1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Ninh Bình: Những hướng dẫn viên đầu tiên nhận hỗ trợ từ Nghị quyết 68

Thái Bá

(Dân trí) - Bình thường, hướng dẫn viên có thể dễ kiếm được vài triệu đồng khi dẫn một tour. Khi thất nghiệp do Covid-19, món hỗ trợ 3.710.000 đồng đã trở thành khoản "thu nhập" khá lớn và cần thiết đối với họ.

"Một miếng khi đói bằng một gói khi no"

Chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết (SN 1986) có gần chục năm làm hướng dẫn viên du lịch tại Trung tâm bảo tồn Di tích Cố đô Hoa Lư (Ninh Bình). Cơn bão dịch Covid-19 ập đến khiến chị phải nghỉ việc. Đến nay vẫn chưa có "tín hiệu" được đi làm trở lại vì du lịch vẫn đang "đóng băng".

Từ khi nghỉ việc, chị chỉ quanh quẩn ở nhà chăm sóc con cái. Mọi chi phí sinh hoạt trong gia đình đều trông chờ vào đồng lương ít ỏi của chồng. Để đủ chi tiêu các khoản tiền thuê nhà, đong gạo, mua thức ăn, mua sữa bỉm cho các con... chị phải chắt bóp từng đồng.

Biết tin thuộc diện được hỗ trợ do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nữ hướng dẫn viên mừng lắm. Sau khi hoàn tất các thủ tục, được nhận tiền qua tài khoản, chị vui mừng nói: "Số tiền này giúp tôi có thêm để trang trải cuộc sống, mua bỉm sữa cho con".

Ninh Bình: Những hướng dẫn viên đầu tiên nhận hỗ trợ từ Nghị quyết 68 - 1

Thất nghiệp vì Covid-19, ở nhà chị Vũ Thị Lan nuôi ốc nhồi kiếm thêm thu nhập.

Khi dịch bệnh chưa bùng phát, mỗi tháng anh Đinh Xuân Toàn, quê ở xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư (Ninh Bình) là hướng dẫn viên tự do, đi các tour trong nước cũng kiếm được hàng chục triệu đồng. Từ khi dịch bùng phát, anh thất nghiệp, không có việc làm đồng nghĩa với việc không có thu nhập.

Là lao động chính trong gia đình, giờ không có thu nhập đã ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống. Anh cũng đã đi xin các công việc khác để làm nhưng bất thành vì không thể thích nghi. Để duy trì cuộc sống, hàng ngày anh đi câu cá, soi bắt cua kiếm kế sinh nhai cho cả gia đình.

Được nhận "gói hỗ trợ" của Chính phủ anh Đinh Xuân Toàn vui mừng: "Tôi cũng như nhiều đồng nghiệp được hướng dẫn làm hồ sơ, thủ tục dễ dàng, chỉ trong vòng ít ngày đã được nhận tiền. Số tiền này đúng là "một miếng khi đói bằng một gói khi no"", anh tâm sự.

Khi chưa nhận được số tiền 3.710.000 đồng, cả gia đình anh bữa rau, bữa mắm. Nay có tiền hỗ trợ, anh dành mua gạo, mua thêm thức ăn để cải thiện bữa ăn cho các con. Còn một phần để dành, chi tiêu hợp lý sống qua cơn bão dịch.

Ninh Bình: Những hướng dẫn viên đầu tiên nhận hỗ trợ từ Nghị quyết 68 - 2

Ngoài nuôi ốc, chị Lan còn chăm sóc vườn hoa lan cho tươi tốt, bán kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống.

Chị Đinh Thị Bình và Vũ Thị Lan cũng là những hướng dẫn viên du lịch sớm nhận tiền hỗ trợ từ "gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng". Theo các chị tâm sự, để dành số tiền này không dám tiêu pha để sắp tới đóng học phí cho con vào năm học mới. Còn lại, hàng ngày trồng thêm rau, nuôi thêm gà để cải thiện cuộc sống.

Chị Vũ Thị Lan nói: "Tôi không nghĩ mình lại được nhận tiền hỗ trợ lần này. Thủ tục làm hồ sơ để nhận tiền cũng rất nhanh gọn, lại được nhận tiền qua chuyển khoản nên rất cảm kích trước chính sách ý nghĩa và thiết thực của Chính phủ. Mong sao dịch bệnh sớm kết thúc để tôi có thể được đi làm trở lại, có công việc và có thêm thu nhập".

"Giữ chân" nhân lực ngành du lịch

Thống kê của Sở Du lịch Ninh Bình, toàn tỉnh có 223 hướng dẫn viên du lịch gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 thuộc diện được hỗ trợ theo Nghị quyết 68 và Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo ông Phạm Duy Phong - Phó Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình, thực hiện Quyết định 23/2021/QĐ-TTg, Sở đã nhanh chóng bắt tay vào rà soát, lên danh sách, hướng dẫn các hướng dẫn viên làm các thủ tục cần thiết để được nhận gói hỗ trợ của Chính phủ.

Ninh Bình: Những hướng dẫn viên đầu tiên nhận hỗ trợ từ Nghị quyết 68 - 3

Những ngày thất nghiệp ở nhà, anh Đinh Xuân Toàn dạy con học ngoại ngữ, giúp vợ làm những công việc nhà.

"Đến nay, Sở đã trình danh sách 28 người lên UBND tỉnh để phê duyệt cấp kinh phí hỗ trợ. Trong số này, có 15 người đã được phê duyệt và đã được nhận được tiền. Chính sách hỗ trợ lần này của Chính phủ vô cùng kịp thời mang tính ưu việt cao, hỗ trợ kịp thời cho người lao động trong lúc khó khăn", ông Phạm Duy Phong nói.

Phó Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình thông tin thêm, chính sách hỗ trợ lần này đã kịp thời giúp ngành du lịch "giữ chân" được đội ngũ hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp, đã được đào tạo bài bản để phát triển du lịch địa phương.

"Nhờ gói hỗ trợ, nhiều hướng dẫn viên gặp khó khăn vẫn có thể duy trì được cuộc sống để yên tâm chờ dịch được khống chế, du lịch được phục hồi để đi làm trở lại", ông Phạm Duy Phong chia sẻ.

Theo ông Phạm Duy Phong, Phó Giám đốc Sở Du lịch, Ninh Bình là một trong 10 tỉnh của cả nước triển khai nhanh chóng, kịp thời hỗ trợ cho các hướng dẫn viên du lịch. Ninh Bình là tỉnh du lịch rất phát triển, dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề nên có sự quan tâm sát sao từ lãnh đạo tỉnh. Vì thế, sau khi Sở thống kê gửi danh sách đã được phê duyệt nhanh chóng kịp thời để hỗ trợ cho các hướng dẫn viên du lịch gặp khó khăn bởi đại dịch Covid-19.