1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Nông dân Việt "siêu" sáng chế khiến chuyên gia nước ngoài "ngả mũ bái phục"

(Dân trí) - Câu chuyện về cuộc đời và những sáng chế tiện ích, thông minh của người nông dân này từng khiến nhiều chuyên gia phải “ngả mũ, bái phục”. Cũng nhờ những sáng kiến này, công việc của người lao động phần nào bớt đi nặng nhọc, tăng năng suất lao động, thu nhập và việc làm bền vững hơn.

Dù mới chỉ học hết lớp 7 và chưa hề qua một trường lớp đào tạo nào về cơ khí thế nhưng anh nông dân Phạm Văn Hát (SN1972, xã Ngọc Kỳ, Tứ Kỳ, Hải Dương) đã chế tạo thành công hàng loạt máy đa năng, rô bốt lao động tiện ích, hiệu quả cho người nông dân.

Không chỉ “đánh bại” các loại máy móc của Trung Quốc, Nhật Bản tại thị trường trong nước, một số loại máy do anh Hát sáng chế còn xuất khấu sang các nước như: Lào, Campuchia, Malaysia, Nga… Đáng chú ý, sản phẩm rô bốt đặt hạt của anh Hát từng giành được nhiều giải cao trong các cuộc thi sáng chế, được xuất khẩu sang 14 nước, trong đó có cả Đức và Mỹ.

Nông dân “hai lúa” được người Israel “ngả mũ bái phục”

Mỗi năm cơ sở sản xuất của “kỹ sư hai lúa” này cung ứng ra thị trường gần trăm máy móc các loại, thu lợi nhuận trên 1 tỷ đồng. Câu chuyện về cuộc đời và những sáng chế tiện ích, thông minh của người nông dân này từng khiến nhiều chuyên gia phải “ngả mũ, bái phục”.

Anh Hát chia sẻ, anh đến với nghề chế tạo máy móc khá tình cờ. Xuất thân trong một gia đình làm nông nghiệp, cuộc sống khó khăn nên học hết lớp 7 anh phải nghỉ học ở nhà. Để có tiền phụ giúp bố mẹ lo cho các em ăn học, anh Hát xin vào một xưởng cơ khí trên thành phố, vừa học nghề, vừa làm.


Nhà sáng chế Phạm Văn Hát dù chỉ học hết lớp 7 những đã có hàng loạt những sản phẩm máy móc cải tiến hiệu quả được bà con nông dân ưa chuộng, sử dụng. Ảnh: Hà Trang

Nhà sáng chế Phạm Văn Hát dù chỉ học hết lớp 7 những đã có hàng loạt những sản phẩm máy móc cải tiến hiệu quả được bà con nông dân ưa chuộng, sử dụng. Ảnh: Hà Trang

Vốn nhanh nhẹn, sáng dạ lại sẵn có lòng đam mê với các các loại máy móc nên anh Hát học nghề rất nhanh. Khi đã có kiến thức, anh về quê mở một xưởng cơ khí tại nhà. Đến năm 2007, khi mở thêm trang trại trồng rau sạch, gia đình anh thua lỗ nặng và phải vay nợ ngân hàng hơn 3 tỷ đồng.

Để có tiền trả nợ, anh Hát “vét sạch” những đồng tiền cuối cùng trong nhà, đăng ký đi xuất khẩu lao động ở Israel. “Áp lực nợ nần khiến cuộc sống của gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn. Tôi sang Israel vào tháng 10/2010 và ngay sau đó đã được nhận vào làm công nhân cho một trang trại trồng rau sạch với mức lương khoảng 1.000 USD”, anh Hát kể.

Một lần, anh Hát được ông chủ giao nhiệm vụ cùng một nhóm công nhân khác thực hiện việc rải phân trên cánh đồng để chuẩn bị gieo hạt. Dù đã có sự hỗ trợ của máy móc nhưng công việc chủ yếu vẫn phải làm thủ công. Làm đến ngày thứ 3, thấy quá vất vả mà hiệu quả không cao nên anh Hát nằng nặc xin gặp ông chủ và đề xuất việc cải tiến máy rải phân.

Không biết tiếng Anh, anh Hát ra hiệu bằng tay sau đó vẽ nguệch ngoạc trên nền đất bản thiết kế của mình. Không ngờ, ông chủ người Do Thái hiểu ý ngay, lập tức kéo anh về phòng làm việc của mình và cung cấp cho giấy bút để hoàn thiện. Nhờ kiến thức đã tích lũy và kinh nghiệm làm nông của mình, chỉ trong ít ngày anh Hát đã cải tiến chiếc máy rải phân mới dựa trên động cơ của chiếc máy cày, có thể thay thế cho 25 lao động.

“Tôi làm đến lần thứ 3 thì thành công, dù trời đã tối nhưng ông chủ và người con trai vẫn rất hào hứng mang máy ra trang trại để thử nghiệm. Thấy chiếc máy rải phân đều, lại không tốn công lao động, ông chủ ôm chầm lấy tôi và không giấu nổi sự cảm kích”, anh Hát kể.

Sản phẩm rô bốt đặt hạt được xuất khẩu sang 14 nước do anh Hát sáng chế. Ảnh: Hà Trang
Sản phẩm rô bốt đặt hạt được xuất khẩu sang 14 nước do anh Hát sáng chế. Ảnh: Hà Trang

Nhà sáng chế “hai lúa” này cho biết, ngay ngày hôm sau ông chủ quyết định tăng mức lương cho anh từ 1.000 USD lên 3.000USD, đồng thời cho anh nghỉ làm việc để tập trung cho việc sáng chế, nghiên cứu cải tiến các loại máy móc.

