Mong ước của người đàn ông dành phần lớn cuộc đời trong công xưởng may

Nhân Cơ

(Dân trí) - Sau 2 thập kỷ làm việc tại một công ty may ở TP Thủ Đức, ông Hùng bảo rằng, không mong ước cao xa gì mà chỉ mong các chính sách về bảo hiểm xã hội được đảm bảo tốt nhất cho người công nhân.

Sáng 23/5, Ngọc Sơn và nhóm bạn làm cùng công ty thức dậy sớm như chủ nhật hàng tuần nhưng không phải để chuẩn bị cho một ngày làm việc tăng ca. Họ đến trụ sở UBND phường gần nhà tại quận 4 (TPHCM) thực hiện quyền công dân của mình - bỏ lá phiếu bầu đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. 

Làm công nhân tại một công ty 100% vốn nước ngoài ở Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7), Sơn đã quen với việc tăng ca vào thứ 7, chủ nhật để có thêm thu nhập.

Hôm qua, Sơn và em trai rời công ty khi đồng hồ đã điểm 19h, với bộ đồng phục bạc màu, dính đầy bụi bẩn, thay vì 16h30 như những thứ bảy khác để làm bù cho hôm nay được nghỉ.

Sơn chỉ mất vài phút đi bộ đến điểm bỏ phiếu và thêm chưa đầy 10 phút hoàn thành quy trình bỏ phiếu, rồi trở về nhà tận hưởng ngày chủ nhật hiếm hoi được nghỉ ngơi.

Với Sơn, hy vọng lớn nhất vào những đại biểu sẽ đại diện cho tiếng nói của mình sau ngày bầu cử rất đơn giản. Đó là họ có thể giúp đời sống công nhân bớt vất vả.

Mong ước của người đàn ông dành phần lớn cuộc đời trong công xưởng may - 1

Công nhân đi bầu cử tại khu phố 3, phường Linh Xuân, TP Thủ Đức (ảnh: Xuân Hinh).

Chưa từng mong muốn giảm giờ làm 

"Mong mỏi lớn nhất là xem xét tăng lương cơ bản cho công nhân, rồi các công ty cũng sẽ nhìn đó tăng theo. Mong sao đồng lương xứng đáng hơn với sức lao động của mình", Sơn nói về hy vọng gửi gắm vào lá phiếu hôm nay.

Với mức lương cơ bản chưa đến 5 triệu đồng, mỗi tháng, công nhân như Sơn phải tăng ca liên tục. Một ngày làm việc bắt đầu từ 7h30 sáng và kết thúc lúc 22h đêm. Hai ngày cuối tuần, Sơn vẫn làm việc. Trong suy nghĩ của Sơn, mong muốn giảm giờ làm chưa bao giờ xuất hiện.

Mong ước của người đàn ông dành phần lớn cuộc đời trong công xưởng may - 2

Ảnh minh họa.

Với Sơn, việc tăng ca là lựa chọn duy nhất để cải thiện thu nhập, kiếm thêm 3-4 triệu đồng/tháng. Sơn bảo mình vẫn còn dễ thở vì sống cùng gia đình ở TPHCM nên không tốn tiền thuê trọ như nhiều đồng nghiệp. "Nếu có vợ con nữa thì khó khăn", anh nói. Năm nay 30 tuổi, Sơn chưa kết hôn.

Làm việc 12-13 tiếng mỗi ngày bên trong 4 bức tường của nhà máy đầy bụi bặm với Sơn vẫn tốt hơn những lúc không được tăng ca. Qua quý tới, công ty của Sơn sẽ hết mùa làm hàng cao điểm. Khi đó, công nhân muốn tăng ca cũng không được và chỉ có thể nhận mức lương cơ bản hoặc làm thêm các công việc ngoài giờ như chạy xe ôm công nghệ. 

Sơn cũng mong sao bữa ăn trong nhà máy sớm được cải thiện. Với định mức 22.000 đồng/phần, không nhiều nhặn gì. Nếu không ăn mà gọi cơm bên ngoài, công nhân lại tốn thêm 70.000-80.000 đồng mỗi ngày.

