Nữ lao động mất việc ở TPHCM, gọi về quê vẫn ráng cười: "Mẹ ổn!"

Hoài Nam

(Dân trí) - Chủ nhà ngưng thuê người, cô Phạm Thị Mười (TPCHM) mất việc ngay giữa mùa dịch. Cô giấu nhẹm con cái ở quê chuyện thất nghiệp và phải ở nhờ nhà người quen đã 2 tháng nay.

Cám cảnh mất việc giữa mùa dịch 

Cô Phạm Thị Mười từ Nghệ An vào TPHCM làm công nghề giúp việc nhà được gần 5 năm nay. Chồng lớn tuổi, con trai bị tai nạn mất sức lao động nên cô trở thành trụ cột trong gia đình và chọn cách đi xa để "lập nghiệp".

Công việc của người phụ nữ 53 tuổi này cũng không suôn sẻ trong mấy năm nay vì phải trải qua nhiều lần đổi chủ. Tết rồi về quê, cô không muốn đi làm xa nữa nhưng ở nhà không biết lấy gì mà sống nên tự động viên ráng thêm vài năm nữa.

Lương giúp việc 6 triệu/tháng, đến kỳ lĩnh lương cô nhờ chủ nhà chuyển gần hết về quê cho con. Cô chỉ giữ lại một ít tiền trong người phòng thân.

Nữ lao động mất việc ở TPHCM, gọi về quê vẫn ráng cười: Mẹ ổn! - 1

Một phụ nữ trung niên tìm việc làm tại một phiên giao dịch việc làm tại TPHCM (Ảnh: Nam Thái).

Giữa tháng 5 vừa rồi, chủ nhà đang thuê cô chưa đầy năm ở  Thủ Đức báo sẽ ngưng thuê người do kinh tế khó khăn. Cô Phạm Thị Mười nghẹn đắng, cuống quýt tìm chỗ khăn gói ra đi. 

May thay, trong chung cư có người đồng hương thân thiết, nên cô xin qua ở nhờ trong thời gian chờ tìm việc mới. Nghĩ trong bụng ở nhờ cùng lắm vài ngày, nhưng đến nay đã hơn một tháng cô vẫn chưa tìm được việc. 

"Công việc này không ổn định nhưng trước giờ vẫn dễ tìm việc, hở cái là có người "rước" ngay. Nhưng giờ dịch, các gia đình cắt giảm người làm, cả tháng qua vẫn chưa tìm được chủ mới", cô Phạm Thị Mười nghẹn ngào.

Theo khảo sát nhanh vừa công bố ngày 17/6 của Viện nghiên cứu Đời sống xã hội, khó khăn gặp phải thường xuyên nhất của người lao động trong thời gian dịch bệnh hầu hết liên quan đến việc làm. Nhóm lao động tự do bị ảnh hưởng cao nhất 57,65%.

Cùng cảnh thất nghiệp, chị Trần Thị Hoan, 43 tuổi phải tạm dừng công việc lao công cho một đơn vị quản lý nhà chung cư ở quận 7 do Công ty cắt giảm nhân sự

Tìm việc nhiều nơi không thành, chỗ lương quá thấp, nơi lại làm quá xa, chị nhận đi rửa bát, lau dọn cho một quán phở. Quán làm ăn khó khăn nên cũng đóng cửa. Chị lại mất việc.  

Chị chuyển phòng trọ đến ở chung với mấy người quen cùng công ty cũ để tiết kiệm tiền phòng. Đã 2 tháng nay, chị vay mượn người nọ người kia để gửi tiền về lo cho hai con cùng ông bà ở quê. 

"Mẹ trong này khỏe, không có gì phải lo"

Ở nhờ lâu, cô Phạm Thị Mười ái ngại nhưng chưa biết phải tính đường nào. Con cái ở quê nghe TPHCM bùng phát dịch gọi điện hỏi han tình hình, cô vẫn ráng cười: "Mẹ trong ngày khỏe, không có gì phải lo!". 

Đã sang tháng thứ 2, cô không gửi tiền về cho gia đình. Cô "bẻ lái" qua do chủ nhà đang khó, chờ cuối năm họ thanh toán một cục, rồi gắng động viên cha con ở nhà.

Nữ lao động mất việc ở TPHCM, gọi về quê vẫn ráng cười: Mẹ ổn! - 2

Người lao động tại TPHCM làm hồ sơ nhận trợ cấp thất nghiệp (Ảnh: Nam Thái).

Trong hoàn cảnh này, cô Phạm Thì Mười chỉ muốn lên tàu về quê. Nhưng cô bảo không tài nào mở lời nói với chồng con về tình cảnh của mình hiện tại.  

Chị Trần Thị Dung trọ ở quận 12, quê ở Vĩnh Phúc cũng đã thất nghiệp gần một năm nay. Chị từng làm công nhân cho công ty may và phải nghỉ việc khi doanh nghiệp cắt giảm nhân sự.

"Tôi phải gắng tiết kiệm hết cỡ để gom góp tiền gửi về cho gia đình. Ai thuê làm gì tôi đều nhận hết, từ giúp việc theo giờ, phụ bán hàng, thu gom đồng nát... cuộc sống bấp bênh vô cùng nhưng vẫn muốn giấu mọi người ở nhà" - chị Trần Thị Dung chia sẻ.

Chị kể rằng những bà mẹ đi làm xa nuôi con, nếu có khoản này khoản kia là khoe với gia đình ngay. Nhưng khi khó lại tự mình gồng gánh, ít nói với người thân. 

"Khi không có việc làm, không chỉ là vấn đề tiền nong mà còn là áp lực về tâm lý, tinh thần rất lớn với người làm mẹ" - chị Trần Thị Dung trải lòng. 

Theo thông tin từ Sở LĐ-TB&XH TPHCM, thành phố hiện có khoảng 42.500 công nhân bị mất việc, ngừng việc tại hơn 1.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Trong đó, khoảng 400 doanh nghiệp doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc trả lương cho hơn 12.800 công nhân.