1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Ninh Bình: Tín hiệu vui cho hàng nghìn lao động về quê tránh dịch

(Dân trí) - Ninh Bình hiện có lượng lớn lao động về quê tránh dịch. Hết thời gian cách ly, những lao động này sẽ được tư vấn học nghề chuyển đổi nghề nghiệp và kết nối giới thiệu việc làm để ổn định cuộc sống.

Hàng nghìn lao động về quê tránh dịch

Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát từ đầu tháng 5 đến nay, tỉnh Ninh Bình là một trong những địa phương kiểm soát tốt được dịch bệnh. Vì thế, các nhà máy, xí nghiệp tại các khu, cụm công nghiệp lớn trên địa bàn như: Gián Khẩu, Khánh Phú, Tam Điệp, Gia Vân… vẫn duy trì được sản xuất, đảm bảo đời sống cho hàng chục nghìn lao động.

Theo thông tin từ Sở LĐ-TB&XH Ninh Bình, từ tháng 6 đến đầu tháng 8/2021, số lượng lao động từ các tỉnh, thành phố dịch bùng phát mạnh như: TPHCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai… về quê Ninh Bình tránh dịch, tìm việc làm tăng cao. Có thời điểm lao động về đông, lên đến hàng nghìn người.

Ninh Bình: Tín hiệu vui cho hàng nghìn lao động về quê tránh dịch - 1

Dịch Covid-19 được kiểm soát nên hàng chục nghìn lao động trong các khu, cụm công nghiệp tại Ninh Bình vẫn có việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định, đảm bảo cuộc sống.

Thực hiện biện pháp phòng chống dịch, tất cả những người từ vùng có dịch, đang giãn cách xã hội khi về Ninh Bình đều phải cách ly tập trung. Theo ông Nguyễn Hữu Tuyến, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh, do nhiều người chưa hết thời gian cách ly nên đến nay địa phương vẫn chưa thống kê cụ thể số lao động từ tỉnh ngoài về quê tránh dịch.

Thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm Ninh Bình cho thấy, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã tiếp nhận trên 1.000 hồ sơ người địa phương khác đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trong số này, phần lớn là người Ninh Bình làm việc tại các tỉnh về quê nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Ninh Bình: Tín hiệu vui cho hàng nghìn lao động về quê tránh dịch - 2

Những người từ vùng dịch, địa phương thực hiện giãn cách xã hội về Ninh Bình đều được test nhanh Covid-19, cách ly tập trung theo quy định.

Theo ông Lã Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Ninh Bình, hơn 1.000 hồ sơ này chỉ là một phần trong số hàng nghìn lao động từ các tỉnh về Ninh Bình tránh dịch.

"Khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiều người về quê gấp nên không kịp lấy sổ bảo hiểm thất nghiệp, không có quyết định chấm dứt hợp đồng, hay chấm dứt hợp đồng sai quy định… Vì vậy, những người này không đủ điều kiện để hưởng trợ cấp thất nghiệp" - ông Lã Thanh Tùng cho biết.

Giúp lao động thất nghiệp ổn định cuộc sống

Theo Sở LĐ-TB&XH Ninh Bình, dịch Covid-19 đã khiến hàng lao động tại địa phương thất nghiệp. Trong đó, chủ yếu là lao động hoạt động trong lĩnh vực du lịch, giáo dục tư thục… Do dịch bệnh tại tỉnh được kiểm soát tốt nên những người này đã sớm tìm được việc làm mới.

Ninh Bình: Tín hiệu vui cho hàng nghìn lao động về quê tránh dịch - 3

Để giúp người lao động về quê tránh dịch có việc làm, lãnh đạo các ngành, địa phương tỉnh Ninh Bình thường xuyên kiểm tra, nắm bắt nhu cầu việc làm tại các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn.

Trong 8 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh Ninh Bình đã giải quyết việc làm cho khoảng 9.000 người (đạt 47,9% kế hoạch năm). Áp lực lớn đối với địa phương là thời gian tới, lượng lớn người lao động thất nghiệp từ các tỉnh về quê tránh dịch, có nhu cầu tìm việc làm mới để ổn định cuộc sống tăng cao.

Để giảm bớt khó khăn cho những lao động này, Sở LĐ-TB&XH Ninh Bình đã xây dựng kế hoạch tư vấn học nghề và kết nối, giới thiệu việc làm cho người lao động.

Ông Nguyễn Hữu Tuyến, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Ninh Bình thông tin thêm về việc các ngành, các cấp của tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện Nghị quyết 68 của Chính phủ. Phấn đấu đưa tiền hỗ trợ đến đúng đối tượng thụ hưởng trong thời gian sớm nhất, để người lao động ổn định cuộc sống.

Ninh Bình: Tín hiệu vui cho hàng nghìn lao động về quê tránh dịch - 4

Nhu cầu việc làm của những người về quê tránh dịch tăng cao, vì thế các cấp, các địa phương tại Ninh Bình đang nỗ lực để giúp người lao động sớm có việc làm trở lại, ổn định cuộc sống lâu dài.

"Bên cạnh nhiệm vụ lớn nói trên, Sở LĐ-TB&XH tỉnh đang phối hợp chặt chẽ với các ngành, các địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi để những lao động thất nghiệp, lao động từ tỉnh ngoài về quê tránh dịch có việc làm ổn định", ông Nguyễn Hữu Tuyến nói.

Cũng theo ông Nguyễn Hữu Tuyến, các lao động từ tỉnh ngoài về quê tránh dịch, sau khi thực hiện xong cách ly theo đúng quy định sẽ có nhu cầu được tư vấn học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp, cần được kết nối, giới thiệu việc làm tại địa phương để ổn định cuộc sống.

"Thực hiện Nghị quyết 68 của Thủ tướng Chính phủ, thời gian tới ngành LĐ-TB&XH sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ nghiệp vụ cho các doanh nghiệp, giới thiệu các cơ sở đào tạo nghề có uy tín liên kết với các doanh nghiệp để thực hiện bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động", ông Nguyễn Hữu Tuyến chia sẻ.

Ninh Bình: Tín hiệu vui cho hàng nghìn lao động về quê tránh dịch - 5

Các lao động tại Ninh Bình hăng say sản xuất phát triển kinh tế gia đình, ổn định an sinh xã hội tại địa phương trong cơn bão dịch Covid-19.

Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Ninh Bình thông tin thêm, Sở sẽ chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đa dạng các hình thức hoạt động, phù hợp với điều kiện thực tiễn. Việc này nhằm tăng cường công tác tư vấn, kết nối, hỗ trợ việc làm, tư vấn học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp... cho người lao động, nhất là những lao động bị mất việc làm do dịch Covid-19, những lao động từ tỉnh ngoài về quê tránh dịch để họ sớm quay trở lại thị trường việc làm, ổn định cuộc sống.

Nghị quyết số 68 của Chính phủ ngoài việc hỗ trợ người sử dụng lao động, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, còn có thêm chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động. Thời gian hỗ trợ tối đa 6 tháng đào tạo với mức 1,5 triệu đồng/người/tháng trong vòng một năm, kể từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022.