Nhiều lần quá bức xúc trước điều kiện làm việc, những công nhân như Sơn phản ánh với Ban quản lý các Khu chế xuất và Khu công nghiệp TPHCM (HEPZA). Khi HEPZA làm việc lại với công ty, Sơn kể cũng có thứ được cải thiện. Nhưng anh bảo không phải lúc nào cũng được như vậy và mong muốn tổ chức công đoàn, bảo vệ quyền lợi công nhân hoạt động mạnh mẽ hơn.

Mong ước của người đàn ông dành phần lớn cuộc đời trong công xưởng may - 4

Nhiều công nhân mong sao bữa ăn trong các nhà máy sớm được cải thiện.

Ngọc Nga (29 tuổi), công nhân một công ty chuyên về dệt may ở quận 12 (TPHCM) cũng mong mỏi Nhà nước xem xét tăng lương cơ bản cho công nhân. Đã kết hôn và có con nhỏ nhưng Nga kể không có thời gian cho con vì gần như ngày nào cũng làm việc đến 21h. 

Từ lúc dịch Covid-19 bùng phát, công ty có lúc giảm đơn hàng, phải cho nhân viên nghỉ bớt. Nhiều tháng thu nhập giảm 2-3 triệu nhưng Nga nói vẫn còn may mắn vì giữ được việc làm và đã được tăng ca trở lại.

Kỳ vọng chính sách về bảo hiểm xã hội

Làm việc tại một công ty may trong một khu chế xuất tại TP Thủ Đức (TPHCM) đã 20 năm, ông Thanh Hùng (53 tuổi) kỳ vọng các chính sách về bảo hiểm xã hội được đảm bảo tốt nhất cho người công nhân. Với ông, mong muốn lớn nhất lúc này là khi về hưu sẽ có khoản lương hưu đủ sống. 

Sau 2 thập kỷ làm việc tại nhà máy, ông Hùng giờ quản lý một tổ 3 người về hệ thống điện, nước trong phân xưởng. Ông Hùng kể trong những đồng nghiệp cùng thế hệ với mình vào công ty 20 năm trước, chỉ còn mỗi ông còn ở lại. Bạn bè ông trực tiếp làm công nhân may đều đã nghỉ việc sau khoảng thời gian căng hết sức kiếm tiền. 

"Một người ngồi may 13 tiếng rưỡi mỗi ngày ở tuổi 20-30 còn chịu được chứ ở tuổi 40-50 sao nổi. Cứ như vậy sẽ giảm dần tuổi thọ lao động. Thời gian cho bản thân còn không có nói gì đến chăm sóc con cái", ông Hùng nói. 

Mong ước của người đàn ông dành phần lớn cuộc đời trong công xưởng may - 5

Ảnh minh họa.

Gần cả cuộc đời gắn bó với nhà máy, ông Hùng bảo ai cũng biết tăng ca liên tục ảnh hưởng đến sức khỏe, không có thời gian cho gia đình nhưng có thêm tiền. Ngược lại, không tăng ca thì có thêm thời gian nghỉ ngơi nhưng lại không đủ thu nhập trang trải cuộc sống. Việc này trở thành vòng luẩn quẩn với nhiều công nhân.

Ông cũng mong có thêm các quy định để các doanh nghiệp hạn chế tăng ca vào những ngày như 8/3, Giáng sinh. Theo ông, dù ai cũng cần tăng ca để kiếm thêm tiền nhưng vẫn cần thời gian bên gia đình những ngày đặc biệt để xả hơi, tái tạo sức lao động.

"Công nhân không mong ước cao xa gì mà chỉ mong Nhà nước tiếp tục các chính sách tăng lương cơ bản, giúp nâng cao đời sống", ông Hùng nói về kỳ vọng của mình đặt vào lá phiếu bầu cử hôm nay (23/5).

Với ông, những ước mơ xa hơn như mua nhà hiếm khi được xuất hiện. "Làm mười mấy tiếng một ngày còn chưa dư huống gì nói đến mua nhà, xa vời quá", ông Hùng cười.