1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Ông lão 68 tuổi hát rong, bán vé số mưu sinh ở Sài Gòn

Xuân Hinh Nam Thái

(Dân trí) - Bất kể thời tiết, cứ sáng sớm, ông Yểm lại tới mua vé số rồi rong ruổi đi khắp các ngã 4, hát và bán vé số. Ngày thuận lợi, ông kiếm được 300.000 đồng, khi ế ẩm chỉ được vài chục ngàn đồng mua cơm.

Cụ ông 68 tuổi vừa hát vừa bán vé số giữa ngã 4 mưu sinh

Nỗi cô đơn tuổi xế chiều

Giữa không khí nóng bức của Sài Gòn trong những ngày cuối tháng 5, ông Mai Văn Yểm (68 tuổi, ngụ TPHCM) vẫn cặm cụi hát rong ở ngã tư đường Tú Xương và Bà Huyện Thanh Quan.

Cơ thể gầy còm và đen nhẻm, ông khoác chiếc áo sơ mi rộng thùng thình. Vừa hát, ông vừa chìa xấp vé số trên tay để mong người đi đường mua giúp. Với chất giọng khàn khàn, ông hát khá hay những ca khúc trữ tình có tiết tấu nhẹ nhàng so với độ tuổi gần 70.

Ông khiêm tốn thừa nhận, do lớn tuổi, đôi lúc gặp nốt cao hát cũng không tròn tiếng. Với tính cách lạc quan, hài hước và chất giọng riêng, mọi người thường gọi ông là Chế Long.

Hơn 2 năm nay, người đàn ông 68 tuổi thường đi khắp các ngã 4 trong thành phố vừa hát vừa bán vé số mưu sinh.

Hơn 2 năm nay, người đàn ông 68 tuổi thường đi khắp các ngã 4 trong thành phố vừa hát vừa bán vé số mưu sinh.

"Tôi mới hát và bán vé số ở các ngã tư trong thành phố hơn 2 năm nay. Lúc trước, tôi làm đủ nghề để mưu sinh. Hai năm nay, do tuổi cao, sức khỏe giảm dần, tôi được mấy đứa em cho mượn tiền mua xe kẹo kéo để vừa hát vừa bán vé số", ông Yểm cho biết.

Ông Yểm kể rằng sinh ra trong một gia đình nghèo nên không được học hành đến nơi đến chốn. Trước đây, ông chọn nghề đạp xích lô kiếm cơm. Năm 2008, khi nghề này thoái trào, ông xin đi giao hàng cho công ty mỹ phẩm với mức lương 12 triệu đồng/tháng.

"Tôi làm được 7 năm thì công ty phá sản. Do không có dư giả nên đời sống lúc này bắt đầu khó khăn. Vợ chồng tôi bị hiếm muộn, không có con cái nên không biết nương tựa vào ai lúc tuổi già. Lúc đó, tôi đi chạy xe ôm", ông Yểm nhớ lại kỷ niệm buồn.

Ông lão 68 tuổi hát rong, bán vé số mưu sinh ở Sài Gòn - 2
Ông tự đặt nghệ danh cho mình là Chế Long, nhiều người yêu quý ông cũng gọi như vậy.

Khi mới chạy xe ôm, thu nhập bấp bênh nên vợ chồng ông Yểm cũng bữa no bữa đói. Hai vợ chồng già nhiều khi chung nhau hộp cơm nhưng cũng ấm lòng. Cuộc sống đang êm đềm trôi qua, vợ ông đột ngột qua đời vì bạo bệnh.

"Từ ngày vợ mất tôi quyết định ra thuê nhà trọ ở quận Bình Tân, TPHCM cho nguôi ngoai" - ông Yểm kể. Mỗi ngày, từ phòng trọ, người đàn ông 68 tuổi chạy qua đại lý ở quận Tân để lấy vé số rồi đi đến nhiều ngã tư ở TPHCM. Dừng xe đến đâu, ông Yểm mở loa vừa hát vừa bán.

