1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Thanh Hóa:

Cần bỏ những bất cập của luật người Việt đi làm việc nước ngoài

(Dân trí) - Ông Bùi Sỹ Lợi- Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội nhấn mạnh, Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hơp đồng cần sửa đổi để phù hợp với thực tế hiện nay.

Sáng ngày 5/6, chương trình Hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) được diễn ra tại Thanh Hóa.

Ông Bùi Sỹ Lợi phát biểu tại hội thảo

Cần đồng bộ 

Tại hội thảo, đa số ý kiến tham luận của các đại biểu đều nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).

Đồng thời, các đại biểu đã đưa ra một số đề xuất về việc đồng bộ hệ thống pháp luật trong nước tương thích với chuẩn mực quốc tế về bảo vệ người lao động di trú, các thỏa thuận hợp tác lao động với các quốc gia.

Cần bỏ những bất cập của luật người Việt đi làm việc nước ngoài - 1

Ông Bùi Sỹ Lợi- Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội nhấn mạnh, chính sách của Nhà nước phải hướng đến NLĐ.

Ngoài ra, các đại biểu cũng nêu lên sự cần thiết phải có cơ chế, chính sách hỗ trợ thông tin thị trường lao động vừa tìm kiếm việc làm cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài về nước, vừa tạo nguồn lao động có chất lượng cho các đơn vị sử dụng lao động trong nước.

Đại diện Tổ chức lao động quốc tế (ILO) nêu ý kiến, theo tiêu chuẩn quốc tế, hoạt động tuyển dụng tại các đơn vị sự nghiệp công lập không nên thu phí người lao động; Luật cần đưa quy định như thế nào là quyền hợp pháp, quyền tham gia công đoàn. Ngoài ra, cần có những điều luật bảo vệ cho lao động di cư.

Phó GS,TS Lê Thị Hoài Thu, Khoa Luật, Trường ĐH Quốc Gia Hà Nội thì nêu quan điểm: “Cần phải đồng bộ hệ thống pháp luật trong nước tương thích với chuẩn mực quốc tế về bảo vệ người lao động; tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật theo hướng phân cấp và quy định cụ thể trách nhiệm của các địa phương trong quản lý hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, trách nhiệm của Hội liên hiệp phụ nữ; có chính sách hỗ trợ người nghèo…."

Loại bỏ hạn chế, bất cập 

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh cho biết, Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng sau khi đi vào hoạt động.

Ngoài những thành tựu đạt được thì đã có một số điều đã không còn phù hợp, không đáp ứng được điều kiện phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam trong giai đoạn mới.

Bên cạnh đó, nhiều điều không tương thích với luật và một số chính sách mới ở Việt Nam cũng như quốc tế.

Cần bỏ những bất cập của luật người Việt đi làm việc nước ngoài - 2

Ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH.

Ông Đặng Như Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội, nêu ý kiến: “Dự án luật phải khắc phục và hạn chế cơ bản các bất cập, hạn chế, tồn tại sau gần 14 năm thực hiện".

Theo ông Lợi, Dự thảo sửa đổi cần phải bỏ quy định hình thức XKLĐ thông qua doanh nghiệp trúng thầu, nhận thầu hoặc tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài trong luật để quy định bằng văn bản dưới luật. Dự thảo phải cụ thể và thể chế hóa các quy định để giảm tối đa trong các văn bản dưới luật, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai thực hiện.

Kết luận hội thảo, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, nhấn mạnh:  “Chính sách của Nhà nước phải hướng đến người lao động, việc sửa đổi Luật 72 là cần thiết, nhằm bảo vệ tốt hơn người lao động làm việc ở nước ngoài; bảo đảm phù hợp quan điểm, đường lối của Đảng về vấn đề việc làm ngoài nước đối với công dân Việt Nam, phù hợp với xu thế dịch chuyển lao động quốc tế; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của pháp luật”.

Bình Minh