Quảng Trị: Hơn 4.000 người đi XKLĐ, gửi về gia đình khoảng 720 tỉ đồng/năm

(Dân trí) - Theo lãnh đạo ngành LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Trị, hiện địa phương này có khoảng 4.000 người đi xuất khẩu lao động, với mức thu nhập trung bình mỗi người từ 25-30 triệu đồng/tháng. Ước tính mỗi năm, tổng số lao động trên gửi về gia đình khoảng 720 tỷ đồng.

Ngày 7/12, HĐND tỉnh Quảng Trị tiếp tục kỳ họp thứ 9, nhiệm kỳ 2016-2021. Ông Phan Văn Linh - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh, trả lời câu hỏi của đại biểu về các vấn đề ngành phụ trách.

Ông Phan Văn Linh cho biết, thời gian qua, công tác an sinh xã hội trên địa bàn được chú trọng. Trong đó, vấn đề giải quyết việc làm mới cho lao động đạt trên 11.000 lao động.

Bên cạnh đó, tỉnh đã tuyển sinh và đào tạo nghề cho 12.050 lao động, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề là 54,5%. Phấn đấu đến 2020, tỉnh đặt mục tiêu nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề lên 65-70%.

Chú trọng đào tạo nghề cho lao động.
Chú trọng đào tạo nghề cho lao động.

Công tác giảm nghèo đã được thực hiện tích cực, dự kiến 2018 giảm 1,75%. Về vấn đề giải quyết việc làm, ngành đã chú trọng xuất khẩu lao động, trước đây chỉ có 250-300 lao động xuất khẩu sang nước ngoài.

Tuy nhiên, năm 2017 đã tăng lên hơn 1.500 lao động xuất khẩu, đi Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan. Năm 2018, con số này là 1.550 lao động xuất khẩu.

Hai địa phương có số lượng lao động xuất khẩu nhiều nhất là huyện Triệu Phong và Gio Linh.

Theo thống kê, hiện tỉnh Quảng Trị có khoảng 4.000 lao động làm việc tại nước ngoài. Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Trị cho hay, mỗi lao động đi làm việc tại Hàn Quốc, Nhật Bản mức lương trung bình 25-30 triệu đồng/tháng.

Theo ông Linh, số lao động trên ngoài việc trang trải các khoản chi tiêu, thì số tiền gửi về cho gia đình khoảng 15 triệu đồng/tháng. Như vậy, với khoảng 4.000 lao động đang làm việc tại nước ngoài thì số tiền gửi về cho các gia đình khoảng 60 tỷ đồng/tháng, mỗi năm khoảng 720 tỷ đồng. Số tiền trên góp phần ổn định cuộc sống, tăng nguồn thu nhập cho người dân.

Người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Trị cho hay, về công tác đào tạo nghề, trong 2 năm gần đây ngành đã chỉ đạo các địa phương gắn với doanh nghiệp, phối hợp với doanh nghiệp trong công tác đào tạo nghề, tuyển dụng lao động, sát hạch và sử dụng lao động sau đào tạo. Đặc biệt là các DN sử dụng nhiều lao động. Trong năm qua, có 800 lao động tại các cơ sở may đã phối hợp với Trung tâm đào tạo nghề, trên cơ sở đó vừa đào tạo nghề vừa tuyển dụng lao động cho DN.

Đ. Đức