“Ông gù” sáng chế xe ba bánh, thang máy

Bị liệt hai chân, phải đi bằng đôi tay, nhưng ông Trang đã gầy dựng được cơ sở sửa chữa máy móc, chế tạo xe ba bánh cho người khuyết tật. Chưa hết, người đàn ông này còn sáng chế ra chiếc thang máy hữu ích trước sự trầm trồ, nể phục của nhiều người.

“Nhà sáng chế” khuyết tật, không bằng cấp

Trên trục đường QL 46E, ngôi nhà 3 tầng khang trang của gia đình ông Võ Văn Trang (SN 1959, ngụ xóm 4, xã Nghi Thịnh, huyện Nghi Lộc, Nghệ An) khiến nhiều người không khỏi trầm trồ, thán phục bởi gia chủ bị liệt hai chân, lưng còng, di chuyển bằng hai tay.

Bất ngờ hơn khi trong căn nhà khang trang ấy còn có một hệ thống thang máy do ông Trang tự thiết kế, lắp đặt. Không chỉ nổi tiếng với sáng chế ấy, ông Trang còn được biết đến là gương vượt lên số phận, làm giàu bằng đôi tay của mình. Dù vậy, ông luôn khiêm tốn khi nói về mình: “Người ta nỗ lực một thì tôi phải phấn đấu mười. Tôi hiểu rõ hoàn cảnh của mình nên phải không ngừng học tập, nâng cao tay nghề”.

Người thân kể lại, lúc mới sinh, cậu bé Trang hoàn toàn khỏe mạnh, lành lặn, nhưng năm lên 7 tuổi, khớp cổ chân của cậu bé đột nhiên bị đau. Sau một thời gian dài điều trị bằng phương pháp châm cứu, đôi chân của Trang ngày càng teo tóp và dần mất khả năng đi lại. Hốt hoảng, gia đình đã đưa đi chữa trị khắp các bệnh viện lớn, nhỏ nhưng không thành công. Cuối cùng, cậu bé ấy đành phải sống chung với bệnh tật.


Dù hai chân bị liệt nhưng ông Trang không ngừng phấn đấu, học hỏi, chế tạo máy móc, thang máy

Dù hai chân bị liệt nhưng ông Trang không ngừng phấn đấu, học hỏi, chế tạo máy móc, thang máy

Dù tàn tật, đi lại khó khăn nhưng Trang không đầu hàng số phận, nhất quyết đến trường. Năm 12 tuổi, cậu bé chính thức được tiếp xúc với con chữ. Hàng ngày, trên con đường làng dài hơn 2km, Trang dùng hai bàn tay kéo lê cơ thể di chuyển tới lớp. Nhiều hôm bàn tay sưng vù, rớm máu nhưng cậu học trò không bỏ cuộc. Với đức tính cần cù, ham học hỏi nên nhiều năm liền Trang đạt học sinh giỏi. Cậu bé tật nguyền trở thành niềm tự hào của các bạn, thầy cô trong trường.

Trong những ngày tháng đi học, Trang còn tranh thủ xin làm thuê cho một tiệm sửa xe đạp gần trường để học nghề và được ăn cơm miễn phí. Cố gắng đến năm 16 tuổi, cậu đành ngậm ngùi gác lại giấc mơ tới trường do nhà nghèo, trường cấp 3 cách xa nhà không thể đi bộ được.

Nghỉ học, Trang quyết định mưu sinh bằng đôi tay của mình. Thấy mảnh đất trống trước nhà nằm sát ngay tỉnh lộ 534 (nay là QL48E), Trang xin bố mẹ cho dựng chiếc lán nhỏ để sửa xe. Mới đầu, cậu thanh niên ấy chủ yếu sửa xe đạp cho bà con trong vùng. Nhưng từ những năm 2000, Trang bắt đầu học hỏi, tìm hiểu thêm nghề sửa chữa xe máy và các loại máy móc thông dụng khác. Sự tận tâm cùng với khả năng “đọc bệnh” xe của chàng thanh niên khiến quán nhỏ ngày càng đông khách.

Qua năm tháng, tay nghề người thợ tật nguyền ngày một nâng lên. Năm 2007, trong một lần đi lấy hàng ở TP Vinh, ông Trang thấy một số người khuyết tật có thể tự di chuyển cả trăm cây số nhờ chiếc xe lăn ba bánh. Một ý tưởng nảy ra trong đầu người đàn ông này. Ông Trang quyết định sẽ cải tiến chiếc xe lăn thành xe máy ba bánh để việc đi lại thuận tiện hơn.

Nghĩ là làm, ông Trang bắt đầu tìm tòi, học hỏi về cấu tạo, chức năng của xe máy ba bánh qua sách báo rồi chạy khắp nơi tìm mua nguyên liệu lắp ghép. Sau vài năm nỗ lực nghiên cứu, mày mò thực nghiệm, chiếc xe máy ba bánh của ông chính thức ra đời. Thấy sự tiện ích của xe, nhiều người khuyết tật trong và ngoài tỉnh đã đến đặt hàng. Đến nay, ông Trang đã chế tạo hàng trăm chiếc xe ba bánh cho thương binh, người khuyết tật với giá ưu đãi. Ông chia sẻ: “Vì cũng là người tàn tật nên tôi hiểu rõ khó khăn của những ai đồng cảnh ngộ. Do vậy, tôi muốn giúp đỡ cho họ phần nào đó”.

