1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Bình Định:

Nuôi nai lấy nhung, nuôi chơi chơi vẫn cho thu nhập 100 triệu đồng/năm

(Dân trí) - Chuồng trại đơn giản, kỹ thuật nuôi không quá khó, nhưng mỗi năm gia đình ông Lê Thanh Long (50 tuổi, ở thôn Kim Sơn, xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân, Bình Định) thu nhập cả 100 triệu đồng nhờ nuôi nai bán nhung.


Nuôi chơi chơi, thu nhập thiệt

Mô hình nuôi nai lấy nhung, không còn quá xa lạ ở một số tỉnh thành khác trong cả nước. Thế nhưng, nó vẫn còn mới với người chăn nuôi ở xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân (Bình Định). Cứ nghĩ con nai quen sống hoang dã ở trong rừng rú, nhưng nay đang được nuôi tại “gia” ở một số hộ dân của huyện Hoài Ân. Hộ ông Lê Thanh Long là một trong người đầu tiên, duy nhất xã Ân Nghĩa tiên phong với mô hình nuôi nai lấy nhung đem lại hiệu quả kinh tế cao so với bất kỳ vật nuôi khác tại địa phương. Hiện ông Long có 5 con nai trưởng thành, 4 đực, 1 cái đang cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng mỗi năm từ bán nhung nai.

Nuôi nai lấy nhung, nuôi chơi chơi vẫn cho thu nhập 100 triệu đồng/năm
Nuôi nai lấy nhung, vừa nuôi vừa chơi, nhưng mỗi năm gia đình ông Long thu nhập trên 100 triệu đồng/năm

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
 
Theo ông Long, cơ duyên đến với nuôi con nai, năm 2007, khi còn làm cán bộ khuyến nông kiêm thú y xã, ông tình cờ biết đến mô hình nuôi nai lấy nhung của một nông dân ở xã Ân Tín. Qua tìm hiểu, thấy mô hình nuôi đơn giản, kỹ thuật nuôi không quá khó, nhưng lại cho thu nhập cao. Nhiều lần lân la, hỏi dò bí quyết nuôi nai, sau đó ông quyết định chuyển đổi mô hình nuôi heo sang nuôi con nai.

“Thời điểm đó, 1 kg nhung nai họ đã bán 21 triệu đồng, nghe hấp dẫn tôi quyết định chuyển hướng chăn nuôi. Tôi về bàn với vợ bán hết heo nái, heo thịt và nhím đang nuôi, vay mượn thêm bạn bè để làm chuồng trại, mua nai về nuôi. Thế nhưng, nhiều lần qua dò hỏi mua nai giống mà họ không bán. Tôi năn nỉ, thậm chí đưa cả vợ qua nhà thăm mô hình để thể hiện sự tha thiết của mình, sau đó họ mới đồng ý bán cho một con nai tơ giống. Tôi mua con nai giống đầu tiên nặng 40 kg với giá 17 triệu đồng. Ba năm sau, thu lứa nhung đầu tiên và thanh toán xong khoản tiền vay mượn ban đầu, ông Long kể.

Thấy con nai dễ nuôi, năm 2008 ông Long mua tiếp một cặp nai giống (một đực, một cái) với giá 39 triệu đồng. Một năm, con nai cho lộc nhung đầu tiên, còn con cái làm nhiệm vụ sinh sản, tăng đàn.

Nai ít bệnh tật, thức ăn dễ kiếm thích hợp với vùng rừng núi huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định
Nai ít bệnh tật, thức ăn dễ kiếm thích hợp với vùng rừng núi huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định

Đến năm 2012, số nai trong gia đình tăng lên 6 con, 1 cái làm nhiệm vụ sinh sản tăng đàn, 5 con đực khai thác nhung, thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm. “Hiện tại chỉ còn 4 con đực, nhưng chỉ 3 con khai thác. Dự kiến năm nay, khoảng 3,5 kg nhung, với giá bán hiện tại 15 triệu đồng/kg, tính ra cũng có trên 50 triệu mà công việc chăn nuôi thấy nhàn hạ", ông Long tiết lộ.

Nhân giống, phát triển đàn

Qua gần 8 năm chuyển qua mô hình nuôi nai, ông Long nhận thấy con nai dễ nuôi mà hiệu quả kinh tế cao. Dự tính, trong thời gian tới ông sẽ tiếp tục đầu tư sửa chữa chuồng trại, phát triển thêm đàn.

Song song với việc nuôi nai lấy nhung, ông Long còn nhân giống bán do nhu cầu thị trường. Năm 2013, ông bán một cặp nai giống (1 còn đực, 1 cái) với giá 65 triệu đồng. Năm 2014, bán 2 nai đực giá 55 triệu đồng.

Nai là con vật rất nhát nên khi thu nhung phải rất cẩn thận 
Nai là con vật rất nhát nên khi thu nhung phải rất cẩn thận 

Theo ông Long, con nai rất dễ nuôi, thức ăn chủ yếu là lá rừng. Loại lá “khoái khẩu” của nai là lá sung, lá mít nhưng hầu như lá cây gì có ở địa phương nai đều ăn. Ngoài lá cây rừng, ông cho ăn bổ sung thức ăn tinh như cám ngô, lúa, đậu… Chế độ ăn uống của nai cũng ít, ngày cho nai hai lần, tầm giữa buổi sáng và chiều tối để nai ăn đêm bởi đặc tính thích ăn đêm của chúng. Đặc biệt, do không sống trong tự nhiên, lá rừng hạn chế nên phải cho nai ăn xen 20 ngày ăn lá rừng xen kẻ 10 ngày ăn cỏ.
Đặc điểm của nai cái không có nhung nhưng lại sinh sản giúp tăng đàn và bán giống

Đặc điểm của nai cái không có nhung nhưng lại sinh sản giúp tăng đàn và bán giống

Về chuồng trại lại càng đơn giản, xây tường hoặc dùng lưới thép B40 bao quanh, có mái che mưa, nắng. Ngăn ô, mỗi ô khoảng 8 – 10 m2 nhốt một con tránh để nai húc nhau. Đặc biệt, so với các loại gia súc khác, nai rất ít bệnh nhưng phải giữ cho chuồng trại luôn sạch sẽ. Nguồn thức ăn, nước uống đảm bảo nhằm tránh bệnh long mồm lở móng.

Thông thường, nai khoảng 4 năm tuổi bắt đầu cho thu hoạch nhung, nhưng tùy vào độ tuổi nai mà trọng lượng nhung tăng cao lên. Nai trưởng thành mỗi lần cho khoảng 1,4 – 1,6 kg nhung và việc thu nhung thường vào tháng 8 và tháng 11 dương lịch. Tuy nhiên, đảm bảo sức khỏe cho nai, chỉ nên thu nhung một lần vào tháng 11. “Vòng đời của nai khoảng 30 năm, nếu chăm sóc tốt vẫn có thể thu hoạch nhung 2 lần/năm. Nhưng để đảm bảo sức khỏe cũng như chất lượng nhung thì nên thu một lần là tốt nhất”, ông Long chia sẻ.

Doãn Công

 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”