Điều bất ngờ là chiếc máy rải phân của anh Hát ngay sau đó được đích thân Hội đồng thẩm định của nhà nước Israel đến tìm hiểu và mua bản quyền. Thấy hiệu quả, họ quyết định chi khoảng 5 tỷ VNĐ để “mua đứt”, riêng anh Hát được ông chủ người Do Thái trích 200 triệu đồng để trả công.

Tết năm đó, để bày tỏ sự cảm kích của mình, người chủ trang trại đã dẫn anh Hát đến thăm Đại sứ quán Việt Nam ở Israel và dành tặng anh Hát nhiều món quà giá trị như điện thoại, máy tính và tiền mặt. Tuy nhiên, dù được trả lương cao và tiếp đãi chu đáo nhưng anh Hát vẫn mong muốn mang những sáng chế của mình phục vụ bà con nông dân ở quê nhà.

“Khi làm đến tháng thứ 6 ở Israel, tôi đã thực hiện cải tiến được khoảng gần chục loại máy. Nhìn những ý tưởng của mình phục vụ tốt, hiệu quả cho người nông dân nước bạn, tôi thấy vô cùng chạnh lòng và ao ước được mang những sáng chế này trở về quê nhà”, anh Hát kể.

Máy phun thuốc trừ sâu do Hát sáng chế có độ sải cánh 20m, thay thế cho khoảng 50 lao động thủ công. Ảnh: Hà Trang
Máy phun thuốc trừ sâu do Hát sáng chế có độ sải cánh 20m, thay thế cho khoảng 50 lao động thủ công. Ảnh: Hà Trang

“Vua sáng chế” thu tiền tỷ mỗi năm

Nghĩ là làm, ngay ngày hôm sau anh Hát xin nghỉ làm, lấy lý do về Việt Nam thăm người ốm. Ban đầu, ông chủ Israel không đồng ý nhưng thấy anh tha thiết nên cũng đã đích thân đặt vé máy bay khứ hồi đồng thời hứa tăng lương nếu anh quay trở lại.

Đầu năm 2012, khi đặt chân về quê nhà, anh Hát mở xưởng cơ khí và chuyên tâm cải tiến, chế tạo các loại máy móc nông nghiệp phục vụ cho bà con nông dân trong vùng. Không thấy anh Hát trở lại, người chủ Do Thái nhờ người sang Việt Nam liên hệ, mời anh quay trở lại làm. “Họ hứa tăng mức lương cho tôi lên 5.000 USD rồi 6.000USD nhưng tôi đều từ chối”, anh Hát nói.

Quyết định này của anh Hát vấp phải sự phản đối quyết liệt từ vợ con và người thân trong gia đình. “Vợ tôi khóc hết nước mắt, một mực muốn tôi quay trở lại Israel thêm một vài năm làm việc, tích lũy một khoản tiền để trả nợ. Về sau, thấy tôi đam mê máy móc và quyết tâm cao, vợ tôi mới xuôi dần và quay sang ủng hộ”, anh Hát nhớ lại.

Tại Hội triển lãm Nông lâm ngư nghiệp quốc tế vừa diễn ra ở Hà Nội, gian hàng trưng bày sản phẩm của anh Hát thu hút rất đông những vị khách nước ngoài đến tham quan, tìm hiểu. Ảnh Hà Trang
Tại Hội triển lãm Nông lâm ngư nghiệp quốc tế vừa diễn ra ở Hà Nội, gian hàng trưng bày sản phẩm của anh Hát thu hút rất đông những vị khách nước ngoài đến tham quan, tìm hiểu. Ảnh Hà Trang

Chiếc máy đầu tiên mà anh Hát cải tiến, chế tạo là chiếc rô bốt đặt hạt. Chiếc máy có trọng lượng khoảng 20kg, thiết kế đơn giản không cần người điều khiển mà có thể tự động san đều, đặt hạt thẳng hàng tăm tắp. Điều đặc biệt, rô bốt có hiệu suất công việc bằng 30 – 40 lao động thủ công và có thể gieo hạt trên mọi loại địa hình.

“Rô bốt gieo hạt sử dụng bình ác quy, không cần người vận hành, van đóng mở tự động, nên tiết kiệm thời gian mà không gây lãng phí hạt giống”, anh Hát giới thiệu.

Sáng chế này của anh Hát ngay sau đó đã giành được giải nhất Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Hải Dương 2012-2013 và cuộc thi Nhà sáng chế số 9 năm 2014. Sản phẩm này đã được xuất khẩu đi 14 nước trên thế giới như: Nga, Mỹ, Đức, Israel, Lào, Thái Lan… và phân phối khắp 63 tỉnh thành của cả nước. Riêng năm 2016, anh Hát bán được 40 chiếc rô bốt gieo hạt ra thị trường, trong đó mỗi chiếc có giá vào khoảng 30 triệu đồng.

Ngoài ra, anh Hát còn thiết kế hàng loạt các loại máy móc khác như: máy phun thuốc trừ sâu có độ sải cánh 20m, có thể đi trên mọi loại địa hình, thay thế cho 50 lao động thủ công; máy cày ruộng, máy thu hoạch khoai tây, cà rốt…

Hầu hết các loại máy móc này đều có thiết kế, vận hành đơn giản nên được nhiều bà con nông dân ưa chuộng, sử dụng. Mới đây, “nhà sáng chế hai lúa” này được một Tập đoàn máy nông nghiệp của Mỹ mời sang làm việc với mức lương 7.000 USD nhưng anh Hát từ chối.

Với những thành tích và đóng góp của mình, tại Đại hội Thi đua yêu nước và biểu dương nông dân điển hình tiên tiến toàn quốc lần thứ IV giai đoạn 2010-2015 diễn ra tại Hà Nội, ông Hát đã được tặng thưởng huân chương Lao động hạng Ba.

Hà Trang