làm thêm giờ với người lao động, vừa để phục hồi sản xuất, làm bù thời gian buộc phải dừng việc thời gian kéo dài vừa qua, vừa để tăng thu nhập cho người lao động.
PV Dân trí có cuộc trao đổi với GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội về vấn đề liên quan đến đề xuất tăng giờ làm thêm này.
Thưa ông, việc tăng thời gian làm thêm như đề xuất của Chính phủ có ý nghĩa gì trong bối cảnh hiện nay?
- Pháp luật lao động hiện có quy định tổng số thời gian làm thêm tối đa của người lao động trong một năm, một tháng, thậm chí một ngày. Trong điều kiện bình thường, chúng ta cứ áp dụng quy định của Bộ luật Lao động vào thực tiễn và căn cứ vào đơn giá lao động để tính toán.
Việc quy định thời gian làm thêm phải đảm bảo 2 yếu tố, một là phải đủ thời gian giúp người lao động nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động, sức sản xuất. Trong bối cảnh không quá thiếu lao động, việc khống chế thời gian làm thêm cũng để điều hòa công việc giữa các nhóm lao động.
Thứ hai, về nguyên tắc, quan trọng nhất, khống chế thời gian làm thêm của người lao động vừa đảm bảo phát triển bền vững vừa thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới máy móc, công nghệ sản xuất. Doanh nghiệp không được lạm dụng việc tăng năng suất lao động bằng cách tăng thời gian làm thêm, vắt kiệt sức người lao động.
Đây là động lực để buộc doanh nghiệp cải tiến máy móc, công nghệ, nâng cao năng suất, đảm bảo quyền lợi cho người lao động, cá nhân những người lao động có nhu cầu làm việc.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, cả nước đối diện với việc giãn cách xã hội nhiều tháng, cách ly, điều trị với lao động mắc Covid-19 dẫn đến những khó khăn trong sản xuất. Số lao động là F0, F1 nghỉ việc nhiều dẫn đến đình trệ sản xuất ở nhiều nhà máy, doanh nghiệp nên nhiều doanh nghiệp thiếu lao động ở một số vị trí, không kịp tiến độ đơn hàng.
Trong bối cảnh đó, chúng ta buộc phải chấp nhận tăng số giờ làm thêm trong một thời gian nhất định, cho tới khi sản xuất kinh doanh hồi phục trở lại. Việc tăng giờ này để bù lại thời kỳ phải tạm nghỉ, không làm việc trước đó.
Tôi nghĩ điều này tốt cho doanh nghiệp để đảm bảo khối lượng sản phẩm hàng hóa sản xuất theo kế hoạch, không mất bạn hàng, duy trì điều kiện kinh doanh. Đồng thời, việc tăng thời gian làm thêm dựa trên sự thỏa thuận với người lao động, căn cứ vào đơn giá công lao động, có thể giúp người lao động tăng thu nhập, bù đắp phần thu nhập thiếu hụt trong bối cảnh khó khăn. Tất nhiên, việc tăng thời gian làm thêm cần đảm bảo các điều kiện chăm sóc sức khỏe, an toàn cho người lao động.
Nói như vậy, có thể hiểu, với tư cách một đại biểu Quốc hội, ông tán thành với phương án đề xuất tăng thời gian làm thêm, nhưng yêu cầu chỉ áp dụng trong thời gian nhất định để phục vụ nhiệm vụ phục hồi sản xuất?
- Đúng vậy. Và đề xuất của Chính phủ cũng nêu rõ thời hạn áp dụng cơ chế này là trong năm 2022 chứ không phải điều chỉnh quy định về giờ làm thêm thể hiện trong Bộ luật Lao động hiện hành.
Thực tế, dịch bệnh khiến rất nhiều doanh nghiệp phải dừng hoạt động một số tháng vừa qua nên khi có điều kiện quay trở lại sản xuất, đơn vị nào cũng cần tăng thời gian làm thêm để đảm bảo kế hoạch sản xuất kinh doanh, đáp ứng yêu cầu bạn hàng, đồng thời cũng bù đắp lại thời kỳ người lao động không có việc làm. Do vậy, có thể tăng thời gian làm thêm một số tháng nào đó nhưng tổng thời gian làm thêm cả năm không vượt quá mức quy định hiện nay. Con số tổng thời gian làm thêm cả năm này phải tính toán sao cho hài hòa quyền lợi cho các bên.
Cũng có một số ý kiến cho rằng, đi liền với việc tăng thời gian làm thêm thì cần điều chỉnh đơn giá giờ làm thêm để đảm bảo quyền lợi cho người lao động?
- Hiện Bộ luật Lao động quy định rất rõ ràng về đơn giá tiền lương ngày làm thêm. Cụ thể, làm thêm các ngày trong tuần, mức lương bằng 150% mức lương bình thường. Nếu làm thêm vào ngày nghỉ, đơn giá lương bằng 200% ngày bình thường và làm thêm ngày lễ tết, người lao động được hưởng 300% mức lương ngày bình thường.
Nghị quyết của Quốc hội về phục hồi, phát triển kinh tế cho phép áp dụng những quy định vượt qua khuôn khổ luật pháp là không giới hạn thời gian làm thêm trong 1 tháng nhưng tiền lương với thời giờ làm thêm vẫn đảm bảo như quy định luật pháp.
Việc tăng thời gian làm thêm, theo tôi, chỉ nên áp dụng trong thời gian ngắn, không sửa Bộ luật Lao động và cũng chỉ nên áp dụng với một số ngành, lĩnh vực đặc thù, dựa trên sự thỏa thuận giữa người lao động và doanh nghiệp.
Chuyện thời gian làm thêm, như ông phân tích, có tác động tới năng suất lao động, hiệu quả sản xuất. So với năng suất lao động của một số nước trong khu vực, trong đó có Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, thứ hạng của Việt Nam đang được xếp thấp hơn. Có thể tăng thời gian làm thêm để đẩy năng suất lao động lên không, thưa ông?
- Khi thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2019, các đại biểu Quốc hội cũng trao đổi kỹ về vấn đề này rồi. Trong điều kiện bình thường, tổng thời gian làm việc của người Việt Nam không thấp so với thế giới, thậm chí so với lao động ở Nhật, một nước rất "căng" về nguồn nhân lực.
Thực tế là ở các nước phát triển, số ngày nghỉ nhiều hơn Việt Nam và thời gian làm thêm của họ cũng được khống chế ngặt nghèo để đảm bảo khả năng tái tạo sản xuất. Quan điểm được đưa ra là, tăng thời gian làm thêm quá mức sẽ ảnh hưởng tới việc tái sản xuất sức lao động của người lao động, ảnh hưởng đến việc phân chia công việc xã hội, sẽ có người làm nhiều, lấn át hoặc giành việc của người khác.
Đáng nói hơn, các nước phát triển chủ trương không tăng thời gian làm việc, kìm giữ thời gian làm thêm ở mức hợp lý để thúc đẩy doanh nghiệp tự đổi mới máy móc, công nghệ để thúc đẩy tăng năng suất lao động.
Mục tiêu cần hướng tới là làm sao để người lao động làm việc ít thời gian hơn nhưng năng suất trên mỗi giờ làm việc cao hơn. Bản thân lao động được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cao hơn trên cơ sở đảm bảo máy móc, thiết bị, kỹ thuật. Khống chế thời gian lao động là một cách để đảm bảo quyền lợi người lao động, để thúc đẩy doanh nghiệp phải nâng cao năng suất lao động.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!