Ninh Bình:

Sống khỏe trong dịch bệnh nhờ cuộn rơm "đuôi trâu" xuất khẩu sang Nhật

Thái Bá

(Dân trí) - Những cọng rơm tưởng như bỏ đi, qua bàn tay khéo léo của nông dân Ninh Bình đã biến thành đồ trang trí quý giá của người Nhật. Giữa bão dịch, nhiều người vẫn "sống khỏe" nhờ làm nghề kỳ lạ này.

Sống khỏe trong dịch bệnh nhờ cuộn rơm đuôi trâu xuất khẩu sang Nhật - 1

Huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình nổi tiếng có nhiều làng nghề thủ công mỹ nghệ. Trong đó phải kể đến nghề dệt chiếu cói, đan lát bèo, bện rơm xuất khẩu... Người dân nơi đây gắn bó với nghề truyền thống hàng chục năm qua. Nghề đem lại thu nhập, nuôi sống hàng trăm hộ dân vùng ven biển này.

Sống khỏe trong dịch bệnh nhờ cuộn rơm đuôi trâu xuất khẩu sang Nhật - 2

Do thị trường tiêu thụ giảm sút, nhất là 2 năm gần đây ảnh hưởng lớn từ đại dịch Covid-19 khiến lượng lớn người dân đã chuyển đổi nghề nghiệp. Tuy nhiên, rất nhiều người vẫn bám trụ và sống khỏe với nghề đan lát, bện, cuộn các mặt hàng đặc biệt để xuất khẩu đi Nhật.

Sống khỏe trong dịch bệnh nhờ cuộn rơm đuôi trâu xuất khẩu sang Nhật - 3

Từ những cọng rơm khô, người dân các xã Ân Hòa, Như Hòa, Quang Thiện, Đồng Hướng... ở huyện Kim Sơn bện, cuộn thành các đồ vật có hình thù kỳ lạ trong văn hóa người Nhật Bản trang trí vào ngày đầu năm mới. Nhu cầu sử dụng mặt hàng này tăng cao, vì thế nhiều người dân ở đây không chỉ có công việc ổn định mà thu nhập cũng cao hơn nhiều nghề khác trong mùa dịch.

Sống khỏe trong dịch bệnh nhờ cuộn rơm đuôi trâu xuất khẩu sang Nhật - 4

Nghề độc lạ cuốn "đuôi trâu" đang thịnh xuất khẩu đi Nhật Bản mà nhiều người dân Kim Sơn vẫn thường gọi thực chất là cuốn, bện rơm lúa khô thành một đồ trang trí vào các dịp đầu năm mới có tên gọi là Shimenawa ở đất nước Nhật Bản. Vào các ngày tết, người Nhật thường treo Shimenawa ở trước cửa nhà, với mong muốn mang nhiều may mắn đến với gia đình mình, xua đuổi ma quỷ, chào đón các vị thần...

Sống khỏe trong dịch bệnh nhờ cuộn rơm đuôi trâu xuất khẩu sang Nhật - 5

Nghề cuốn "đuôi trâu" được người dân làm từ tháng 4 đến tháng 9 âm lịch. Nguyên liệu làm là rơm lúa tám thơm loại cao cây. Loại lúa này, sau khi cấy được khoảng 45 ngày, ở giai đoạn "thì con gái" sẽ được cắt về có mùi thơm dịu nhẹ của lúa non, màu xanh mướt rất ưa nhìn.

Sống khỏe trong dịch bệnh nhờ cuộn rơm đuôi trâu xuất khẩu sang Nhật - 6

Khi sấy lên rơm lúa có màu xanh, độ dẻo dai. Chủ hàng là người trồng, thu hoạch, sấy khô sau đó giao cho các hộ dân nhận về cuốn, bện thành các mặt hàng mà bên Nhật có nhu cầu tiêu thụ. Tùy theo từng sản phẩm, mà người thực hiện công việc bện, cuốn rơm sẽ nhận được tiền công khác nhau.

Sống khỏe trong dịch bệnh nhờ cuộn rơm đuôi trâu xuất khẩu sang Nhật - 7

Theo bà Toan, một người làm nghề cuốn "đuôi trâu" lâu năm ở xã Ân Hòa, "đuôi trâu" có rất nhiều mẫu mã và kích thước, tùy vào độ to nhỏ của mỗi sản phẩm. Mỗi ngày làm nghề, gia đình bà cũng có thu nhập từ 300 - 500 nghìn đồng. Có đợt, phía chủ hàng đặt quấn loại cỡ lớn, dài cả chục mét thì thu nhập cao gấp 2 gấp 3 lần.

Sống khỏe trong dịch bệnh nhờ cuộn rơm đuôi trâu xuất khẩu sang Nhật - 8

Dễ kiếm tiền từ nghề là vậy, tuy nhiên không phải ai cũng làm được nghề độc lạ nhất Việt Nam này. Thường chủ hàng thường thuê những mối quen, đã làm lành nghề lâu năm. Các sản phẩm làm ra không chỉ đảm bảo chất lượng mà yếu tố thẩm mỹ cũng được đặt lên hàng đầu. Vì thế nghề cuốn "đuôi trâu" cũng rất kén chọn người.

Sống khỏe trong dịch bệnh nhờ cuộn rơm đuôi trâu xuất khẩu sang Nhật - 9

Người thợ để cuộn ra được chiếc "đuôi trâu" đạt chuẩn phải có đôi bàn tay khéo léo, kỳ công tết, bện từng cọng rơm khô lại với nhau để biến thành đồ vật có giá trị, tâm linh của người Nhật. "Người Nhật Bản họ rất khắt khe về chất lượng và thẩm mỹ. Vì thế, sản phẩm làm ra phải đẹp, an toàn, lần sau họ mới tiếp tục đặt hàng", chị Đinh Thị Liên ở xã Đồng Hướng nói.

Sống khỏe trong dịch bệnh nhờ cuộn rơm đuôi trâu xuất khẩu sang Nhật - 10

Đa phần những người làm nghề đặc biệt cuốn "đuôi trâu" ở Kim Sơn là phụ nữ trung tuổi, một số ít là người cao tuổi. Nghề này không yêu cầu sức khỏe nhưng đôi tay phải khỏe khoắn, chịu được ngồi lâu. Một ngày làm việc của họ bắt đầu từ 6h sáng, nghỉ trưa, chiều làm cho đến 18h thì nghỉ.

Sống khỏe trong dịch bệnh nhờ cuộn rơm đuôi trâu xuất khẩu sang Nhật - 11

Các sản phẩm sau khi hoàn thiện sẽ được bó lại cẩn thận đem nhập cho chủ hàng. Tiền công sẽ được thanh toán cho người làm nghề, nhiều sản phẩm sẽ được nhiều tiền. Vì thế, công việc này hiện nay đang giúp nhiều hộ dân ở Kim Sơn "sống khỏe", không lo bão dịch Covid-19 hoành hành.

Sống khỏe trong dịch bệnh nhờ cuộn rơm đuôi trâu xuất khẩu sang Nhật - 12

Người lớn tuổi, ít tuổi ở Kim Sơn đều tham gia các công đoạn để làm ra những chiếc "đuôi trâu" xuất sang đất nước "mặt trời mọc". Các lao động chính thì cuộn, bện rơm, người già hay những em nhỏ thì phụ giúp nhặt sạch rơm khô. Hàng ngày, mỗi người một việc, vì thế nhờ nghề "biến" rơm khô thành "đuôi trâu" mà các thành viên trong nhiều gia đình ở Kim Sơn đều có thu nhập, ổn định cuộc sống lâu dài.