1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Ninh Bình: Hàng nghìn người chèo đò sẽ được hỗ trợ theo Nghị quyết 68

Thái Bá

(Dân trí) - Du lịch "đóng băng" khiến hàng nghìn người làm nghề chèo đò du lịch ở Ninh Bình thất nghiệp. Những người này, nếu không có giao kết hợp đồng lao động vẫn sẽ được hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP.

Thất nghiệp, ai thuê gì làm nấy

Nhiều tháng nay, nữ nhân viên chèo đò Đinh Thị Hiền (trú xã Ninh Xuân, huyện Hoa Lư Ninh Bình) thất nghiệp do khu du lịch đóng cửa để phòng, chống Covid-19.

Không có việc làm đồng nghĩa với việc không có thu nhập, chị mong ngóng từng ngày được đi làm trở lại để kiếm tiền lo cho các con sắp bước vào năm học mới. Nhưng dịch bệnh phức tạp kéo dài, du lịch cứ "đóng băng" mãi khiến chị cũng chỉ biết thở dài ngao ngán.

Ninh Bình: Hàng nghìn người chèo đò sẽ được hỗ trợ theo Nghị quyết 68 - 1

Hàng nghìn người làm nghề chèo đò ở huyện Hoa Lư, Ninh Bình mất việc làm vì dịch Covid-19 đang phải xoay sở kiếm sống.

Gần chục năm làm nghề chèo đò chở khách ở khu du lịch, khoản thu nhập từ mỗi chuyến đò, tiền khách cho thêm cũng đủ để chị trang trải cho cuộc sống gia đình 5 người (gồm 2 vợ chồng, 2 đứa con và một mẹ già).

Hơn 3 tháng nay phải ở nhà hoàn toàn, mọi khoản chi tiêu trong gia đình chị đều trông chờ khoản thu nhập ít ỏi từ chồng đi làm thợ kiếm được. Không có việc làm, chị phải xoay đủ nghề, đi xin việc nhiều nơi miễn là có thu nhập.

Cũng làm nghề chèo đò, nhiều tháng qua thất nghiệp, chị Trần Thị Liên (ở xã Trường Yên) phải xoay sở đủ kiểu miễn sao ngày kiếm được từ 170-200 nghìn đồng thì ngày đó mới yên tâm được.

Ninh Bình: Hàng nghìn người chèo đò sẽ được hỗ trợ theo Nghị quyết 68 - 2

Để có thu nhập, các lái đò không quản ngại bất cứ công việc gì, ai thuê gì làm nấy, miễn có thu nhập để duy trì cuộc sống.

"Dịch bệnh cứ bùng phát mạnh, chẳng biết bao giờ mới được hành nghề trở lại. Cứ nghỉ ở nhà chờ việc thì "chết đói", đành phải lao đi tìm việc làm để duy trì cuộc sống", chị Trần Thị Liên nói.

Để có thu nhập, chị đi làm cỏ thuê, đào đất, phụ hồ, bốc vác… Ai gọi là chị lại lên đường đi làm, không quản ngại bất cứ công việc gì. Bởi với chị, mỗi ngày có được số tiền công ít ỏi đó là cuộc sống của 5 miệng ăn trong gia đình được duy trì.

Không chỉ chị Đinh Thị Hiền, chị Trần Thị Liên mà hàng nghìn người làm nghề chèo đò ở các khu, điểm du lịch ở Ninh Bình nhiều tháng qua cũng mất việc làm vì dịch Covid-19. Mất việc, không có thu nhập khiến cuộc sống của hàng nghìn gia đình trở nên khó khăn đủ đường.

Mong ngóng được hỗ trợ

Trên địa bàn huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình có khoảng 3.000 người làm nghề chèo đò chở khách du lịch tại các khu du lịch Tràng An, Tràng An cổ, Tam Cốc - Bích Động, Thung Nham… Các lao động này hiện được các doanh nghiệp trực tiếp sử dụng và điều động.

Theo ông Phạm Văn Hoàn, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Hoa Lư, để đảm bảo quyền lợi và hỗ trợ kịp thời cho lao động chèo đò, UBND huyện đã đề nghị Sở LĐ-TB&XH xác định rõ hình thức lao động của số lao động chèo đò tại các khu du lịch (có ký kết hợp đồng lao động hay không).

Ninh Bình: Hàng nghìn người chèo đò sẽ được hỗ trợ theo Nghị quyết 68 - 3

Các lái đò thuộc lao động tự do (không ký kết hợp đồng lao động), đủ điều kiện sẽ được nhận tiền hỗ trợ để vượt qua khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Kết quả xác minh của Sở LĐ-TB&XH Ninh Bình cho thấy, hầu hết những người làm nghề chèo đò tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn huyện Hoa Lư đều không được ký kết hợp đồng lao động, cần được hỗ trợ do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

"Sau khi xác định được những người chèo đò là lao động tự do, Phòng đã có văn bản yêu cầu các xã tiếp nhận hồ sơ, tổ chức thẩm định, niêm yết công khai và lập danh sách người lao động chèo đò đủ điều kiện hưởng hỗ trợ về phòng để tổng hợp báo cáo UBND huyện, trình UBND tỉnh xem xét hỗ trợ", ông Phạm Văn Hoàn cho biết.

Phòng LĐ-TB&XH huyện Hoa Lư yêu cầu các xã thực hiện xong trước ngày 31/8/2021. Các đối tượng nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ sau thời gian trên, các xã tiếp tục tiếp nhận và tổ chức thẩm định theo quy định, chậm nhất đến hết ngày 15/1/2022.

Chị Đinh Thị Hiền chia sẻ: "Đại đa phần người làm nghề chèo đò chúng tôi đều khó khăn. Giờ được hỗ trợ do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thì chúng tôi vui mừng lắm. Trong lúc "đói kém" như thế này được hỗ trợ đồng nào quý đồng đó, có thêm khoản tiền để trang trải, duy trì cuộc sống. Chúng tôi mong ngóng từng ngày".