Phiên GDVL khách sạn, nhà hàng: Vì sao cung - cầu chưa gặp nhau?

“Phiên GDVL là bức tranh thu nhỏ của thị trường lao động. Trong lĩnh vực khách sạn nhà hàng, xu hướng cầu đang vượt cung về lượng và chất. Nhà tuyển dụng sẵn sàng trả lương hấp dẫn để có lao động tay nghề. Tuy nhiên, câu trả lời vẫn bỏ ngỏ…”.


Nhu cầu nhân lực ngành KS-NH luôn cao

Nhu cầu nhân lực ngành KS-NH luôn cao

Đây là ý kiến của nhiều nhà tuyển dụng tại Phiên GDVL lĩnh vực khách sạn, nhà hàng được Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức ngày 17/11 tại Hà Nội.

Nhà trường nhìn thấy lợi ích của đào tạo gắn với thực hành” Ông Đỗ Minh Ánh, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Nấu ăn và Nghiệp vụ khách sạn Hà Nội:

Mỗi năm nhà trường có hơn 1.000 học sinh ra trường và nhiều người đã có việc làm ở các bếp trưởng, bếp chính, phục vụ bàn…Với những sinh viên thực sự có nhu cầu thì đều có việc làm. Tuy nhiên, nhu cầu còn thiếu rất nhiều, đặc biệt là vị trí bếp được đào tạo bài bản.

Học viên ngành bếp có thể nhận lương khởi điểm 4.500.000 đồng/tháng. Nếu tới vị trí bếp trưởng thì có thể tới hàng chục triệu đồng/tháng, nếu làm việc tại các khách sạn cao cấp. Tuy nhiên, thực tế nhiều bạn trẻ lại có tâm lý chọn nghề “oách”, nhưng tốt nghiệp ĐH ra vẫn thất nghiệp.

Nghề bếp có một lộ trình nghề nghiệp đáng tự hào. Thông qua báo chí và các chương trình gameshow, nghề bếp được vinh danh và được nhiều người nhìn nhận lại giá trị. Đặc thù nghề bếp đồi hỏi ứng viên có sức khỏe, yêu nghề và đam mê, sáng tạo.

Vấn đề lớn nhất của nhà trường là việc tăng cường liên kết trường nghề và doanh nghiệp. Thị trường hay quan tâm tới học sinh phải đáp ứng được ngay công việc theo kiểu mì ăn liền. Nhưng nhà trường lại đào tạo bài bản và nhiều môn chuyên ngành về lý thuyết và thực hành.

Tôi vẫn nói với học sinh là nên chú tâm học bài bản thì mới có thể tiến xa hơn trong công việc. Còn nếu chạy theo những công việc trước mắt có thể tạo thu nhập trước mắt nhưng sẽ không bền về nghề. Mặt khác, nhà trường cũng điều chỉnh bằng cách tăng cường thực hành tới 70 % thực tập ở các nhà hàng, khách sạn trong chương trình.

“Đừng coi thường kỹ năng mềm khi ứng tuyển”. Anh Trần Đức Điệp - Phòng Hành chính nhân sự, Cty TNHH Sĩ Phú:

Công ty cần 25-30 người cho lễ tân, thu ngân, bàn, bếp. Các vị trí từ 3.500.000- 4.000.000 đồng/tháng, làm ca. Về chất lượng nhân sự bếp: cần sự linh hoạt và giao tiếp, chúng tôi sẽ đào tạo để tiếp cận với đặc thù của Cty. Tuy nhiên, chúng tôi rất chú ý tới nền kiến thức của ứng viên khi được học trong nhà trường. Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ phát triển hơn.

Đặc thù công việc làm bếp của Cty: Phân loại rau, hải sản và lựa chọn thực phẩn tươi ngon. Qua tuyển chọn nhiều nhân sự, tôi cho rằng các trường nghề cần tạo điều kiện thực hành cho sinh viên nhiều hơn để họ tiếp cận nhanh với công ty. Chưa kể là chú trọng về kỹ năng mềm, như: giao tiếp khách hàng, làm việc nhóm…

“Ngoại ngữ kém, khả năng thua trên sân nhà”. Ông Nguyễn Trung Tuyến, cán bộ tuyển dụng Khách sạn Grand Plaza.

Qua tuyển dụng, chúng tôi nhận thấy, hầu hết các ứng viên tốt nghiệp các trường nghề đều rất yếu về ngoại ngữ, kiến thức nặng về lý thuyết và rất ít thực hành. Vì vậy, khách sạn đều phải phải đào tạo lại những người được tuyển dụng.

Chúng tôi tuyển dụng những nhân viên làm việc trực tiếp hoặc làm việc khu vực dịch vụ của khách sạn. Điều thất vọng là ngay cả các sinh viên được phỏng vấn, rất nhiều bạn cũng khả tự ti về khả năng ngoại ngữ. Nếu như không muốn nói là gần như bằng không.

Qua đây, tôi xin góp ý với các trường nghề: Cần quan tâm đến vấn đề đào tạo, đặc biệt là về ngoại ngữ. Thêm nữa là nghiệp vụ, học lý thuyết thì phải đi đôi với thực hành. Nhiều bạn tốt nghiệp trường đại học nhưng khi hỏi ra chỉ biết lý thuyết, còn thực tế thì không biết gì.