Cách đây 3 năm, người đàn ông liệt hai chân tiếp tục khiến hàng xóm bất ngờ khi xây được căn nhà 3 tầng, khang trang. Lẽ ra, có nhà mới phải vui mừng, nhưng nhiều người cứ thấy ông lặng lẽ nhìn lên tầng trên của căn nhà. Thì ra, ông Trang đang lo lắng chuyện mỗi lần lên tầng để thắp hương trên bàn thờ tổ tiên và di chuyển lấy đồ đạc.

Vốn là người đam mê sáng tạo, ông nghĩ bụng sẽ tìm ra cách để mình lên xuống cầu thang dễ dàng hơn. Đang lúc nghĩ cách thực hiện thì ông Trang vô tình thấy máy vận chuyển lúa tại làng quê của một người bạn. Lúc này, trong đầu ông chợt nảy ra ý tưởng học hỏi phương thức nâng - hạ lúa của máy để thiết kế chiếc cầu thang máy nối liền từ tầng 1 lên tầng 3 của gia đình.

Để thực hiện ý tưởng của mình, ông liền mua các vật liệu, sắt, thép, mô tơ… Chỗ nào cần sức người, ông hướng dẫn con trai giúp đỡ, vấn đề nào liên quan đến kỹ thuật, ông trực tiếp ra tay. Sau hơn 4 tháng mày mò, chiếc thang máy thành công ngoài mong đợi. Hôm chiếc cầu thang vận hành, rất đông bà con lối xóm kéo đến xem và không khỏi trầm trồ, thán phục biệt tài sáng chế của ông. Nhiều người còn đứng vào thang máy để được thử nghiệm chiếc máy do ông làm ra. Tiếng lành đồn xa, nhiều chủ cửa hàng thiết bị cho người khuyết tật đã tìm đến đặt hàng.

Chuyện tình bên lán sửa xe

Hạnh phúc bên người vợ hiền
Hạnh phúc bên người vợ hiền

Mỗi khi nhắc lại chuyện tình với người vợ của mình, ông Trang lại cười mỉm. Ông bảo, vợ chồng vẫn thường nói đùa với nhau rằng đó là chuyện tình lán xe. Chuyện là trong số khách quen quán sửa xe của chàng trai bị liệt cách đây mấy mươi năm có cô gái trẻ Hoàng Thị Chanh, quê TX Cửa Lò.

Tuổi đôi mươi, cô gái trẻ từng tham gia dân quân hỏa tuyến. Trở về quê nhà, Chanh chọn mưu sinh bằng nghề đi chợ bán cá. Nhà nghèo nên chị chỉ có chiếc xe đạp cọc cạch làm phương tiện. Ngặt nỗi, chiếc xe đạp lại thường xuyên “dở chứng”, hôm thì đứt xích, hôm thì thủng săm... khiến hầu như buổi nào Chanh cũng phải ghé quán để sửa. Và mặc dù có nhiều quán, nhưng Chanh lại chỉ chọn nơi sửa xe của người thanh niên liệt hai chân. Rồi không biết từ bao giờ cô gái trẻ ấy đem lòng cảm mến anh chủ quán.

Nhớ lại kỷ niệm, cô gái Chanh ngày đó giờ đã hai màu tóc tâm sự: “Không hiểu sao, cứ mỗi lần nhìn ông ấy lam lũ sửa xe, tôi lại thấy quý mến. Và cứ thế, tình yêu nảy nở. Tôi rất quý trọng nghị lực của chồng”. Nhưng, khi tình yêu “đũa lệch” vừa chớm nở thì vấp phải sự phản đối kịch liệt từ gia đình nhà gái. Mọi người ai cũng bảo cô Chanh đẹp gái, duyên dáng lại đi lấy người đàn ông tật nguyền để rồi khổ cả đời. Nhưng tình yêu chân thành đã giúp họ vượt qua tất cả.

Năm 1980, một đám cưới đặc biệt đã diễn ra. Trong ngày trọng đại đó, chú rể được người thân chở đến nhà gái để rước dâu. Sau đó, cô dâu xinh đẹp lại được một người khác chở về nhà trai chứ không được ngồi sau xe máy chú rể như bao đám cưới khác. “Lúc tôi yêu và quyết định lấy anh Trang, gia đình và bạn bè ai cũng phản đối. Mọi người bảo tôi bị dở, lấy người lành lặn chưa chắc đã có cơm ăn, chứ đừng nói lấy người tàn tật ngồi một chỗ, chỉ khổ cả đời. Nhưng tôi yêu và tin anh ấy”, bà Chanh chia sẻ.

Lập gia đình được thời gian ngắn, bệnh tình ông Trang bỗng trở nặng hơn, toàn thân sưng phù, tay chân co rút. Gạt nước mắt, bà Chanh tất bật vay mượn khắp nơi để có tiền đưa chồng đi chữa trị. May mắn, ông vượt qua cơn nguy kịch, nhưng sức khỏe có phần giảm sút, tay chân co rút, lưng gù ngày càng nặng.

Để bù đắp tình yêu lớn mà người vợ dành cho mình, ông Trang càng dặn lòng cố gắng làm việc. Với những nỗ lực không ngừng của bản thân, ông Võ Văn Trang đã chiếm được lòng tin yêu của mọi người. Mỗi khi xe cộ, máy móc không may bị hỏng hóc, họ không ngần ngại tìm đến địa chỉ ông Trang.

Ông Lê Văn Lưu, Chủ tịch UBND xã Nghi Thịnh nhận xét, ông Trang là một người khuyết tật vượt lên số phận làm kinh tế giỏi ở địa phương, là tấm gương điển hình cho nghị lực “tàn mà không phế”. Ngoài sửa chữa và chế tạo giỏi, ông Trang và gia đình luôn đi đầu trong phong trào ủng hộ xây dựng nông thôn mới, xây dựng quê hương.

Theo PLO.VN