Doanh nghiệp phải “lách” luật để làm thêm giờ, vậy sao phải giảm giờ làm?
(Dân trí) - “Với thời giờ làm việc tiêu chuẩn là 48 giờ/tuần, doanh nghiệp vẫn phải tổ chức làm thêm giờ mới có thể đáp ứng nhu cầu sản xuất. Nhiều doanh nghiệp thậm chí còn “lách” Luật, làm thêm quá số giờ quy định do giới hạn làm thêm giờ ở Việt Nam đang quá khắt khe…”
Đây là kiến nghị của Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam liên quan tới nhiều nội dung được nêu tại Dự thảo Bộ Luật Lao động 2012 (sửa đổi), trong đó có việc điều chỉnh giờ làm việc tiêu chuẩn trong tuần. Vấn đề này cũng đang thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận xã hội.
Đánh giá của Hiệp Hội cho thấy, trình độ phát triển, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đang ở mức thấp so với các nước trong khu vực.
Trong khi đó, đa số các nước vẫn duy trì thời gian làm việc tiêu chuẩn là 48 giờ/tuần như Thái Lan, Ấn Độ, Bangladesh, Malaysia, Philippines, Lào.
Theo bà Đào Thị Thu Huyền, Chánh Văn phòng Hiệp hội, tình hình tuyển dụng lao động ở Việt Nam hiện nay vô cùng khó khăn cộng thêm tình trạng nghỉ việc tràn lan của người lao động. Không ít doanh nghiệp không chỉ tuyển dụng qua các trung tâm dịch vụ việc làm và còn đến các tỉnh xa mà vẫn không tuyển đủ lao động.
Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam có 56 thành viên và đang sử dụng 324.000 lao động, nhu cầu tuyển thêm khoảng 29.455 lao động, ước tính tổng số giờ công lao động sụt giảm trên toàn bộ lao động hiện có trong năm là 66.096.000 giờ. Tổng thu nhập bình quân của người lao động tại các doanh nghiệp là 6,5 triệu đồng/tháng và áp dụng 51 tuần làm việc/năm.
Kiến nghị của Hiệp hội cho thấy thực tế: Với thời giờ làm việc tiêu chuẩn là 48 giờ/ tuần, doanh nghiệp vẫn phải tổ chức làm thêm giờ mới có thể đáp ứng nhu cầu sản xuất. Nhiều doanh nghiệp thậm chí còn “lách” Luật, làm thêm quá số giờ quy định do giới hạn làm thêm giờ hiện nay ở Việt Nam đang quá khắt khe.
“Do vậy, ngay cả thời gian làm việc tiêu chuẩn cũng cắt giảm thì chắc chắn các doanh nghiệp sẽ không thể đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, gây mất niềm tin của khách hàng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và thương hiệu” - bà Đào Thị Thu Huyền cho biết.
Nguy cơ được Hiệp nội nêu ra trong điều kiện giảm giờ làm việc tiêu chuẩn trong tuần là: Các doanh nghiệp nội địa dần dần sẽ không còn đơn đặt hàng nào từ khách hàng nữa sẽ phải đóng cửa, giải thể. Các doanh nghiệp FDI cũng sẽ phải chuyển sản xuất sang các nước khác, khối lượng công việc ở Việt Nam theo đó cũng sẽ giảm đi đáng kể gây ra nhiều hệ lụy tới kinh tế quốc gia.
Lo ngoại về viễn cảnh phải cắt giảm giờ làm việc tiêu chuẩn trong tuần từ 48 xuống 44 giờ, bà Đào Thị Thu Huyền cho rằng: Các doanh nghiệp hoặc sẽ phải tổ chức làm thêm giờ hoặc sẽ phải tuyển dụng thêm nhân lực để bù đắp cho phần sản lượng giảm đi. Do đó, chi phí cho sản xuất và nhân công sẽ tăng kéo theo giá thành xuất xưởng của sản phẩm sẽ tăng.
“Về lâu dài, các doanh nghiệp nội địa không chịu được áp lực về chi phí sẽ phải thu hẹp sản xuất, thậm chí đóng cửa, giải thể. Các doanh nghiệp FDI sẽ phải di chuyển sang các nước khác có chi phí nhân công cạnh tranh hơn. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới người lao động, như: Thiếu việc làm, dẫn đến nảy sinh nhiều nguy cơ về tệ nạn xã hội có nguy cơ phát sinh, ảnh hưởng tới nền kinh tế đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” - bà Đào Thị Thu Huyền cho biết.
Theo bà Đào Thị Thu Huyền: “Nếu giảm giờ làm tiêu chuẩn quá sớm so với các nước có cùng cạnh tranh khác như Thái Lan mà không giảm chi phí lao động khác, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tại Việt Nam khó cạnh tranh được với các nước đối thủ khác như Thái Lan, Ấn Độ, Banglades...”.
Phan Minh