Hội nhập quốc tế TPP và AEC đang đến cận kề, nếu lao động trong nước không đáp ứng được yêu cầu kỹ năng, ngoại ngữ tất yếu phải nhường cơ hội việc làm cho những lao động đến từ nước khác.

Ngày 17/11, Phiên GDVL đã thu hút sự tham gia của 42 đơn vị, doanh nghiệp trong đó có 24 đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Nhà hàng - Khách sạn với 767 chỉ tiêu tuyển dụng, trong đó chủ yếu là lao động phổ thông và công việc đa dạng như: lao động làm việc thuộc nhà hàng - khách sạn - phục vụ là 144 chỉ tiêu, nhân viên Bếp chính, bếp phụ tại nhà hàng - khách sạn là 87 chỉ tiêu, Kinh doanh - marketing (74 chỉ tiêu)…

 Hoàng Mạnh

TIN LIÊN QUAN:

Gần 1.700 cơ hội việc làm chờ lao động huyện Sóc Sơn

Ngày 14/11/2015, Trung tâm DVVL Hà Nội và Phòng LĐ-TB&XH huyện Sóc Sơn sẽ tổ chức Phiên giao dịch việc làm lưu động tuyển dụng lao động thuộc địa bàn huyện và các vùng lân cận. Phiên GDVL dự kiến có khoảng 1.700 chỉ tiêu học nghề và việc làm.

Phiên GDVL khách sạn, nhà hàng: Vì sao cung - cầu chưa gặp nhau? - 2

Tổng chỉ tiêu tuyển dụng, tuyển sinh của Phiên GDVL có 1.660 chỉ tiêu, trong đó có 1.160 chỉ tiêu tuyển dụng, 500 chỉ tiêu tuyển sinh, thuộc 30 doanh nghiệp, đơn vị đang hoạt động trên địa bàn huyện. Đối tượng tuyển dụng chủ yếu là lao động phổ thông và lao động có trình độ trung cấp, công nhân kỹ thuật như: lái xe, công nhân, vệ sinh tạp vụ, kinh doanh - marketing, xây dựng, kế toán  tài chính. Phiên GDVL thu hút nhiều doanh nghiệp trên địa bàn huyện Sóc Sơn tham gia phiên lần này gồm công ty cổ phần đầu tư dịch vụ vui chơi giải trí thể thao Hà Nội, công ty cổ phần Javta, công ty cổ phần dinh dưỡng Việt Tín…

T.N

Cả nước có 55 trường ĐH - CĐ đào tạo nhân lực ngành CTXH

Theo Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), Đề án Phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010-2020 đang được Bộ GD - ĐT triển khai đào tạo CTXH tại 55 trường CĐ, ĐH trong toàn quốc.

Phiên GDVL khách sạn, nhà hàng: Vì sao cung - cầu chưa gặp nhau? - 3

Trong đó, 3 trường đang đào tạo hệ thạc sĩ, tiến sĩ ngành CTXH. Hệ thống đào tạo này đang tuyển sinh khoảng 3.500 sinh viên/năm. Ngoài ra, hệ thống còn đào tạo nhân sự theo chương trình vừa học vừa làm cho 13.391 người. Về đào tạo ngắn hạn, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với các trường ĐH tổ chức đào tạo 300 giảng viên dạy nghề CTXH cho các trường nghề, trường trung cấp; đào tạo 320 cán bộ quản lý cấp cao tại 2 miền Nam - Bắc; đào tạo 25 giảng viên nguồn CTXH cho các trường đai học ở VN. Giai đoạn 2015-2020, Cục Bảo trợ xã hội đặt mục tiêu đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng trình độ cho 50 % cán bộ, viên chức, nhân viên CTXH tại cấp xã, phường, thị trấn, các cở sở cung cấp dịch vụ CTXH…

H.N

Kiểm định 83 cơ sở dạy nghề giai đoạn năm 2008-2015

Đây là kết quả được công bố tại hội nghị công bố kết quả kiểm định chất lượng dạy nghề, được Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH) tổ chức vừa qua tại Hà Nội. Sau khi tham gia kiểm định, nhiều cơ sở dạy nghề đã nhận thức rõ vị trí, vai trò hoạt động của công tác kiểm định, từ đó công tác dạy nghề ngày càng đạt được hiệu quả thực chất hơn.

Phiên GDVL khách sạn, nhà hàng: Vì sao cung - cầu chưa gặp nhau? - 4

Theo Cục kiểm định chất lượng dạy nghề (Tổng cục Dạy nghề), năm 2014-2015, Công tác kiểm định dựa trên đề nghị của các trường. Cụ thể, năm 2014: 35 trường và năm 2015 chọn 21 trường. Theo kết quả đánh giá của Hội đồng thẩm định, năm 2014-2015 đã công nhận cho 19 trường đạt kiểm định chất lượng dạy nghề ở cấp độ 3 (trong đó 7 trường trung cấp nghề và 12 trường cao đẳng nghề), công nhận cho 7 trường đạt cấp độ 2 (1 trường trung cấp nghề và 6 trường cao đẳng nghề) và 3 trường đạt cấp độ 1 (2 trường trung cấp nghề và 1 trường cao đẳng nghề). Tuy nhiên, thực tế công tác kiểm định chỉ thực hiện được một số trường, còn phần lớn không tiến hành kiểm định do một số lí do khách quan. Được biết, công tác thí điểm kiểm định chất lượng dạy nghề bắt đầu từ năm 2012.

V.Q