Quảng Nam: Vươn lên thoát nghèo nhờ Tổ hợp tác trồng cây ăn quả
(Dân trí) - Không chỉ làm giàu cho bản thân, lão nông Nguyễn Thành Hạt (SN 1966) còn vận động nhiều hộ dân trong thôn lập Tổ hợp tác trồng cây ăn quả, cùng vươn lên thoát nghèo trên chính mảnh đất quê hương.
Từ năm 2004, nhiều hộ gia đình ở thôn Thái Chấn Sơn (xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc, Quảng Nam) bắt đầu chuyển đổi mô hình từ trồng lúa sang trồng cây ăn quả với các loại cam Vinh, vú sữa, mít Thái, trụ lông, bưởi da xanh.
Vươn lên thoát nghèo từ vườn cây ăn quả
Nhiều người dân ở Thái Chấn Sơn cho biết, cải tạo vườn tạp trồng cây ăn quả đã giúp họ nhanh chóng đổi đời, có thu nhập cao với bình quân mỗi ha cho lãi ròng 150-200 triệu đồng/năm, đặc biệt với cây mít Thái cho tới 300 triệu đồng/năm.
Vườn cây ăn quả của ông Nguyễn Thành Hạt (thôn Thái Chấn Sơn, xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc) được xem là một trong những “hạt nhân” để người dân học tập làm theo.
Hàng năm, thu nhập bình quân từ mô hình trồng cây ăn quả của gia đình gần 300 triệu đồng. Mô hình còn giúp tạo việc làm cho 6 lao động, trong đó có 2 lao động thường xuyên với mức thu nhập từ 3-5 triệu đồng/tháng.
Theo ông Hạt, trước đây gia đình sống dựa vào mấy sào ruộng, chăn nuôi nhỏ lẻ nên đời sống gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là khi 2 đứa con đang tuổi ăn tuổi học.
Khi con vào đại học, kinh tế gia đình càng bức bối. Vậy là vợ chồng ông cố tìm kiếm mô hình vốn đầu tư ít mà thu nhập ổn định để thoát nghèo khó.
Qua học hỏi kinh nghiệm về mô hình trồng cây ăn quả trong miền Nam cùng với việc tham gia các lớp tập huấn do Liên minh HTX tỉnh tổ chức, ông Hạt đã mạnh dạn cải tạo vườn tạp để trồng các loại cây ăn quả như mít, cam, saboche, vú sữa.
Hiện vườn cây ăn quả của vợ chồng ông Hạt có tổng diện tích 5.500m2 trồng hơn 200 cây mít, 50 cây sapoche, 50 cây vú sữa Lò Rèn, cam Vinh khoảng 100 gốc… mang về thu nhập ổn định.
“Lúc đầu trồng cây cũng lắm nhiêu khê, tôi nhiều lần thất bại vì lũ lụt, cây đang sai quả thì bị úng nước rụng gần hết, rồi việc bón phân không đúng kỹ thuật khiến cây thối rễ… Nhưng với quyết tâm thoát nghèo, nuôi con ăn học thành tài, vợ chồng tôi cố gắng tìm hiểu kỹ thuật, học hỏi kinh nghiệm, chọn lọc giống… dần dần rồi cũng gây dựng cơ ngơi như hiện nay”, ông Nguyễn Thành Hạt chia sẻ.
Mít ở vườn ông Hạt có 2 loại là giống mít Viên Linh và mít Thái siêu sớm. Ông Hạt cho biết thêm, mít là giống cây dễ trồng cho năng suất và thu nhập ổn định.
Đối với giống mít Viên Linh, từ khi trồng đến năm thứ 3 thì cây cho quả và có thể thu hoạch, còn đối với giống mít Thái siêu sớm thì sau 20 tháng cây đã cho quả, mỗi năm có thể thu hoạch được 2 vụ. Mỗi năm gia đình có thể thu về từ 6-7 tấn mít.
Giúp bà con cùng nhau thoát nghèo
Từ thành công trong việc trồng cây ăn quả, ông Hạt đã nhiệt tình vận động, hướng dẫn, truyền đạt kinh nghiệm cho bà con trong thôn Thái Chấn Sơn phát triển mô hình kinh tế vườn từ trồng cây ăn quả, khuyến khích nhiều người trong xã chuyển đổi trồng cây hoa màu sang cây ăn quả để có thu nhập cao hơn.
“Trồng cây ăn quả cho thu nhập gấp 3 lần so với trồng lúa, hơn nữa đất pha ở đây rất thích hợp với các loại cây có múi, để đa dạng hàng hóa tôi học hỏi thêm kinh nghiệm để trồng thêm nhiều giống cây được thị trường ưa chuộng”, ông Hạt cho biết.
Vợ chồng ông Hạt giống như người tiên phong. Được giống nào tốt, phù hợp thổ nhưỡng khí hậu địa phương thì hai vợ chồng lại bàn nhau mang đi phổ biến cho bà con.
Ngoài ra, ông còn là người vận động thành lập Tổ hợp tác trồng cây ăn quả Thái Sơn gồm 7 thành viên, với diện tích hơn 10ha. Đây là một trong những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân góp phần nâng cao chất lượng và năng suất trái cây tại địa phương.
“Việc trồng cây ăn quả mang tính tự phát và quy mô nhỏ lẻ sẽ không mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tôi đã vận động một nhóm hộ có chung sở thích chủ động cải tạo diện tích vườn để trồng cây ăn quả, từ đó đem lại hiệu quả kinh tế cao nhờ vào việc cùng chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, tăng năng suất lao động, ổn định được đầu ra sản phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch”, ông Nguyễn Thành Hạt nói.
Ông Hà Xuân Minh - Chủ tịch UBND xã Đại Hưng (huyện Đại Lộc, Quảng Nam) cho biết, địa phương đã và đang tích cực vận động người dân nỗ lực cải tạo vườn tạp trồng cây ăn quả, tiếp tục nhân rộng diện tích, xây dựng chuỗi giá trị, tạo sản phẩm OCOP của địa phương phục vụ du khách xa gần.
Dù có tiềm năng rất lớn, nhưng do địa bàn xa xôi, các thủ tục pháp lý còn rườm rà, nên việc thu hút đầu tư vào khu du lịch suối nước nóng Thái Sơn vẫn chưa hiệu quả như mong đợi.
Công Bính - Ngô Linh