Freelancer và nỗi lo bị quỵt tiền
(Dân trí) - Không bị ràng buộc bởi hợp đồng lao động, bảo hiểm xã hội và giờ làm việc cố định, các freelancer (người làm tự do) trẻ phải đối mặt với tình trạng bị quỵt tiền lương. Vậy đâu là giải pháp?
Freelancer - hiểu một cách đơn giản nhất - là những người có trình độ, tay nghề ở một lĩnh vực nhất định nhưng không làm việc cố định theo hợp đồng lao động ở bất cứ một doanh nghiệp hay đơn vị nào.
Để có nguồn việc làm, họ được tự kết nối qua nhiều "kênh" khác nhau. Công việc của họ không có bất cứ giới hạn nào về thời gian, địa điểm làm việc. Họ có thể làm freelancer toàn thời gian hoặc bán thời gian.
Lừa đảo nhiều vô kể
Freelancer là xu hướng làm việc phổ biến trên thế giới khoảng 10 năm trở lại đây. Ở Việt Nam, xu hướng này cũng đang nở rộ và nhiều diễn đàn trên mạng xã hội còn thu hút hàng ngàn freelancer. Ưu điểm của freelancer là không bị gò bó thời gian, không cần tới văn phòng làm việc nên ngày càng thu hút nhiều người tham gia.
Đa số freelancer thường chỉ làm việc ngắn hạn cho từng dự án và ít có hợp đồng cụ thể với đối tác. Do vậy, công việc này tiềm ẩn khá nhiều rủi ro. Bên cạnh sự thành công, nhiều bạn trẻ đã "ngậm trái đắng" vì đối tác bỗng dưng "biến mất" sau khi công việc kết thúc. Ngành thiết kế là một lĩnh vực có nhiều freelancer hoạt động.
Bạn Nguyễn Đăng Khoa (ngụ quận Tân Phú, TPHCM) đang là freelancer thiết kế đồ họa với kinh nghiệm 3 năm trong nghề và mức thu nhập khá cao. Tuy vậy, để có được ngày hôm nay, Khoa cũng phải cay đắng khá nhiều lần vì bị quỵt lương. Có những lần, Khoa bị quỵt số tiền lên đến hàng chục triệu đồng.
Khoa từng làm việc tại công ty với mức lương ổn định. Ba năm nay, anh chuyển qua freelancer để chủ động thời gian sắp xếp thời gian học thêm và công việc.
"Nghề này lừa đảo, lợi dụng nhau là chuyện không hiếm gặp, không chỉ bị người xa lạ lừa, mình còn bị cả người quen lừa hàng chục triệu đồng. Tuy vậy, không có hợp đồng, thỏa thuận chỉ ở trên mạng nên không biết dựa vào đâu để đòi lại công bằng", Khoa chia sẻ.
Theo lời của Khoa, mô típ chung của những kẻ lừa đảo là xuất hiện với những lời ngon ngọt cùng mức giá thù lao cao. Thông thường công việc sẽ trao đổi qua tin nhắn trên mạng xã hội, sau khi freelancer làm đúng yêu cầu và gửi sản phẩm, freelancer sẽ bị chặn, không thể liên lạc với khách hàng.
"Không chỉ riêng mình mà nhiều bạn bè cũng bị tình trạng tương tự. Người bị lừa ít thì vài trăm ngàn đồng, người bị nhiều thì vài chục triệu đồng. Mọi người dù khá ấm ức nhưng cũng không biết làm gì, coi như đó là bài học để trưởng thành hơn trong công việc", Khoa tâm sự.
Chia sẻ về câu chuyện khi mới làm freelancer, Linh Lan vẫn chưa hết ấm ức dù sự việc đã trôi qua hơn 4 năm. Lúc ấy, Linh Lan tưởng chừng đã phải chuyển công việc khác vì không nghĩ lại có tình trạng lừa đảo trắng trợn như vậy.
Từng có một đối tác đặt hàng Linh Lan thiết kế đồ họa cho một dự án mỹ phẩm khá lớn với thù lao 8 triệu đồng. Cô cố gắng làm ngày làm đêm gần 1 tháng để hoàn thiện.
"Khi xong việc, em gửi file cho đối tác thì họ nói làm rất tốt và sẽ chuyển khoản ngay tiền cho em. Lúc ấy em gọi mẹ ở quê vào để đi khám chân. Em đợi hoài gần 1 tuần không thấy ai gửi tiền, gọi số điện thoại thì không liên lạc được. Mẹ em vì vậy không có tiền đi khám chân luôn", Linh Lan nhớ lại kỷ niệm buồn.
Cách phòng tránh ra sao?
Sau nhiều vấp ngã, Đăng Khoa cho biết đã có những bài học đắt giá sau nhiều lần bị lừa. Dù có nhiều kinh nghiệm nhưng cũng chưa thể tự tin tránh được hết mọi rủi ro.
Khoa tâm sự: "Những "con mồi" béo bở của nhóm lừa đảo thường là sinh viên mới ra trường hoặc những người còn mới vào nghề bởi họ ít kinh nghiệm để né những kẻ lừa đảo này. Mình làm khá lâu rồi nhưng cũng không thể né hoàn toàn 100% được, bởi vì những kẻ lừa đảo thì ngày càng tinh vi".
Chia sẻ về những cách ngăn chặn việc lừa đảo, Khoa cho biết những người mới làm freelancer nên tìm hiểu kỹ đối tượng hợp tác trước khi đồng ý làm việc. Bên cạnh đó, ngay cả khi làm việc với những người thân quen nhất cũng phải tìm cách "giữ đằng chuôi".
"Chèn logo cá nhân vào sản phẩm mình làm ra sau đó mới gửi cho khách, hoặc mình chỉ gửi file ảnh chứ không gửi file gốc. Một cách nữa là nếu số tiền lớn thì mình nên làm hợp đồng giấy", Khoa nói.
Chia sẻ thêm về vấn đề trên, bạn Nguyễn Minh Tiến (ngụ TPHCM) cho rằng: "Bằng mọi cách cần phải làm một hợp đồng hợp tác giữa 2 bên. Ngoài ra, một cách khác để ngăn chặn việc khách hàng "mất hút" sau khi nhận sản phẩm, freelancer có thể yêu cầu nhận cọc trước 30-50% số tiền thù lao thỏa thuận ban đầu".
Theo ông Nguyễn Anh Toàn (chuyên gia kinh tế tại TPHCM), freelancer là công việc khá phổ biến và tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp. Freelancer có thể nhận nhiều việc cùng một lúc để tăng thu nhập. Tuy vậy, những rủi ro cũng thường rình rập nên freelancer cần hết sức cảnh giác.
"Bốn rủi ro lớn nhất của freelancer là nguồn công việc không ổn định, thu nhập không đều, sức khỏe bị ảnh hưởng và dễ bị quỵt tiền lương. Để có thể tránh những rủi ro, freelancer cần phải biết thể hiện năng lực bản thân, mở rộng mối quan hệ, hạn chế làm việc vào ban đêm và tìm kiếm những địa chỉ tin cậy để tìm kiếm việc làm", ông Toàn nhấn mạnh.