Ông giám đốc từng là đại ca của nhóm trẻ bụi đời
(Dân trí) - Lần thứ hai rời trại giáo dưỡng, Ngọc Phong thấy băng nhóm cũ đứa thì vào tù, đứa chết vì ma túy nên quyết định "rửa tay gác kiếm", học nghề sửa ô tô. Ông giám đốc hiện tại xuất thân là trẻ bụi đời.
"Mái hiên chợ ngày xưa anh từng ngủ bụi"
Phùng Ngọc Phong lái ô tô chở vợ con đi qua những con đường ở khu vực chợ Lớn ở Quận 5 hay chợ Cầu Muối, Quận 1. Nhìn ra cửa, người đàn ông 44 tuổi nói với vợ: "Ngã tư này, mái hiên này ngày xưa anh từng ngủ bụi".
"Từ một đứa trẻ bụi đời lang bạt, giờ tôi có vợ con, gia đình, mua nhà, mua xe từ tiền tự kiếm được. Khoảnh khắc này, tôi thấy đời mình đã quá hạnh phúc, quá đủ và không cần mong cầu gì hơn nữa", Giám đốc công ty TNHH Phùng Nguyễn Cao Tốc ở quận Bình Thạnh, TPHCM tâm sự.
Cậu bé Phong là đứa trẻ sinh ra khi ba mẹ rời Sài Gòn đến Bình Dương làm kinh tế mới. Cuộc sống khó khăn, cha mẹ anh dẫn cậu con trai duy nhất lúc bấy giờ sang Campuchia làm ăn. Trong ký ức mơ hồ của một cậu bé 8 tuổi, Phong nhớ gia đình mình ở cùng với một nhóm người Việt khác trên đất nước bạn, cha mẹ làm thuê đủ nghề.
Sau khi cha mẹ chia tay, anh hết ở với cha rồi lại ở với mẹ. Được khoảng một năm, sau trận đòn của mẹ, Phong bỏ chạy thục mạng, rời bỏ gia đình, bắt đầu kiếp sống bụi đời. Thấy cậu bé còn nhỏ có thể lợi dụng, những người buôn hàng lậu giao cho anh vài món dặn cứ đi sang cửa khẩu ở Tây Ninh giao cho khách, hoàn thành nhiệm vụ sẽ cho tiền.
"Cán bộ thấy người lớn thì kiểm tra gắt gao, còn con nít như tôi thì qua lại cửa khẩu dễ lắm nên hầu hết đều trót lọt", anh Phong hồi tưởng.
Sống như thế chừng một năm, Phong nhảy xe đò với vài đồng lẻ trong túi, về thẳng bến xe Chợ Lớn, Quận 5, TPHCM bắt đầu gia nhập cùng đám con nít bụi đời ở đây.
Không bao lâu, nhóm trẻ lang thang bị gom về Trung tâm Giáo dục thiếu niên. Ở đây, anh được cho cơm ăn, được học chữ, nhưng không có tự do, môi trường lại nhiều kỷ luật nên Phong bỏ trốn. Để có tiền sống, Phong cùng băng nhóm của mình đi ăn trộm hay dọa dẫm để trấn lột những cặp đôi giàu có đang hẹn hò trong công viên.
"Hồi đó, chuyện đánh lộn với tôi như cơm bữa, gãy tay đang bó bột nhưng máu nổi lên vẫn đánh", anh Phong kể.
Được một thời gian, anh vào trại lần 2. Ở đây tập trung đủ kiểu thiếu niên phạm tội, có người cướp của, giết người, hiếp dâm… Với bản tính lanh lẹ cộng thêm kinh nghiệm nhiều năm lăn lộn giữa đời, Phong có nhiều mánh khóe để trở thành một đại ca của nhóm 60 trẻ bụi đời.
Có nghề là có tất cả
Dù được cải tạo, được học chữ nhưng cậu thanh niên lúc bấy giờ không một chút suy nghĩ cho tương lai. Sau hai năm, anh được ra ngoài, lập tức quay lại tìm đám bạn cũ. Nhưng Phong chẳng tìm được ai vì nhóm thiếu niên bụi đời người vừa vào tù, người đã chết vì ma túy... Một suy nghĩ thoáng qua trong đầu Phong: "Nếu mình đi theo đường cũ thì kết cục chẳng khác nào bọn nó".
Biết đến mái ấm Tre Xanh do thầy Trần Minh Hải quản lý có chỗ trú ban đêm dành cho những thanh niên đường phố nên Phong xin vào nương nhờ. Nhờ sự giúp đỡ và bảo lãnh của thầy Hải, Phong cũng xin được một chân phục vụ quán cà phê vào ban ngày, đêm thì về mái ấm ngủ.
