Quảng Nam: Khó đạt mục tiêu đưa 1.800 lao động làm việc ở nước ngoài
(Dân trí) - Tỉnh Quảng Nam đề ra mục tiêu đưa 1.800 lao động đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2020. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đang khiến mục tiêu trên gặp nhiều khó khăn.
UBND tỉnh Quảng Nam vừa tổ chức Hội nghị tổng kết công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2019 và triển khai nhiệm vụ, giải pháp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong năm 2020.
Theo báo cáo, trong năm 2019, tỉnh Quảng Nam có 1.525 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 101,6% kế hoạch (trong đó thị trường Nhật Bản có 1.325 người, thị trường Hàn Quốc có 61 người, các thị trường khác có 139 người).
Với mức thu nhập từ 20-30 triệu đồng/người/tháng, tổng thu thập của số lao động nêu trên sau khi tiết kiệm gửi về nước khoảng 650 tỷ đồng/năm.
Cùng với mức thu nhập cao, ổn định, người lao động đi làm việc ở nước ngoài, nhất là các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, người lao động có cơ hội nâng cao kiến thức, kỹ năng, tay nghề, ngoại ngữ, kinh nghiệm, tác phong công nghiệp.
Sau khi về nước, các lao động này có thể tham gia vào lực lượng lao động chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Theo báo cáo, phần lớn lao động tỉnh Quảng Nam đi làm việc ở nước ngoài đều tuân thủ pháp luật của nước sở tại, có thu nhập ổn định. Các địa phương như Quế Sơn, Thăng Bình, Đại Lộc, Tiên Phước, Phú Ninh, Hiệp Đức, Núi Thành... có số lượng lao động tham gia đi làm việc ở nước ngoài cao.
Các huyện nghèo như Nam Trà My, Tây Giang đã có những chuyển biến tích cực trong công tác đưa người lao động đi làm việc ở các thị trường mới, như Ả rập Xê út, Rumani.
Mục tiêu trong năm 2020, tỉnh Quảng Nam đưa 1.800 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Trong đó tập trung các thị trường có thu nhập cao, ổn định như Nhật Bản, Hàn Quốc... chú ý đến các thị trường mới phù hợp với yêu cầu về trình độ chuyên môn của người lao động tỉnh Quảng Nam.
Ông Huỳnh Tấn Triều - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Quảng Nam - cho hay, công tác xuất khẩu lao động trong năm 2020 còn nhiều khó khăn, nhiều vướng mắc phát sinh chưa được tháo gỡ kịp thời nên làm ảnh hưởng đến việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Tuy nhiên, những tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên đến hết tháng 5/2020, toàn tỉnh chỉ có 244 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 13,5% kế hoạch năm. Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân cho 42 lao động vay vốn với số tiền hơn 3,6 tỷ đồng.
Ngoài ra, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng chưa phối hợp tốt với các địa phương để tổ chức các hoạt động tư vấn, tuyển chọn lao động.
Doanh nghiệp cũng chưa có chính sách hỗ trợ để khuyến khích, thu hút người lao động. Việc cung cấp thông tin từ doanh nghiệp cũng chưa đầy đủ, rõ ràng. Mức thu phí cao nên kết quả tuyển chọn lao động đạt rất thấp.
Tại hội nghị, ông Trần Văn Tân - Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam cho biết, chủ trương đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong thời gian qua là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với thực tiễn cuộc sống đang đặt ra, góp phần giảm nghèo hiệu quả.
Ông Tân cũng cho rằng, công tác thông tin tuyên truyền còn hạn chế, người lao động còn băn khoăn, chưa mạnh dạn. Công tác đào tạo nâng cao tay nghề, ngoại ngữ thiếu đồng bộ, chưa chặt chẽ.
Trong khi đó, có nhiều lao động có nhu cầu, nguyện vọng đi làm việc ở nước ngoài nhưng còn tâm lý e ngại, không tự tin, không muốn xa gia đình, không xác định được động cơ rõ ràng nên không tham gia đi làm việc ở nước ngoài.
Một số doanh nghiệp có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài chưa phối hợp tốt với các địa phương để tổ chức các hoạt động tư vấn, tuyển chọn lao động nên hiệu quả, số lượng lao động tham gia còn thấp.
Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh, từ cuối năm 2019, đầu năm 2020, tình hình dịch Covid-19 hoành hành đã ảnh hưởng đến đời sống kinh tế của cả thế giới, làm đứt gãy chuỗi sản xuất trên toàn cầu…
"Do đó, việc đưa người đi lao động nước ngoài theo hợp đồng trong năm 2020 cũng bị ảnh hưởng rất lớn. Thời gian còn lại của năm 2020, cả tỉnh phải thực hiện mục tiêu kép là kiểm soát tốt dịch bệnh nhưng phải thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Vì thế, các giải pháp phải được thực hiện bằng quyết tâm cao nhất của cả hệ thống chính trị", ông Tân nói.
Công Bính