1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Quảng Ngãi: Tỷ lệ lao động nữ mất việc vì Covid-19 cao hơn nam giới

Quốc Triều

(Dân trí) - Do ảnh hưởng của Covid-19, các doanh nghiệp tại Quảng Ngãi đồng loạt cắt giảm nhân sự. Điều này khiến số lao động thất nghiệp tăng cao, trong đó lao động nữ bị mất việc nhiều hơn nam giới.

Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Ngãi, tính từ năm 2020 đến nay, tại Quảng Ngãi có khoảng 10.000 hồ sơ đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp. Riêng năm 2020 có trên 7.300 hồ sơ.

Số lao động mất việc làm tập trung tại các doanh nghiệp có sử dụng số lượng lớn lao động với các ngành nghề phổ thông. Đáng lưu ý là, tỷ lệ mất việc làm ở lao động nữ cao hơn so với nam giới.

Đơn cử như trong năm 2020, trong số hơn 7.300 người nộp hồ sơ xin hưởng trợ cấp thất nghiệp thì có đến 4.332 người là nữ, chiếm trên 59%. Trong đó có khoảng 1.000 lao động ở độ tuổi trung niên.

Quảng Ngãi: Tỷ lệ lao động nữ mất việc vì Covid-19 cao hơn nam giới - 1

Nhiều lao động nữ tham gia các phiên giao dịch việc làm do Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Ngãi tổ chức.

Nguyên nhân của tình trạng này, một phần là do các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ như may mặc, giày da…, phải cắt giảm lao động. 

Nhiều lao động nữ lớn tuổi luôn canh cánh nỗi lo. Nếu chẳng may mất việc, họ sẽ khó có cơ hội tìm kiếm việc làm mới.

Theo ông Đỗ Tiến Tân, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Quảng Ngãi, phần lớn doanh nghiệp đều ưu tiên tuyển dụng, giữ lao động có năng suất lao động cao hơn. Đó là cũng là một nguyên nhân khiến tỷ lệ thất nghiệp ở lao động nữ, nhất là những trường hợp lớn tuổi.

Để giải quyết thực trạng lao động mất việc làm, Trung tâm đã đẩy mạnh việc kết nối người lao động với doanh nghiệp, đặc biệt quan tâm đến lao động nữ. Tuy nhiên, số lao động nữ mất việc làm do ảnh hưởng của dịch bệnh vẫn còn khá cao.

Hiện nay, các cơ quan chức năng vẫn chưa thể can thiệp trực tiếp vào việc tuyển dụng hoặc chấm dứt hợp đồng lao động.

Do đó, bản thân lao động nữ cần nâng cao tay nghề, tích lũy kinh nghiệm, nâng cao ý thức, tác phong công nghiệp trong lao động sản xuất để có nhiều cơ hội nghề nghiệp hơn.

Bên cạnh đó, lao động nói chung và lao động nữ nói riêng cũng nên học thêm một số ngành nghề dịch vụ, nghề truyền thống... để khi chẳng may mất việc vẫn có thể tìm kiếm được những cơ hội mới.