Có lần, anh xin đi bốc vác ở chợ vào buổi đêm. 2h sáng, Phong gọi nhờ thầy Hải mở cửa thì bị từ chối vì nghĩ anh ra ngoài đi ăn trộm. Uất ức, đêm đó Phong dùng búa đập nát chiếc xe đạp của ông thầy vốn lúc đó đang còn là sinh viên.
"Lúc mới gặp Phong, tôi có xem hồ sơ của cậu ấy thì mới được biết, dù ở trại giáo dưỡng nào Phong cũng là đại ca. Theo dõi một thời gian thì thấy Phong có tố chất thủ lĩnh, rất gan dạ", thầy Hải nói.
Nhưng dù quyết tâm "cải tà quy chính", đồng lương bán sức lao động vẫn rất ít ỏi cộng thêm việc nhiều lần bị bắt nạt, sai vặt Phong uất ức nghĩ rằng "không thể suốt đời như thế này mãi".
"Lúc bấy giờ ở Sài Gòn không có nhiều ô tô nhưng tôi thích xe lắm, hễ ra đường thấy chiếc nào đẹp là tôi đều ngẩn ngơ đứng nhìn. Đi phục vụ quán chung với sinh viên, các bạn hỏi, tôi đều bảo mình học ngành ô tô", anh Phong kể về mối duyên chọn nghề này.
Sau gần một năm, Phong ra nghề và bắt đầu đi làm thuê ở gara. Cậu thanh niên yêu nghề, cần mẫn nhưng thường bị những tay thợ chính bắt nạt. Muốn thoát cảnh, Phong nghĩ chẳng còn cách nào khác là phải giỏi hơn họ. Vì thế, mỗi chiếc xe hỏng đưa vào gara, Phong theo sát quá trình bắt bệnh, sửa chữa từ đầu đến cuối. Mỗi ngày ở gara, Phong chỉ ngừng tay khi người thợ chính buông đồ nghề.
Lúc bấy giờ, thầy Hải đoán, Phong học nghề này nhiều lắm chỉ một tháng là bỏ, vì sửa ô tô cần trình độ và sự tỉ mỉ. Nhưng bất ngờ, cứ mỗi tháng đến thăm Phong, thầy Hải đều nghe người hướng dẫn khen chàng trai chăm chỉ, quyết tâm học, suốt 9 tháng thì ra nghề.
Nhờ chăm chỉ, tay nghề anh được nâng cao rồi có cơ hội được làm trong một hãng xe hơi có tiếng của Nhật ở Sài Gòn trong suốt 3 năm. Ở đây, Phong quan sát thấy những vị khách đi ô tô hầu hết là giới có tiền, trí thức, ăn mặc rất sang trọng. Muốn cũng được như họ, không còn cách nào khác là phải đầu tư thêm, vậy là Phong xin đi học bổ túc văn hóa vào buổi tối.
Dù đã là thợ lành nghề, có trình độ văn hóa nhưng Phong vẫn là cậu bé vô danh, không mảnh giấy lận lưng. Nhờ sự giúp đỡ của thầy Hải và một vị cán bộ công an, Phong có mảnh giấy tờ công dân đầu tiên - chứng minh thư nhân dân, khi đã bước qua tuổi 28.
"Cầm trên tay mảnh giấy nhỏ, tôi sung sướng chạy đi đăng ký thi bằng lái xe ngay lập tức", anh Phong xúc động kể.
Cũng năm đó, Phong nhận được lời mời của một người bạn cùng hùn vốn mở gara ô tô để làm chủ, thoát cảnh làm thuê.
"Từ một đứa trẻ bụi đời, Phong giờ là người thành công và đóng góp nhiều cho xã hội. Không chỉ giúp bản thân có cơ hội làm giàu, gara của anh ấy còn nhận sinh viên về thực tập, dạy nghề. Cậu ấy còn hỗ trợ tôi tham gia các buổi nói chuyện, định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên trên kênh Youtube để các bạn trẻ khắp nơi có thể học hỏi", thạc sỹ Trần Minh Hải chia sẻ.
Trong những buổi sinh hoạt đó, anh thường kể lại câu chuyện đời mình, mục đích muốn nói với các bạn trẻ rằng: "Đại học không phải là cánh cửa duy nhất để thành công, làm giàu. Việc giỏi một nghề cũng rất quan trọng. Tôi tự hào vì nhờ có nghề sửa ô tô mà đời tôi rẽ sang một hướng khác tốt đẹp hơn. Và ngoài sự nỗ lực của bản thân, tôi may mắn khi trên con đường mình đi có một người đồng hành là thầy Hải và những người bạn cùng chí hướng".