Hơn 52.688 lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách được vay vốn giảm nghèo

Hoàng Lam

(Dân trí) - Chương trình giảm nghèo tại Nghệ An đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển KTXH, an ninh quốc phòng của tỉnh. Nhờ vậy, điều kiện sống của người nghèo được cải thiện rõ rệt.

Hơn 52.688 lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách được vay vốn giảm nghèo - 1

Trong 9 tháng đầu năm, có hơn 52.600 lượt hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo tại Nghệ An được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng CSXH để phát triển kinh tế.

Theo báo cáo của Ban tổ chức thực hiện các Chương trình giảm nghèo bền vững tỉnh Nghệ An, trong 9 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh có 52.688 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ Ngân hàng CSXH; có 28.706 lượt hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo được vay vốn phát triển sản xuất.

Trong thời gian này, các cơ quan, doanh nghiệp thu hút tạo việc làm cho 2.115 lao động thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo; 170 lao động được đi XKLĐ cùng với đó là hơn 3.000 lao động thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo được đào tạo nghề.

Đến hết quý 3/2020, tỉnh Nghệ An đã triển khai được 34 dự án giảm nghèo, thu hút hơn 17.500 hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo tham gia. Đến nay, các dự án giảm nghèo trên địa bàn tỉnh đã thực hiện được từ 65-100% khối lượng công việc.

Chương trình giảm nghèo đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng của tỉnh; tác động trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của nhân dân, cơ sở hạ tầng được tăng cường, bộ mặt nông thôn khởi sắc, đời sống văn hóa tinh thần được nâng lên.

Điều kiện sống của người nghèo được cải thiện rõ rệt. Một số nhu cầu thiết yếu về nhà ở, nước sạch, giáo dục, việc làm... đã được đáp ứng giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận tốt hơn các chính sách, nguồn lực hỗ trợ của nhà nước và của cộng đồng.

Hơn 52.688 lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách được vay vốn giảm nghèo - 2
Mô hình thoát nghèo từ cây cam bù của hộ dân xã biên giới Thông Thụ (Quế Phong, Nghệ An).

Công tác giảm nghèo bền vững đã đạt được nhiều kết quả khả quan, tuy nhiên, theo đánh giá của Ban tổ chức thực hiện các Chương trình giảm nghèo bền vững vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Tỉ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm giảm đạt so với mục tiêu đề ra nhưng giảm nghèo chưa thực sự bền vững, vẫn còn hộ tái nghèo và hộ nghèo phát sinh mới.

Hiện nay, toàn tỉnh còn 1.340 hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách, người có công với cách mạng. Hộ nghèo, cận nghèo tập trung nhiều ở các vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng ven biển, nơi điều kiện kinh tế - xã hội còn rất khó khăn.

Một bộ phận người nghèo, chính quyền địa phương còn có tư tưởng không muốn thoát nghèo để hưởng chính sách của nhà nước.

Đặc biệt, việc phân loại nguyên nhân nghèo ở một số địa phương chưa thực sự được quan tâm, từ đó việc xây dựng kế hoạch giảm nghèo chưa sát thực tế nên các giải pháp giảm nghèo chưa được thực hiện một cách đồng bộ.

Hơn 52.688 lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách được vay vốn giảm nghèo - 3
Chương trình hỗ trợ người dân thoát nghèo tại Nghệ An nhận được sự chung tay từ các tổ chức, đơn vị.

Phần lớn hộ nghèo đông con, thiếu vốn sản xuất và kinh doanh, thiếu việc làm, trong gia đình có người mắc tệ nạn xã hội nghiện ma túy, nghiện rượu, cờ bạc, mại dâm, một số ít lười lao động.

Tỉnh Nghệ An đang tập trung các nguồn lực để thực hiện mục tiêu giảm số hộ nghèo xuống còn 3% vào cuối năm nay và phấn đấu năm 2021, địa phương không có hộ nghèo quá đói khổ.

Để thực hiện mục tiêu này, ông Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An - cho rằng cần rà soát công tác hỗ trợ và công tác giảm nghèo cũng như các mô hình giảm nghèo 5 năm qua để có những đánh giá về tính hiệu quả cũng như mặt hạn chế để có những điều chỉnh phù hợp.

“Cần rà soát lại các chương trình, dự án xem người nghèo cần gì và hỗ trợ như thế nào để đạt hiệu quả”, ông Bùi Đình Long nhấn mạnh.