Sinh viên báo chí tìm việc: Khi đam mê đi cùng với vô vàn nỗi lo
(Dân trí) - Báo chí là ngành học hấp dẫn với nhiều sinh viên. Tuy nhiên, với guồng quay không ngừng nghỉ của báo chí, sinh viên năm cuối ngành báo chí đang đối mặt với nhiều nỗi lo về tìm việc khi ra trường.
Vô vàn mối lo
Sau khi tốt nghiệp đại học có không ít tân cử nhân báo chí đã “vỡ mộng” khi tấm bằng đại học không đủ đáp ứng nhu cầu của các cơ quan tòa soạn.
Nhiều sinh viên mới tốt nghiệp rơi vào cảnh hoang mang, vì không biết có phù hợp với yêu cầu của các toà soạn không. Nhiều năm qua đây, thực tế trên vẫn là một câu hỏi bỏ ngỏ.
Để đối phó với điều này, nhiều sinh viên tiếp tục trau dồi kỹ năng để theo đuổi đam mê, một số khác lại “nhảy nghề” làm trái với chuyên ngành mình đã học.
Đây là những mối lo lắng của các sinh viên năm cuối chuẩn bị rời khỏi ghế nhà trường tham gia vào thị trường lao động hấp dẫn nhưng đầy khốc liệt.
Là sinh viên năm cuối chuyên ngành Báo mạng điện tử (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) bạn Đinh Quế Phương Hoa đã tìm lối đi riêng cho mình.
Ngay từ khi còn là sinh viên năm thứ 3, Hoa đã xin vào làm bán thời gian (part-time) tại một công ty truyền thông để có tiền trang trải cuộc sống.
Cho đến hiện tại, Hoa vẫn giữ công việc này để có nguồn thu nhập. Bằng những kiến thức chuyên ngành được đào tạo tại trường, Hoa còn vận dụng sang làm trái ngành.
Hoa dường như đang muốn thử sức và gắn bó với lĩnh vực mới mẻ này, thay vì tiếp tục theo đuổi nghề báo.
Câu chuyện trặn trở cũng đến với Nguyễn Hoàng Chiến là sinh viên năm cuối chuyên ngành báo truyền hình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Dù đã có ít nhiều kinh nghiệm viết bài và cộng tác báo chí nhưng Chiến cũng không thoát khỏi nỗi lo về thất nghiệp.
Chiến cho biết: “Vấn đề mà tôi cũng như các bạn sinh viên báo chí nói chung, đó là việc tư duy đề tài, phát hiện đề tài rất kém. Mỗi lần tòa soạn yêu cầu tôi phải báo cáo đề tài là tôi lại rất lúng túng. Nhiều lần như vậy, bản thân tôi cảm thấy cực kỳ chán nản, thậm chí là muốn chuyển ngành”.
Tiếp tục hay từ bỏ?
Tuy nhiên một thực tế vẫn diễn ra, đó là: Trong khi các cơ quan báo chí luôn cũng thiếu người có năng lực, nhưng sinh viên mới ra trường ngành báo chí lại rất vất vả khi tìm việc.
Tốt nghiệp ra trường được 2 năm, anh Võ Hồng Nhân, phóng viên Báo điện tử Dân Việt, chia sẻ: “Những sinh viên tích cực đi tác nghiệp, có nhiều bài viết chủ động xin cộng tác với các cơ quan báo chí sẽ tích luỹ thêm kinh nghiệm. Những bạn này dễ có cơ hội được cơ quan báo chí chấp nhận bước đầu”.
Theo Nhân, các cơ quan báo chí luôn thiếu người làm được việc ngay. Không nhiều cơ quan nhận đào tạo từ đầu, trong khi đa số các bạn sinh viên chỉ học, không chủ động thực tế tác nghiệp.
Nghề báo là một nghề khắc nghiệt, phải đi nhiều, tiếp xúc với nhiều người. Hơn nữa, thu nhập của sinh viên mới ra trường còn khá thấp.
Với nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy báo chí, thạc sĩ Nguyễn Nga Huyền (giảng viên khoa Phát thanh - Truyền hình, học viện Báo chí và Tuyên truyền) mong muốn sinh viên nhìn vào những khó khăn, áp lực đặc thù của nghề để tự hỏi bản thân mình có sẵn sàng đối mặt không.
“Nếu bạn nhận ra báo chí sẽ là sự nghiệp đáng theo đuổi, thì không nên tiếc 4 năm học vừa qua. Còn nếu cảm thấy ngược lại, cũng không sao. Bạn hãy chuyển sang nghề nghiệp phù hợp vẫn còn kịp và để không phải hối tiếc”, thạc sĩ Nguyễn Nga Huyền nói.
Lương Hạnh