Quảng Nam: Đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững ở khu vực đồng bằng

Công Bính

(Dân trí) - Chiều 25/9, tại Quảng Nam, Sở LĐ-TB&XH Quảng Nam đã tổ chức hội thảo “Giải pháp đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững ở khu vực đồng bằng tỉnh Quảng Nam”.

Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH Quảng Nam, theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2020, đầu năm 2016 khu vực đồng bằng tỉnh Quảng Nam có gần 20.000 hộ nghèo (tỉ lệ 6,15%) và gần 18.500 hộ cận nghèo (tỉ lệ 5,71%).

Trong 92 xã nghèo đặc biệt khó khăn trên toàn tỉnh, khu vực đồng bằng tỉnh Quảng Nam có 5 xã, tỉ lệ hộ nghèo bình quân 25,44%, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo có 18 xã, tỉ lệ 10,58%.

Bà Lưu Thị Bích Ngọc - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Quảng Nam -  cho biết, về cơ bản điều kiện kinh tế - xã hội của khu vực đồng bằng thuận lợi hơn nhiều so với khu vực miền núi; điều kiện tổ chức sản xuất, cơ hội việc làm và thu nhập người dân, cơ hội tiếp cận các dịch vụ cơ bản tốt hơn.

Quảng Nam: Đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững ở khu vực đồng bằng - 1

Hội thảo “Giải pháp đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững ở khu vực đồng bằng tỉnh Quảng Nam” chiều 25/9

Xác định giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta; là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội nhằm hỗ trợ, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo, góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng, các dân tộc.

Từ năm 2016 đến nay, cùng với cả nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Nam đã tập trung triển khai, phối hợp tổ chức thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững.

Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết với các cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ quyết liệt để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh, trong đó có khu vực đồng bằng.

Quảng Nam: Đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững ở khu vực đồng bằng - 2

Với nhiều chính sách từ nhà nước hỗ trợ, người dân ở các bãi ngang ven biển, xã đảo đời sống của hàng ngàn hộ dân đã thay đổi. Trong ảnh: Một góc đảo Cù Lao Chàm, xã đảo Tân Hiệp, TP Hội An

Trong giai đoạn 2016-2020, tổng kinh phí huy động tham gia thực hiện các chương trình, chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội khu vực đồng bằng của tỉnh khoảng 4.206 tỉ đồng. Riêng chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững ngân sách bố trí cho khu vực đồng bằng 107 tỉ đồng.

Bà Lưu Thị Bích Ngọc - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Quảng Nam - cho hay, thông qua đầu tư phát triển kinh tế xã hội, tác động từ các chương trình, dự án… đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, người nghèo đã được cải thiện rõ rệt, nhất là các dịch vụ cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, tiếp cận thông tin…

Đến cuối năm 2019, tỉ lệ hộ nghèo khu vực đồng bằng tỉnh Quảng Nam giảm từ 6,15% xuống còn 2,42%, bình quân giảm 0,93%/năm. Số xã nghèo ở vùng đồng bằng giảm còn 4 xã, số xã nghèo bãi ngang ven biển và hải đảo giảm từ 19 xã năm 2016 xuống còn 8 xã vào cuối năm 2019. Dự kiến đến cuối năm 2020, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam không còn xã nghèo vùng bãi ngang ven biển và hải đảo.

Bà Lưu Thị Bích Ngọc - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Quảng Nam cho rằng, mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng công tác giảm nghèo của tỉnh nói chung vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, đó là đời sống một bộ phận người dân ở khu vực nông thôn còn nhiều khó khăn, việc làm và thu nhập không ổn định…

“Tỉ lệ hộ nghèo ở khu vực đồng bằng hiện nay còn 2,42%, trong đó hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội là chủ yếu, một số hộ nghèo tuy đã thoát nghèo nhưng việc làm thiếu ổn định, mức thu nhập nằm sát với chuẩn cận nghèo, tình trạng tái nghèo và phát sinh nghèo mới vẫn còn xảy ra do nhiều nguyên nhân…”, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Quảng Nam phát biểu.