1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Rạn nứt gia đình vì vòng xoáy... tăng ca

Sau giờ tăng ca những ngày đầu năm 2017, 21 giờ, chúng tôi theo chân một cán bộ công đoàn tỉnh Đồng Nai về các khu nhà trọ công nhân tại huyện Trảng Bom và phường Long Bình, TP. Biên Hòa (Đồng Nai) - thủ phủ của công nhân sinh sống. Dù đã thấm mệt sau những giờ tăng ca liên tục, nhưng câu chuyện đẫm buồn của các anh/chị công nhân cứ kéo chúng tôi tới tận khuya. Họ nói rằng, đã bị cuốn vào vòng quay không dứt ra được, đó là: Tăng ca - giảm sức khỏe - gia đình ngày càng xa cách, và… lại tăng ca.

“Mệt không muốn nấu bát mì để ăn…”

Theo một khảo sát tại Đồng Nai, việc tăng ca khiến nhiều cặp vợ chồng công nhân căng thẳng, hay cáu gắt và cũng không có thời gian chia sẻ với nhau. Những lúc rảnh rỗi, họ chỉ dành thời gian nghỉ ngơi. Trong khi đó, con cái của họ thì gửi nhà trẻ hoặc nhờ nội ngoại trông giúp. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều gia đình công nhân ngày càng xa cách nhau, khoảng cách ngày một bị đào sâu.

Trong một khu nhà trọ chật hẹp và tối tăm tại P. Long Bình, vẫn le lói ánh sáng nơi phòng trọ của anh N.V.T (25 tuổi), cùng vợ là chị H.T.L (24 tuổi, cùng quê Thanh Hóa) làm việc cho một Cty dệt của nước ngoài ở Đồng Nai. Cuộc trò chuyện của chúng tôi ngày càng chậm dần vì những trăn trở của anh T chia sẻ: Vợ chồng anh T có 2 con, đứa trai lớn 3 tuổi, hiện đang gửi về nhà nội; bé gái thứ mới 1 tuổi, hiện sống chung với ba mẹ, chưa đi trẻ.

Vợ chồng anh T phải thay nhau chăm sóc con nhỏ, vợ làm ca ngày, chồng làm ca đêm. Mỗi buổi sáng, chị L đi làm lúc 5h45 thì để con một mình ở nhà trọ nửa tiếng, để lúc 6h15 chồng đi làm về, tiếp quản. Nếu giờ chị L đi làm mà bé thức dậy thì phải gửi sang nhà hàng xóm, đợi anh T về đón sau.


Khảo sát về làm thêm giờ tại một xóm trọ công nhân ở huyện Trảng Bom, Đồng Nai.

Khảo sát về làm thêm giờ tại một xóm trọ công nhân ở huyện Trảng Bom, Đồng Nai.

Hiện 2 vợ chồng anh T tăng ca khoảng 96h/tháng và thu nhập 8 triệu đồng/tháng/người, tổng thu nhập của cả 2 vợ chồng khoảng 16 triệu đồng/tháng. Với mức thu nhập này, để nuôi thêm 2 con nhỏ, anh T chị L chỉ đủ chi tiêu chắt bóp cho các khoản: Thuê nhà, tiền gửi về quê cho ông bà nuôi đứa con đầu, chi ăn uống cho con thứ hai và rất nhiều khoản chi lặt vặt khác. “Nếu tiết kiệm lắm thì dư khoảng 1- 1,5 triệu đồng/tháng” - anh T nói.

Anh T chia sẻ thêm: “Cuộc sống 2 vợ chồng với 2 đứa con, nếu không tăng ca thì sẽ rất khó, không đủ chi tiêu, nên bọn em phải cố gắng. Hơn nữa, theo quy định, tăng ca là hoàn toàn tự nguyện và NLĐ được hỏi ý kiến đồng ý hay không đồng ý. Tuy nhiên, nếu không tăng ca thì không thuộc diện được xét các phong trào thi đua khen thưởng như khen thưởng cuối năm, xét đời sống công nhân… do đó bọn em buộc phải chấp nhận làm 12 tiếng”.

Việc tăng ca đối với vợ chồng anh T đã là bắt buộc, thời gian của hai vợ chồng chủ yếu nằm trong nhà máy, do đó đứa con trai đầu của anh chị phải gửi ở nhà trẻ tư nhân gần khu nhà trọ, khiến cháu thường xuyên bị ốm, người rất yếu. Anh T kể: “Có một hôm sáng ngủ dậy thấy máu từ trong tai cháu chảy ra ướt áo gối. Tôi sợ quá, đưa cháu đi khám ngay thì phát hiện cháu bị viêm tai giữa đã lâu. Hơn nữa, lúc đó vợ T lại bắt đầu mang bầu đứa thứ hai, nên khi cháu đầu được 18 tháng em phải gửi về cho ông bà nội trông giúp”.