"Tôi nhận khoảng 300 tờ vé số từ đại lý rồi bán đến khi nào hết mới về phòng nghỉ. Mỗi tờ vé số, tôi lãi được 1.000 đồng. Nếu bán hết mỗi ngày, tôi được 300.000 đồng. Số tiền đó giúp tôi trả tiền phòng và các chi phí sinh hoạt khác", ông Yểm cho biết.

Ông lão 68 tuổi hát rong, bán vé số mưu sinh ở Sài Gòn - 3
Chiếc xe gắn máy gắn bó với ông Yểm hàng chục năm qua được ông coi như người bạn của mình.

Chỉ mong cơm ăn 3 bữa

Cũng giống nhiều lao động tự do khác, ông Yểm tỏ ra lo lắng khi dịch bệnh bùng phát. Năm 2020, khi thành phố phải giãn cách xã hội cuộc sống của ông gặp không ít khó khăn.

"Đợt dịch đó, khi bị cấm bán vé số, tôi chỉ còn cách đi mua vài cây viết bi rồi buộc thành các bó đem bán với giá 10.000 đồng/4 cây. Mỗi ngày kiếm vài chục ngàn đồng. Nhờ vậy mà tôi có tiền xoay sở, vượt qua đợt dịch đó. Nếu dịch tiếp tục bùng phát, tôi không biết làm gì để mưu sinh cả", ông Yểm chia sẻ.

Ông lão 68 tuổi hát rong, bán vé số mưu sinh ở Sài Gòn - 4

Nhờ có loa kẹo kéo thế này mà ông Yểm thu hút được nhiều người chú ý đến mua ủng hộ.

Thành phố đã vào mùa mưa, ông Yểm nói việc bán vé số sẽ chậm lại, nếu không cẩn thận bị ướt, nhòe coi như mất trắng.

"Thời điểm này, tôi lấy 100-200 trăm tờ để bán. Có những bữa trời mưa lớn, tôi chỉ bán được vài tờ rồi phải trả lại đại lý vì ế. Tình hình này chỉ mong đủ ăn là mừng rồi", ông Yểm than thở.

Dù vậy, ông Yểm cho rằng còn may vì có cái loa kéo, gây được chú ý của người đi đường, nhờ đó nhận được ủng hộ nhiều. Đồng nghiệp của ông, nhiều người bán vé số phải đi mời từ chỗ này sang chỗ khác, còn cực hơn ông nhiều.

Ông lão 68 tuổi hát rong, bán vé số mưu sinh ở Sài Gòn - 5
Trước đây, ông Yểm mưu sinh bằng nghề chạy xích lô.

"Vì tôi phải hát liên tục để thu hút khách nên mỗi lần hát xong là đuối sức. Mệt cũng phải cố thôi chứ biết làm sao. Không làm thì không có gì ăn, mình còn sức còn phải làm", ông Yểm tâm sự.

Điều mà ông Yểm mong muốn nhất hiện nay là dịch bệnh được khống chế để những người lao động tự do như mình có thể yên tâm buôn bán, tiếp tục mưu sinh.

Ông lão 68 tuổi hát rong, bán vé số mưu sinh ở Sài Gòn - 6
Sau khi vợ mất, ông chọn cách bán vé số dạo khắp nơi để khuây khỏa nỗi buồn.
Ông lão 68 tuổi hát rong, bán vé số mưu sinh ở Sài Gòn - 7
Giữa mùa dịch, ông Yểm chỉ mong kiếm đủ cơm ăn 3 bữa.
Ông lão 68 tuổi hát rong, bán vé số mưu sinh ở Sài Gòn - 8

Đợt dịch năm 2020, ông đã khá chật vật để mưu sinh vì TP giãn cách xã hội.

Ông lão 68 tuổi hát rong, bán vé số mưu sinh ở Sài Gòn - 9

Mùa mưa sắp tới cũng khiến vé số bán chậm hơn. Ông Yểm đã lấy ít vé số hơn ngày thường.

Ông lão 68 tuổi hát rong, bán vé số mưu sinh ở Sài Gòn - 10
Tuy cuộc sống khó khăn nhưng lúc nào ông Yểm cũng lạc quan, yêu đời.