1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Nóng tuần qua: “Lao động nhập cư trái phép, hậu quả thảm khốc có thể xảy ra"

(Dân trí) - Bộ trưởng Lao động cảnh báo nguồn cung lao động giảm, Hà Nội củng cố hồ sơ 5 doanh nghiệp nợ BHXH trước khi chuyển sang cơ quan công an, Thứ trưởng Bộ Lao động lên tiếng về vụ 39 lao động nhập cư trái phép sang Anh, doanh nghiệp phải “lách” luật để có thêm giờ làm việc…

Nóng tuần qua: “Lao động nhập cư trái phép, hậu quả thảm khốc có thể xảy ra - 1

Đây là những thông tin lao động việc làm hấp dẫn trên Chuyên mục Việc làm, Báo Dân trí tuần qua.

Vụ 39 người chết trong container: Hậu quả thảm khốc!

Liên quan đến vụ 39 người chết trong container trên đường nhập cư trái phép vào Anh, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân cho biết, chính sách nhập cư của Anh rất chặt chẽ. So với các quốc gia khác, thu nhập tại Anh khá cao. Chính vì thế nước Anh trở thành điểm đến của nhiều lao động bất hợp pháp, từ nhiều quốc gia khác nhau.

Cũng theo Thứ trưởng Lê Quân, hiện nay, giữa Việt Nam và Anh không có thỏa thuận tiếp nhận lao động nhưng Việt Nam có thoả thuận lao động chính thức với nhiều quốc gia khác.

Theo Thứ trưởng Lê Quân, đây là một vụ mua bán người, hoạt động tội phạm gây ra hậu quả thảm khốc, bị cả thế giới lên án.

Hiện nay các cơ quan chức năng của Việt Nam đang phối hợp tích cực với cơ quan chức năng của Anh quốc để xử lý những vấn đề có liên quan đến vụ việc, làm rõ các thông tin, hỗ trợ gia đình các nạn nhân và đặc biệt là điều tra làm rõ các hành vi tội phạm, buộc chúng phải đền tội...

Vụ “kế toán vừa hưởng chế độ thai sản vừa hưởng lương”: Không đúng quy định

Liên quan đến vụ “ kế toán vừa hưởng chế độ thai sản vừa hưởng lương" xảy ra tại Trung tâm Huấn luyện - Đào tạo và Thi đấu thể dục thể thao tỉnh Cà Mau, nhiều ngành chức năng Cà Mau cho rằng không đúng quy định.

Sở Tài chính tỉnh Cà Mau vừa tổ chức cuộc họp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL), Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), Sở Nội vụ về việc sử dụng lao động và chi trả lương cho bà Nguyễn Tuyết Liễu (kế toán của Trung tâm Huấn luyện - Đào tạo và Thi đấu thể dục thể thao tỉnh Cà Mau, thuộc Sở VH-TT&DL tỉnh Cà Mau).

Theo kết luận của Sở Tài chính tỉnh Cà Mau, căn cứ quy định của Luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội, Trung tâm Huấn luyện - Đào tạo và Thi đấu thể dục thể thao tỉnh Cà Mau sử dụng lao động và chi trả lương trong thời gian thai sản là chưa đúng quy định tại khoản 4, Điều 157, Bộ Luật Lao động và Điều 40, Luật Bảo hiểm xã hội...

Hà Nội: Xem xét chuyển hồ sơ 5 doanh nghiệp nợ BHXH sang cơ quan công an

“Các doanh nghiệp nợ BHXH với tổng số tiền hơn 77 tỷ đồng trong thời gian dài, ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của hơn 400 lao động và hàng ngàn lao động gián tiếp. Đây là lần cuối cùng liên ngành muốn lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp trước khi thực hiện tiếp các quy định của Luật Hình sự”.

Ông Nguyễn Đức Hoà - Giám đốc Bảo hiểm xã hội Hà Nội, trao đổi tại cuộc làm việc giữa liên ngành bảo hiểm xã hội, công an và công đoàn với 5 doanh nghiệp nợ BHXH trên địa bàn thành phố.

Cũng theo đại diện BHXH Hà Nội, các doanh nghiệp nợ BHXH không nên đánh đồng việc nợ thuế với Nhà nước và nợ BHXH.