Cả 2 vợ chồng đều đi làm 12h/ngày nên ảnh hưởng rất lớn đến việc chăm con, ảnh hưởng đến sức khoẻ của hai vợ chồng. Chị L đi làm 12 tiếng ca ngày, sau đó về giữ con; anh T đi làm 12 tiếng ca đêm, ban ngày ở nhà giữ con. Anh T nói: Em cũng muốn đưa con đi nhà trẻ để được nghỉ ngơi nhưng sợ con lại bị bệnh như đứa anh đầu nên để bé ở nhà. Khi con ngủ thì bố ngủ, khi con thức thì bố thức, đôi khi cũng mệt mỏi lắm, nhưng phải cố gắng. Nhiều khi mất ngủ, thần kinh căng thẳng, đau đầu lắm”. Lo cho con đã khổ thế, còn hai vợ chồng anh T hầu như không gặp nhau vào các ngày làm việc trong tuần, chỉ gặp nhau được vào ngày chủ nhật thì lại nảy sinh mâu thuẫn, cãi vã…

Không chỉ hạnh phúc gia đình bị đe dọa, việc tăng ca nhiều cũng ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ của anh T, do anh phải đứng liên tục suốt ca để theo máy. Hơn nữa, theo anh T số giờ tăng ca tại thời điểm hiện tại quá nhiều, 4 tiếng/ngày là quá sức. Trong khi đó, về phòng trọ cũng không được nghỉ ngơi phải chăm con, do đó sức khoẻ không tốt, rất mệt mỏi. “Đôi khi mệt không muốn nấu bát mì để ăn nữa” - anh T tâm sự.

Vòng quay tăng ca đe dọa hạnh phúc gia đình

Chia sẻ trên về cuộc sống của anh T cũng là hoàn cảnh chung cho nhiều gia đình công nhân đang sinh sống và làm việc tại Đồng Nai. Việc tăng ca quá nhiều khiến hạnh phúc gia đình của nhiều công nhân bị ảnh hưởng. Anh T.K.H (30 tuổi, quê Nghệ An) phụ trách kỹ thuật cho một Cty gỗ ở TP. Biên Hòa, Đồng Nai tâm sự: Tăng ca, ảnh hưởng lớn nhất đối với em là mối quan hệ vợ chồng.

Do áp lực từ công việc làm thêm giờ nhiều, công nhân làm nhiều hàng hư, khiến người quản lý như em cũng rất mệt, bởi em phải kiểm hàng nhiều, bị sếp la mắng, cảm giác rất căng thẳng. Về nhà thì phải đón con, chăm cho con. Đến khi vợ làm về thì mệt mỏi, cả hai đều im lặng chẳng ai nói với nhau câu nào. “Vừa rồi, bọn em vừa cãi nhau rồi giận nhau, vợ em nói em lúc nào cũng cau có, khó chịu, rồi cãi nhau” - anh H nói.

Những rạn nứt gia đình xảy ra hay sức khỏe bị ảnh hưởng, con cái bị ốm đau khi bố mẹ đi tăng ca là những điều mà mỗi công nhân đều thấy được, “sờ” được, nhưng họ vẫn phải lao vào vòng xoáy tăng ca triền miên. Họ chia sẻ, với mức lương cơ bản quá thấp thì việc tăng ca là tất yếu để trang trải cuộc sống gia đình.

Chị L.N.T (23 tuổi, quê Cà Mau), đã làm công nhân ở Đồng Nai được 8 năm cho một Cty mây tre đan của Việt Nam và đã có gia đình gồm 2 con nhỏ (1 tuổi và 2 tuổi). Chị T phải gửi cháu nhỏ về nhờ ông bà ngoại nuôi dưỡng, hai vợ chồng chỉ nuôi cháu lớn nhưng khi đi làm phải gửi con cho nhà trẻ tư nhân chăm sóc.

Chị T nói: “Hiện nay vợ chồng em không tăng ca, thu nhập chỉ khoảng 9 triệu đồng/tháng, không đủ để chi tiêu trong gia đình. Vì vậy trong thời gian từ tháng 6 hằng năm trở đi là thời gian Cty có nhu cầu tăng ca hai vợ chồng phải cố gắng tăng ca thêm mỗi ngày 4 tiếng để kiếm thêm thu nhập. Nếu tăng ca đầy đủ mỗi tháng em có thể kiếm thêm được 2 triệu đồng. Số tiền hai vợ chồng cộng lại được khoảng 12 triệu đồng có thể dư được một chút để tiết kiệm.

Kết lại, chị T cũng như anh T đều cho rằng: Nhu cầu, nguyện vọng của NLĐ là muốn tăng mức lương cơ bản, thì NLĐ sẽ ít muốn tăng ca hơn. Mức lương hiện nay quá thấp so với chi phí cuộc sống, buộc NLĐ phải tăng ca nhiều. Nếu mức lương tối thiểu có thể đáp ứng được các chi tiêu cơ bản thì cuộc sống của họ sẽ đỡ vất vả, đảm bảo được sức khoẻ và có nhiều thời gian chăm sóc gia đình.

Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) mới đây đã khảo sát về vấn đề làm thêm giờ của công nhân tại các tỉnh Đồng Nai, TPHCM… Theo khảo sát này, nhiều công nhân cho biết nếu được tăng lương tối thiểu, họ vẫn sẽ tăng ca để có thêm thu nhập. Tuy nhiên, giờ tăng ca phải giảm bớt để dành nhiều thời gian hơn chăm lo tới cuộc sống gia đình, nuôi dạy con cái và chăm lo sức khỏe của bản thân.

Theo Báo Lao động