1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

"Lương tối thiểu tăng kéo theo mức phí BHXH, giá cả tiêu dùng đi lên"

(Dân trí) - Nhận định về mùa tăng lương tối thiểu năm 2017, ông Trương Văn Cẩm - Tổng thư ký Hiệp hội dệt may VN cho rằng, Hội đồng tiền lương Quốc gia nên cân đối việc tăng lương tối thiểu. Vì thu nhập thực tế của đa số người lao động không tăng do mức đóng BHXH, giá cả hàng tiêu dùng tăng.


Lương tối thiểu chỉ đáp ứng 80 % mức sống tối thiểu (Ảnh minh họa)

Lương tối thiểu chỉ đáp ứng 80 % mức sống tối thiểu (Ảnh minh họa)

Ông Trương Văn Cẩm lý giải quan điểm cân đối tăng lương tối thiểu với điều tiết thị trường lao động: “Chúng ta đang tập trung thái quá vào việc tăng lương cho NLĐ thu nhập thấp, ít chú ý đến chức năng điều tiết thị trường lao động của lương tối thiểu”.

Phân tích thêm, đại diện Hiệp hội dệt may cho rằng, Việt Nam đang trong thời kỳ chuyển đổi cơ cấu giữa các khu vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ. Lương tối thiểu tăng cao sẽ ảnh hưởng đến khả năng mở rộng sản xuất của các doanh nghiệp.

“Doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ khó tồn tại để phát triển do các khoản đóng bảo hiểm xã hội cao và do phải bù lương cho người lao động trong thời gian đầu. Đầu tư nước ngoài có nguy cơ chuyển đến các nước như Campuchia, Myanmar, Bangladesh… Cơ hội có việc làm đối với lao động ở nông thôn, hiện đang có thu nhập thấp hơn rất nhiều so với mức lương tối thiểu vùng, sẽ giảm” – ông Trương Văn Cẩm nói.

Phân tích về lợi ích của người lao động khi tăng lương, ông Trương Văn Cẩm cho rằng việc tăng lương tối thiểu là để bảo vệ người lao động có thu nhập thấp và họ phải thực sự được hưởng lợi từ việc tăng lương. Ở VN, đối tượng được thụ hưởng không có số liệu cụ thể, nhất là những người làm việc trong các hợp tác xã, hộ gia đình, trang trại có hợp đồng lao động.

“Theo kinh nghiệm của quốc tế, nếu xác định lương tối thiểu căn cứ vào giỏ hàng hóa lương thực thực phẩm, phi lương thực thực phẩm và người ăn theo, thì nhu cầu của người ăn theo chỉ với hệ số 0,5. Việt Nam tính bằng 0,7, tức là 1.600 Kcalo/2.300 Kcalo là chưa hợp lý, nhất là trong 45 mặt hàng để tính ra 2.300 Kcalo có cả bia, rượu, thuốc lá, cà phê…” - ông Trương Văn Cẩm nói.

Tuy nhiên, lương tối thiểu lại gắn với tăng các khoản đóng bảo hiểm xã hội, phí công đoàn… của doanh nghiệp và người lao động. Ông Trương Văn Cẩm khẳng định: Như vậy người lao động lương thấp chưa chắc đã được hưởng, nhưng doanh nghiệp và người lao động nói chung chắc chắn phải đóng các khoản tăng thêm. Đây là vấn đề không hợp lý và là nỗi lo của doanh nghiệp mỗi lần tăng lương tối thiểu.

“Trong khi đó tại CHLB Đức, từ ngày 1/1/2015, luật lương tối thiểu có hiệu lực. Có 13% người lao động tương đương với 3,7 triệu người hưởng mức lương tối thiểu mới là 8,5 Euro/giờ và đã có 1.600 nhân viên được tuyển thêm để giám sát quá trình này” - ông Trương Văn Cẩm so sánh.

Ngoài ra, việc tăng lương tối thiểu phải căn cứ vào điều kiện kinh tế xã hội của mỗi nước như khuyến nghị tại Công ước 131 của ILO. Cụ thể, việc tăng lương tối thiểu tại VN phải gắn với tăng năng suất lao động, mức tăng GDP bình quân đầu người.

Trong khi đó, tốc độ tăng năng suất lao động của VN đang ở mức khiêm tốn. Bình quân giai đoạn 2006 - 2015 tăng 3,9%/năm, trong khi lương tối thiểu tăng bình quân khoảng 15%/năm.

Theo Hiệp hội dệt may, nếu so sánh tỷ lệ lương tối thiểu/GDP bình quân đầu người khu vực đô thị của VN và một số quốc gia là đối thủ cạnh tranh khác: VN có tỷ lệ 84,7% cao hơn Trung Quốc (51,4%), Thái Lan (53,6%), Malaysia (26,6%), Indonesia (69,1%) …

"Nhìn chung, lương tối thiểu ở nhiều nước có xu hướng tiếp cận với chuẩn nghèo . Hiện tại lương tối thiểu ở VN đang bỏ xa chuẩn nghèo mà tiếp cận với lương bình quân (bằng khoảng 70% lương bình quân của NLĐ đi làm đủ thời gian tại mỗi vùng). Nếu đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu thì mức lương tối thiểu tại VN cao gần bằng lương bình quân và đây là điều không hợp lý. Tỷ lệ lương tối thiểu trên lương bình quân của các nước OECD cao nhất là 50 - 51%” - ông Trương Văn Cẩm nói.

Theo Hiệp hội dệt may VN, phương thức xác định lương tối thiểu trên thế giới cũng có sự khác nhau:

Dựa trên quyết định đơn phương của Chính phủ theo luật lương tối thiểu (như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức từ 01/01/2015…).

Dựa vào tham vấn, có nghĩa là Chính phủ quyết định có sự tham vấn giới chủ và công đoàn hoặc các ủy ban lương tối thiểu được thể chế hóa (như tại Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hàn Quốc, Úc, Việt Nam…).

Dựa vào thương lượng giữa giới chủ, công đoàn và Nhà nước (Bỉ, Hy Lạp, một số nước Đông Âu).

Hoàng Mạnh