Quảng Nam: Đẩy mạnh giải pháp giảm nghèo bền vững cho đồng bào miền núi

Công Bính

(Dân trí) - Giai đoạn 2016-2020, tỉnh Quảng Nam đã đầu tư gần 7.500 tỉ đồng cho công tác giảm nghèo ở các huyện miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; giảm số hộ nghèo từ hơn 40% xuống còn hơn 20%.

Chiều 24/9, Sở LĐ-TB&XH Quảng Nam đã tổ chức hội thảo một số giải pháp giảm nghèo bền vững trên địa bàn 9 huyện miền núi tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2016-2020 và định hướng giai đoạn 2021-2025.

Quảng Nam: Đẩy mạnh giải pháp giảm nghèo bền vững cho đồng bào miền núi - 1

Hội thảo một số giải pháp giảm nghèo bền vững trên địa bàn 9 huyện miền núi tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2016-2020 do Sở LĐ-TB&XH tổ chức chiều 24/9

Theo bà Lưu Thị Bích Ngọc - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Quảng Nam, từ năm 2016 đến nay, cả tỉnh Quảng Nam đã tập trung triển khai, phối hợp tổ chức thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững và đã tập trung ưu tiên mọi nguồn lực cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết với các cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ quyết liệt để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo bền vững cho địa bàn miền núi, của tỉnh.

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Quảng Nam cho biết, trong giai đoạn 2016-2020, tổng kinh phí huy động tham gia thực hiện các chương trình, chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội toàn tỉnh đạt hơn 11.700 tỉ đồng; trong đó khu vực miền núi gần 7.500 tỉ đồng.

Quảng Nam: Đẩy mạnh giải pháp giảm nghèo bền vững cho đồng bào miền núi - 2

Làng mới ở huyện miền núi Tây Giang. Với sự đầu tư của Nhà nước, đồng bào Cơtu được định canh định cư

Riêng chương tình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững ngân sách bố trí hơn 1.700 tỉ đồng, trong đó khu vực miền núi hơn 1.600 tỉ đồng, chiếm trên 92% tổng kinh phí ngân sách phân bổ thực hiện.

Thông qua việc đầu tư này, đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số miền núi đã được cải thiện đáng kể; nhất là về y tế, giáo dục, nhà ở và tiếp cận thông tin. Nhiều công tình hạ tầng tại các huyện nghèo, xã nghèo, thôn nghèo đặc biệt khó khăn đã được đầu tư xây dựng.

Các công trình trường học, trạm y tế đáp ứng nhu cầu học tập, khám chữa bệnh cho nhân dân được hình thành, nhờ đó thúc đẩy kinh tế - xã hội, làm thay đổi cuộc sống của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi của tỉnh.

Theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2020, đầu năm 2016, khu vực miền núi tỉnh Quảng Nam có gần 32 ngàn hộ nghèo (tỉ lệ 40,85%) và gần 6.500 hộ cận nghèo (tỉ lệ 6,21%).

Cuộc sống của người dân từng bước được cải thiện, khoảng cách giữa miền núi và đồng bằng được thu hẹp… Do đó, tỉ lệ hộ nghèo trên toàn tỉnh đến cuối năm 2019 còn hơn 6%; trong đó khu vực miền núi tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 20,85% (bình quân giảm 5%/năm).

Số xã nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh giảm từ 84 xã xuống còn 63 xã, giảm 21 xã so với cuối năm 2015.

Tuy nhiên, lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Quảng Nam cũng cho rằng, công tác giảm nghèo nói chung ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng mặc dù đã đạt được kết quả tích cực nhưng vẫn còn nhiều thách thức, khó khăn.

Tỉ lệ hộ nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiện vẫn còn khá cao 20,85%/17.449 hộ nghèo, trong đó hộ dân tộc thiểu số có 14.116 hộ, chủ yếu tập trung ở 6 huyện nghèo của tỉnh.

“Để giải quyết thực trạng nêu trên, tiếp tục phát huy thành tựu giảm nghèo thời gian qua, tạo sự chuyển biến căn bản và đề ra được định hướng, giải pháp giảm nghèo bền vững ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là định hướng, giải pháp về cơ chế, chính sách và giải pháp thực hiện…”, bà Lưu Thị Bích Ngọc - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Quảng Nam nói.

Toàn tỉnh có 84 xã nghèo đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, điều kiện kinh tế - xã hội rất khó khăn, cơ sở hạ tầng còn thiếu và yếu cần được đầu tư đồng bộ, tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, việc làm…