Nửa thế kỷ truyền nghề chưa một lần thu học phí của lão nghệ nhân làng mộc

CTV

(Dân trí) - Ở tuổi 72, nghệ nhân Nguyễn Văn Tiếp vẫn nhận dạy miễn phí cho bất kỳ ai có đam mê và mong muốn theo học nghề chạm mộc.

Ông Nguyễn Văn Tiếp là hậu duệ đời thứ 5 của một gia đình làm nghề chạm mộc tại làng nghề Đông Khương, phường Điện Phương, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam. Ông kế thừa nghề truyền thống của gia đình từ năm 14 tuổi, đến nay đã được 58 năm. Suốt khoảng thời gian đó, ông đã đào tạo cho hơn 100 thợ với học phí 0 đồng.

Ban đầu, chỉ có vài thanh niên trong làng theo ông học nghề, nhưng sau này nhiều người tìm đến ông nhờ tiếng lành đồn xa. Bản thân ông không từ chối, hễ ai có đam mê, tu chí và yêu nghề ông sẽ nhận làm học trò.

Nửa thế kỷ truyền nghề chưa một lần thu học phí của lão nghệ nhân làng mộc - 1

Ông Nguyễn Văn Tiếp dạy học trò nghề mộc truyền thống (Ảnh: Kim Duyên).

Trong những ngày đầu, người học được dạy các thao tác cơ bản như vẽ mẫu, tập đục gỗ cho quen tay. Khi đã làm thuần thục, ông mới chuyển sang hướng dẫn các công đoạn phức tạp hơn.

Trong những tháng tiếp theo, người học được giao bài tập điêu khắc dựa trên mẫu do ông cung cấp. Ông tự tay chỉnh từng đường đục, hướng dẫn cách làm nhanh và hiệu quả. Khi đã quen tay, ông mới giao cho thợ chính kèm thêm.

"Có nhiều người đến đây xin tôi cho học nghề, nhưng chỉ được 5-7 tháng lại bỏ vì ngại cực và không có đủ đam mê. Nghề này cần phải có sự kiên trì, phải bỏ cái tâm mình vào mới có thể gắn bó lâu dài", ông Tiếp chia sẻ.

Nghề mộc vất vả, nhiều người bỏ giữa chừng, nhưng ông luôn khuyến khích sự kiên trì và tận tâm. Suốt 50 năm qua, ông chưa một lần thu học phí, thậm chí còn hỗ trợ tiền cơm và thưởng cho học trò nếu làm tốt. Những thợ giỏi sẽ được giữ lại làm việc với mức lương 10-12 triệu đồng/tháng.

Nửa thế kỷ truyền nghề chưa một lần thu học phí của lão nghệ nhân làng mộc - 2

Anh Lê Thường là một trong những học trò lâu năm nhất của ông Tiếp (Ảnh: Kim Duyên).

Anh Lê Thường, trú phường Điện Phương, thị xã Điện Bàn là một trong số những học trò đầu tiên của ông Tiếp. Anh Thường bị tai nạn giao thông khiến 2 chân yếu và không thể làm việc nặng. May mắn đến với anh khi được ông Tiếp nhận làm học trò và sau 2 năm được cầm tay chỉ dạy, anh Thường đã có thể tự mình làm ra sản phẩm.

"Những ngày đầu học làm mộc gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng nhờ công ơn chỉ dạy tận tình của thầy, tôi đã gắn bó được với nghề 24 năm qua, có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống gia đình", anh Lê Thường bộc bạch.

Anh Nguyễn Minh Triết, trú phường Điện Phước, thị xã Điện Bàn cũng là một học trò của ông Tiếp. 

"Thầy Tiếp là một người rất nhiệt tình, thường xuyên quan tâm và chỉ dạy cho người thợ mới vào nghề. Ngoài những bài học trong nghề, thầy còn dạy cho chúng tôi bài học về đạo đức, cách đối nhân xử thế, truyền đạt cái tâm yêu nghề", anh Triết chia sẻ.

Nửa thế kỷ truyền nghề chưa một lần thu học phí của lão nghệ nhân làng mộc - 3

Ông Tiếp luôn căn dặn các học trò phải giữ vững đạo đức và cái tâm yêu nghề (Ảnh: Kim Duyên).

Nhờ có nghệ nhân Nguyễn Văn Tiếp, nhiều thanh niên lêu lổng, khó khăn, hay những người khuyết tật trong làng có công ăn việc làm ổn định. Ông cũng cảm thấy tự hào khi một số học trò sau khoảng thời gian học nghề và đi làm ở nhiều nơi khác cũng đã trở thành những nghệ nhân ưu tú, thu nhập cao.

Ba người con của ông cũng lần lượt nối nghiệp cha, duy trì và phát triển nghề làm mộc truyền thống của gia đình.

Qua nhiều năm cống hiến và sáng tạo không ngừng nghỉ, nghệ nhân Nguyễn Văn Tiếp đã đạt được nhiều thành tựu quý giá.

Năm 2010 ông đạt danh hiệu doanh nhân tiêu biểu do Bộ Công Thương trao tặng và danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Năm 2016 được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân. Hiện tại ông là Chủ tịch Hiệp hội thủ công mỹ nghệ Quảng Nam.

"Với tôi, một nghệ nhân là không có tuổi nghỉ hưu. Lòng nhiệt thành và cái tâm với nghề làm tôi muốn gắn bó cho đến khi không còn đủ sức khỏe. Tôi mong thế hệ trẻ hôm nay cố gắng giữ gìn để nghề truyền thống không bị mai một", ông Nguyễn Văn Tiếp tâm sự.

Kim Duyên