“Vì số tiền đóng BHXH, người lao động đã được doanh nghiệp trực tiếp thu và quản lý. Người lao động dành cả tuổi trẻ và sức lực để đóng góp cho doanh nghiệp. Khi về già hoặc ốm đau, họ cần được đảm bảo những quyền lợi chính đáng về BHXH, BHYT, BHTN…” - ông Nguyễn Đức Hoà cho biết.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Chỉ còn 400.000 người/năm “bước vào” thị trường lao động

“Trong quá trình xây dựng Luật Lao động sửa đổi, nhiều doanh nghiệp đã phản ánh việc thiếu lao động, đặc biệt là thợ kỹ thuật. Điều này có căn cứ bởi cách đây 7 năm, đầu vào thị trường lao động của Việt Nam là 1,2 triệu người/năm. Đến năm 2018, con số trên chỉ còn 400.000 người, cho thấy tốc độ già hoá đang rất nhanh…”.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu tại Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Trường Cao đẳng Cơ khí nông nghiệp với các doanh nghiệp trong đào tạo, cung ứng 21.500 nhân lực tay nghề cao giai đoạn năm 2020 - 2025. Nhân sự kiện gắn kết đào tạo giữa doanh nghiệp và nhà trường, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã chia sẻ những quan ngại và cảnh báo về tình trạng thiếu lao động tay nghề cũng như mất cân đối cơ cấu nhân lực vùng miền.

“Lực lượng lao động Việt Nam bắt đầu thiếu chứ không phải dồi dào nữa. Ở nông thôn hiện có 2 tình trạng dễ nhận thấy là già hoá và phụ nữ hoá. Cũng trong thời gian qua, các địa phương và ngành nông nghiệp cũng đã chủ động tổ chức đào tạo nhiều ngành, nghề thu hút và “giữ chân” nông dân. Nếu không xu hướng dịch chuyển lao động nông thôn vào đô thị hoặc chỉ đi xuất khẩu lao động còn lớn hơn nhiều…” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bày tỏ…

Doanh nghiệp phải “lách” luật để làm thêm giờ, vậy sao phải giảm giờ làm?

“Với thời giờ làm việc tiêu chuẩn là 48 giờ/tuần, doanh nghiệp vẫn phải tổ chức làm thêm giờ mới có thể đáp ứng nhu cầu sản xuất. Nhiều doanh nghiệp thậm chí còn “lách” Luật, làm thêm quá số giờ quy định do giới hạn làm thêm giờ ở Việt Nam đang quá khắt khe…”

Đây là kiến nghị của Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam liên quan tới nhiều nội dung được nêu tại Dự thảo Bộ Luật Lao động 2012 (sửa đổi), trong đó có việc điều chỉnh giờ làm việc tiêu chuẩn trong tuần. Vấn đề này cũng đang thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận xã hội.

Đánh giá của Hiệp Hội cho thấy, trình độ phát triển, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đang ở mức thấp so với các nước trong khu vực. Trong khi đó, đa số các nước vẫn duy trì thời gian làm việc tiêu chuẩn là 48 giờ/tuần như Thái Lan, Ấn Độ, Bangladesh, Malaysia, Philippines, Lào.

Theo bà Đào Thị Thu Huyền, Chánh Văn phòng Hiệp hội, tình hình tuyển dụng lao động ở Việt Nam hiện nay vô cùng khó khăn cộng thêm tình trạng nghỉ việc tràn lan của người lao động. Không ít doanh nghiệp không chỉ tuyển dụng qua các trung tâm dịch vụ việc làm và còn đến các tỉnh xa mà vẫn không tuyển đủ lao động.

"Tăng thêm 10 triệu người tham gia BHXH nếu điều chỉnh đối tượng..."

Bảo hiểm xã hội VN vừa gửi đề xuất về các giải pháp nhằm tăng đối tượng tham gia BHXH. Trong đó có đề xuất thay đổi nhận thức về đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc và rà soát nhằm tích hợp các chính sách an sinh xã hội nhằm xây dựng các gói BHXH linh hoạt.

Theo đề xuất của BHXH VN, việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc cần hướng tới toàn bộ đối tượng có quan hệ lao động (có thuê mướn, sử dụng và trả lương) chứ không chỉ quy định áp dụng đối với người có hợp đồng lao động từ đủ 1 tháng trở lên như hiện nay.

Lý giải của BHXH VN, nếu chỉ quy định loại hợp đồng lao động từ 1 tháng trở lên mới thuộc diện đóng BHXH (như hiện hành) thì có nguy cơ “bỏ sót” hoặc tạo ra “lỗ hổng” để người lao động và chủ sử dụng lao động dừng ký hợp đồng lao động cùng thoả thuận và chuyển sang hình thức khác nhằm ngừng đóng BHXH.

Theo ước tính của BHXH VN, nếu bổ sung quy định tham gia BHXH bắt buộc đối với toàn bộ người lao động có quan hệ lao động, cả nước sẽ có khoảng 10 triệu người tham gia trong diện này, nâng tổng số người tham gia BHXH bắt buộc lên khoảng 25 triệu người...

Phan Minh tổng hợp