1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Chỉ còn 400.000 người/năm “bước vào” thị trường lao động

(Dân trí) - “Trong quá trình xây dựng Luật Lao động sửa đổi, nhiều doanh nghiệp đã phản ánh việc thiếu lao động, đặc biệt là thợ kỹ thuật. Điều này có căn cứ bởi cách đây 7 năm, đầu vào thị trường lao động của Việt Nam là 1,2 triệu người/năm. Đến năm 2018, con số trên chỉ còn 400.000 người, cho thấy tốc độ già hoá đang rất nhanh…”

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Chỉ còn 400.000 người/năm “bước vào” thị trường lao động - 1
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung (thứ 2, trái sang) đang trao đổi với học sinh trường Cao đẳng Cơ khí nông nghiệp (Ảnh: Minh Thắng)

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu tại Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Trường Cao đẳng Cơ khí nông nghiệp với các doanh nghiệp trong đào tạo, cung ứng 21.500 nhân lực tay nghề cao giai đoạn năm 2020 - 2025. Chương trình diễn ra chiều 29/10 tại Vĩnh Phúc.

Nhân sự kiện gắn kết đào tạo giữa doanh nghiệp và nhà trường, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã chia sẻ những quan ngại và cảnh báo về tình trạng thiếu lao động tay nghề cũng như mất cân đối cơ cấu nhân lực vùng miền.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung tới làm việc tại Trường Cao đẳng Cơ khí nông nghiệp (Vĩnh Phúc)

“Lực lượng lao động Việt Nam bắt đầu thiếu chứ không phải dồi dào nữa. Ở nông thôn hiện có 2 tình trạng dễ nhận thấy là già hoá và phụ nữ hoá. Cũng trong thời gian qua, các địa phương và ngành nông nghiệp cũng đã chủ động tổ chức đào tạo nhiều ngành, nghề thu hút và “giữ chân” nông dân. Nếu không xu hướng dịch chuyển lao động nông thôn vào đô thị hoặc chỉ đi xuất khẩu lao động còn lớn hơn nhiều…” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bày tỏ.

1/3 công việc sẽ bị thay đổi bởi trí tuệ nhân tạo

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: “Một nghiên cứu gần đây cho thấy, trong 10-15 năm tới khoảng 1/3 công việc hiện tại sẽ thay đổi do tác động của công nghệ thông tin, robot, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo (AI); khoảng 40% lao động toàn cầu sẽ không có kỹ năng phù hợp với công việc của họ. Nhưng nếu các quốc gia tập trung phát triển kỹ năng của người lao động, lấy con người làm trung tâm có thể thúc đẩy tăng trưởng GDP lên tới 2%. Thậm chí kỹ năng còn được coi là đơn vị tiền tệ mới của thị trường lao động toàn cầu...”.

Từ thực tế đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá cao ý nghĩa của chương trình ký kết cung cấp nhân lực qua đào tạo với số lượng 21.500 lao động giai đoạn 2020-2025 tại Vĩnh Phúc.

Đây cũng là một trong số nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy mục tiêu nhằm nâng cao kỹ năng của lao động là chìa khóa để đưa Việt Nam tới thịnh vượng.

Trong đó, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp là nhân tố quyết định đến lực lượng lao động có kỹ năng phù hợp, tạo ra năng suất lao động vượt trội, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Bên cạnh việc đánh giá cao sự chủ động vào cuộc của các doanh nghiệp, Bộ trưởng cũng lưu ý các doanh nghiệp tham gia nên coi việc hợp tác hôm nay là một giải pháp tốt nhằm cùng nhau tháo gỡ bài toán nhân lực có tay nghề đang thiếu hụt.

Chia sẻ với các doanh nghiệp về kinh nghiệm tìm hiểu quá trình giáo dục nghề nghiệp ở CHLB Đức, Pháp, New Zealand, Austrailia, Rumainia, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bày tỏ: “Tại đó, doanh nghiệp phải tự tổ chức đào tạo. Nhưng ở Việt Nam, Nhà nước lại đang đào tạo cho doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp phải nhìn nhận đây là cơ hội và việc hợp tác với nhà trường để bỏ vốn ban đầu để đầu tư cho cộng đồng. Về lâu dài, người thụ hưởng chính là doanh nghiệp”.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Chỉ còn 400.000 người/năm “bước vào” thị trường lao động - 2

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung quan tâm tới quy trình thực hành trên máy. (Ảnh: Minh Thắng)

Do vậy, các doanh nghiệp cần chú trọng kết hợp cùng nhà trường ở 3 khâu: Thiết kế giáo trình, tạo điều kiện cho học sinh và sinh viên thực tập, trả lương đặt sản phẩm hàng đầu ra.

Trên thông tin về giáo dục nghề nghiệp ở CHLB Đức, theo đó: Giai đoạn thực tập năm đầu được doanh nghiệp trả 840 Euro trong năm đầu, sang năm thứ 2 tăng dần và năm thứ 3 là công nhân chính thức của doanh nghiệp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung kỳ vọng: "Tôi hy vọng với sự phát triển tới lúc nào đó, mô hình gắn kết đào tạo và việc làm ở Việt Nam cũng nên như vậy”.

Bên cạnh đó, vai trò của Trường Cao đẳng Cơ khí nông nghiệp trong hợp tác đào tạo, cung ứng nhân lực với số lượng 21.500 người trong 5 năm không hề nhỏ. 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lưu ý tới khâu tổ chức thực hiện: "Tới đây, nhà trường cần đặc biệt chú ý tập trung tuyên truyền, xây dựng phương án tuyển sinh theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp, các bộ và các địa phương. Nhà trường cũng cần phối hợp ngay với từng doanh nghiệp rà soát, chỉnh sửa lại các chương trình đào tạo, vừa đáp ứng chuẩn đầu ra, vừa cập nhật, bám sát yêu cầu của doanh nghiệp, nhất là những yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0…”.

Hướng tới mô hình 2 nhà trường thực chất trong giáo dục nghề nghiệp 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung giải thích về mục tiêu chuyển hướng đào tạo nghề 70 % thực hành: “Muốn thực hiện được điều này, chúng ta ít nhất phải thực hiện song song 2 “nhà trường”. Một nhà trường với các giáo viên và giảng đường, phòng thực hành như hiện nay. Một nhà trường thứ hai cũng rất quan trọng chính là doanh nghiệp. Và mỗi doanh nghiệp phải là một trường nghề”.

Nếu thực hiện được mục tiêu này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam mới trở thành đào tạo kép và kỹ năng lao động Việt Nam sẽ là một nguồn nhân lực tốt, không đứng ngoài nhu cầu của doanh nghiệp.

Hoàng Mạnh